Giá thu gom rác ở TP HCM sẽ tăng cao

Lộ trình tăng giá thu gom, vận chuyển rác có thể sẽ triển khai từ năm 2020 với mức trung bình cao hơn 48.000 đồng/hộ tùy quận – huyện

Quyết định (QĐ) 38 của UBND TP HCM về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý rác sử dụng ngân sách nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-11-2018. Theo lộ trình này, giá rác năm sau sẽ cao hơn năm trước, do đó nếu năm 2020 mới áp dụng đơn giá mới thì người dân sẽ trả tiền rác cao hơn mức giá sàn mà TP đề ra là 48.000 đồng/tháng.

Mỗi nơi mỗi giá

Tháng 10 vừa qua, nhiều hộ dân trên địa bàn quận Phú Nhuận được phường gửi phiếu lấy ý kiến về giá thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn. Ông Nguyễn Trường Thanh, ngụ phường 14, quận Phú Nhuận, cho biết theo phiếu thăm dò thì có mức giá thu gom rác tăng hơn gấp đôi so với hiện tại.

Quận 1 cũng đang chuẩn bị đơn giá để đưa ra lấy ý kiến người dân, với mức dao động từ 31.000 đến 75.000 đồng/hộ/tháng. Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận 1, sở dĩ có sự chênh lệch như trên vì tùy cự ly vận chuyển mỗi khu vực mà mức giá cũng khác nhau. Chẳng hạn, phường gần trạm trung chuyển giá khác, phường xa trạm trung chuyển giá khác. Theo đại diện quận này, cái khó không chỉ tỉ mỉ trong cách tính toán cự ly vận chuyển mà hiện nay chưa rõ thẩm quyền ban hành giá thu gom thuộc UBND quận hay UBND TP mà các địa phương đang chờ hướng dẫn.

Ảnh minh họa: Pexels.com

Tương tự, tại huyện Hóc Môn, sau khi cân nhắc tính toán đưa ra mức giá dự kiến 41.000 đồng/hộ/tháng thì đại diện Phòng TN-MT huyện này cho biết tiếp tục tính toán lại trước khi ban hành bởi có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa bàn lân cận (huyện Củ Chi dự kiến giá rác 20.000 đồng/hộ/tháng – PV). Theo đại diện huyện này, 2 địa bàn giáp ranh nếu có sự chênh lệch cao trong giá thu gom sẽ dễ gây xáo trộn trong lực lượng thu gom.

Tương tự, quận 12 đến nay cũng chưa ban hành giá thu gom mới mà đợi UBND các phường tính toán cự ly vận chuyển trên từng địa bàn. “Do thời hiệu có hiệu lực của QĐ 38 đã trôi qua hơn 1 năm mà vẫn chưa triển khai được, theo lộ trình giá thu gom, vận chuyển năm sau sẽ cao hơn năm trước, do đó địa phương khi xây dựng sẽ căn cứ vào thực tế để tính toán, chắc chắn giá thu gom năm 2020 sẽ cao hơn giá sàn mà TP đưa ra là 48.000 đồng cho năm 2019” – đại diện quận này cho hay.

Tăng vì tính thêm phí vận chuyển

Theo thống kê của Sở TN-MT TP HCM, mỗi ngày TP phát sinh hơn 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, mỗi năm TP phải chi ngân sách trên 2.000 tỉ đồng để thu gom, vận chuyển và xử lý. Với mức giá 15.000 đến 25.000 đồng/hộ đang chi trả hiện nay thì người dân mới chỉ trả cho khâu thu gom, còn lại ngân sách Nhà nước chi trả cho khâu vận chuyển và xử lý (theo QĐ 88/2008/QĐ- UBND).

Nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách và thực hiện chủ trương người gây ô nhiễm phải trả tiền, UBND TP đã ban hành QĐ 38/2018. Theo quy định mới này, giá tối đa đối với dịch vụ thu gom rác bằng phương pháp thủ công là 364 đồng/kg, nếu thu gom bằng phương tiện cơ giới thì giá tối đa là 166 đồng/kg. Đối với dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, năm 2019 là 40 đồng/kg, năm 2020 là 133,5 đồng/kg, năm 2021 là 227 đồng/kg, từ năm 2022 trở đi là 247 đồng/kg. Còn giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng ngân sách nhà nước tối đa là 475 đồng/kg.

Nếu tính đúng, tính đủ các chi phí từ thu gom, vận chuyển đến xử lý thì mỗi hộ dân phải chi trả từ 110.000 đến 150.000 đồng/hộ/tháng nhưng theo Sở TN-MT, nhằm tránh giá thu gom tăng đột ngột cũng như chờ thời gian sắp xếp lại phương tiện, hoạt động thu gom, TP đã giãn tiến độ áp dụng mức phí này đến năm 2022. Trước mắt, giai đoạn 2019 đến 2022, ngoài chi trả phí thu gom, người dân sẽ chịu một phần phí vận chuyển, còn lại do ngân sách nhà nước chi bù.

Theo tính toán của nhiều địa phương, với một hộ gia đình khoảng 4 người, mỗi ngày thải ra khoảng 4 kg rác thì năm 2020 phải trả khoảng 59.000 đồng/hộ/tháng, từ năm 2022 trở đi là 130.000 đồng/hộ/tháng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho rằng: Với mức giá trong QĐ 38, giai đoạn năm 2019 đến 2021, ngân sách TP vẫn phải chi bù cho chi phí vận chuyển, xử lý rác, giá này được điều chỉnh tăng định kỳ mỗi năm và từ năm 2022 sẽ được tính đúng tính đủ theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả hoàn toàn chi phí, xóa bỏ bao cấp của nhà nước. Theo bà Mỹ, quá trình xây dựng giá thu gom, vận chuyển sẽ có nhiều khó khăn tùy đặc thù mỗi địa phương, song mỗi nơi phải vừa làm vừa gỡ khó để cùng nhau đưa bài toán thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt đi vào khuôn khổ.

Phải quy rõ trách nhiệm người lấy rác!

Ông Nguyễn Trường Thanh khẳng định hoàn toàn ủng hộ chủ trương tăng giá rác theo lộ trình. Tuy nhiên, trong hợp đồng thu gom phải bảo đảm yêu cầu rác được thu gom mỗi ngày, ngoài ra, nếu phân loại rác tại nguồn theo yêu cầu của TP, người thu gom phải thực hiện nghiêm, không được dồn đống vào xe khiến công tác phân loại không hiệu quả.

Tương tự, ông Lê Văn Thạnh (quận 2) đề nghị: Song song với việc tăng giá, địa phương phải quản lý chặt lực lượng thu gom của các hợp tác xã, phải cam kết lấy rác đúng giờ giấc, phải lấy rác mỗi ngày chứ không phải muốn lấy lúc nào thì lấy, có khi 2 – 3 ngày mới đi lấy một lần như hiện nay.