Các nhà động vật học vừa công bố tê giác Sumatra đã tuyệt chủng ở Malaysia sau khi cá thể cuối cùng của phân loài này chết vì ung thư ở bang Sabah trên đảo Borneo.
Cá thể tê giác có tên Iman mắc ung thư tử cung từ khi bị nuôi nhốt vào tháng 3/2014.
“Cái chết của Iman đến sớm hơn dự đoán nhưng chúng tôi biết nó đã phải chịu đựng những cơn đau dữ dội”, theo Augustine Tuuga, Giám đốc Sở động vật hoang dã Sabah.
Trong vài năm qua, Iman đã nhiều lần bị xuất huyết cấp nhưng lần nào các viên chức động vật hoang dã cũng cứu được. Họ còn lấy các tế bào trứng của Iman để hợp tác với các nhà khoa học nhằm tái tạo các loài cực kỳ nguy cấp qua chương trình thụ tinh nhân tạo.
Cá thể tê giác đực Sumatra cuối cùng của Malaysia chết vào tháng 5, còn năm 2017, một cá thể tê giác cái khác cũng chết trong tình trạng nuôi nhốt. Những nỗ lực để nhân giống cho đến nay chưa mang lại hiệu quả.
Tê giác Sumatra là loài tê giác nhỏ nhất, từng phân bố khắp châu Á nhưng số lượng đã giảm mạnh do nạn phá rừng và săn trộm. Nhóm bảo tồn WWF ước tính chỉ còn khoảng 80 cá thể, chủ yếu sống ở vùng hoang dã Sumatra, Indonesia.
Nhóm bảo tồn International Rhino Foundation lo lắng rằng sự cô lập khiến chúng hiếm khi sinh sản và có thể bị tuyệt chủng trong vài thập kỷ.
Sách đỏ IUCN xác định tê giác Sumatra, tê giác đen và và tê giác Java đều thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp. Cả tê giác châu Phi và tê giác Sumatra đều có hai sừng trong khi tê giác Ấn Độ và tê giác Java chỉ có một sừng.
Nhật Anh (Theo Guardian)