Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực gần 10 năm nay đã giải quyết nhiều vướng mắc trong quản lý và khai thác khoáng sản; những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn được bổ sung bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các luật chuyên ngành. Tuy vậy, trong quá trình triển khai, nhất là tại các địa phương đã bộc lộ những vấn đề cần sửa đổi.
Tạo dấu ấn trong lập và quy hoạch khoáng sản
Quy hoạch khoáng sản đã được quy định từ khi Luật Khoáng sản năm 1996 và sửa đổi, bổ sung năm 2005 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2005) được kế thừa và tiếp tục trong Luật Khoáng sản năm 2010. Đến nay, hầu hết các khoáng sản, nhóm khoáng sản đã được lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; 10 quy hoạch và 2 quy hoạch bổ sung thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản.
Về quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay, trên địa bàn cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố đã có 97 quy hoạch khoáng sản các loại được phê duyệt theo thẩm quyền; rà soát, điều chỉnh 34 quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.
Riêng năm 2018, có 9 tỉnh, thành phố gồm Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Bình, Phú Yên, Đà Nẵng, Kon Tum, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Tây Ninh đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản phù hợp với yêu cầu thực tế. Đồng thời, các địa phương đang chuẩn bị các điều kiện, thông tin để xây dựng, phê duyệt quy hoạch mới đáp ứng yêu cầu của Luật Quy hoạch hiện hành.
Về khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, hiện nay, trên địa bàn cả nước có 58/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành công tác khoanh định, phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Riêng trong năm 2018 có 10 tỉnh, thành phố đã phê duyệt gồm: An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Cao Bằng và Hải Dương. Hiện tại, còn 5/63 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành việc lập và trình phê duyệt theo quy định (gồm: Bạc Liêu, Bến Tre, Điện Biên, Bắc Ninh và Nam Định là tỉnh có ít khoáng sản).
Thực hiện phê duyệt khu vực không đấu giá/đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấp phép hoạt động khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản theo quy định pháp luật.
Cần tiếp tục sửa đổi
Dù đã đạt được những thành tựu bước đầu nhưng trong quá trình thực thi nhưng Luật Khoáng sản năm 2010 đã bộc lộ một số điểm bất cập cần hoàn thiện như: Luật chưa quy định cụ thể việc liên doanh, liên kết trong hoạt động khai thác khoáng sản; chưa có quy định đồng bộ với pháp luật về đầu tư để kiểm soát khi có sự thay đổi về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép khai thác trong việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế… Đặc biệt, trách nhiệm phối hợp quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố nhất là đối với hoạt động khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa có quy định cụ thể.
Tại địa phương, tỉnh Phú Thọ là nơi có nhiều mỏ khoáng sản, thường xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân lén lút khai thác trái phép. Lãnh đạo địa phương cho biết, nguyên nhân là do một số các quy định của pháp luật về khoáng sản chưa phù hợp, còn bất cập với điều kiện thực tế. Việc thiếu và chậm trễ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật đã tạo nhiều khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý và hoạt động khoáng sản tại địa phương.
Ông Phan Văn Cương – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, vẫn có một số doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn chưa thực hiện thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, chưa hoàn thiện hồ sơ kiểm tra công tác nghiệm thu công trình trước khi đưa vào sử dụng, chưa thực hiện thủ tục thuê đất cho vị trí khai thác… Khối lượng quặng sắt xuất khẩu hàng năm qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai rất lớn, trong khi đó, hạ tầng xuống cấp trầm trọng gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường đã gây bức xúc cho nhân dân sinh sống cạnh các tuyến đường. Mỏ sắt limonit Làng Vinh – Làng Cọ, theo tài liệu địa chất và thực tiễn khai thác, chế biến cho thấy, chất lượng quặng sắt không đạt được 54%, chủ yếu từ 49 – 51%.
Đại tá Thái Hồng Công, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh phản ánh, đối với công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản còn nhiều khó khăn. Một số đơn vị khai thác khoáng sản chưa phối hợp tích cực với chính quyền, địa phương và công an trong công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản, quản lý ranh giới mỏ.
Do lợi nhuận từ hoạt động khai thác trái phép cao, nên một bộ phận dân cư vẫn vi phạm pháp luật cho thuê đất, thuê rừng, thuê nhà để san gạt khai thác khoáng sản trái phép. Nguyên nhân là do chế tài và các quy định pháp luật về xử phạt các hành vi vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tiễn, rất khó khăn cho việc xử lý hình sự các vụ việc vi phạm, mà chỉ dừng ở xử lý hành chính thì chưa đủ sức răn đe.
Tính đến hết tháng 5/2019, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được phê duyệt là 49.558 tỷ đồng, trong đó, đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT trên 35.000 tỷ đồng; đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh trên 13.000 tỷ đồng.
Về số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã thu được cho ngân sách Nhà nước: theo báo cáo của Tổng cục Thuế (từ tháng 1/2014 đến hết tháng 5/2019) đã thu là 22.831 tỷ đồng. Như vậy, hiện nay, trung bình mỗi năm, Nhà nước thu cho ngân sách từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khoảng 4.000 – 4500 tỷ đồng. |