Vào buổi bình minh của kỷ nguyên xây dựng đập trên sông Yarlung Tsangpo (Nhã Lỗ Tạng Bố), vô số sinh mạng và hệ sinh thái đang bị đe dọa dưới danh nghĩa “phát triển” và địa chính trị.
Trong 7 thập kỷ qua, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã xây dựng hơn 87.000 đập và tạo ra tổng cộng 352,26 GW điện, nhiều hơn công suất của cả Brazil, Mỹ và Canada cộng lại. Mặt khác, các dự án này khiến hơn 23 triệu người phải di dời.
Cao nguyên Tây Tạng là kho chứa tài nguyên nước ngọt thiết yếu cho khắp châu Á. Sau khi xây đập tại hầu hết các con sông tại đại lục, Trung Quốc hiện đang hướng mắt về những con sông quốc tế lớn bắt nguồn từ Tây Tạng, báo hiệu một kỷ nguyên mới về xây đập trên những dòng sông Tây Tạng.
Tây Tạng, còn được gọi là “Tháp nước châu Á”, là khởi nguồn của 10 hệ thống sông lớn chảy vào 10 quốc gia châu Á, bao gồm nhiều quốc gia đông dân bậc nhất thế giới: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan , Miến Điện, Bangladesh, Nepal, Bhutan và Pakistan.
Trung Quốc, thông qua sự kiểm soát chính trị đối với Tây Tạng, đã hoàn toàn kiểm soát thượng nguồn tất cả các con sông lớn chảy từ cao nguyên Tây Tạng. So với Trung Quốc, Tây Tạng vẫn là một lãnh thổ còn nguyên vẹn với chưa đầy 0,6% tài nguyên thủy điện được sử dụng để phát triển. Nhưng điều này đang thay đổi nhanh chóng. Khi Trung Quốc tìm cách đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo, Bắc Kinh sẽ phải khai thác thêm thủy điện. Các công ty thủy điện và năng lượng của Trung Quốc đã vận động chính phủ cho phép nhiều dự án thủy điện khai thác các dòng sông chảy xiết ở Tây Tạng với 28 đề xuất đang chờ phê duyệt.
Tây Tạng là khu vực bất ổn về địa chất với độ cao trung bình 4.500 mét so với mực nước biển. Bất chấp vai trò quan trọng của cao nguyên Tây Tạng vốn nhạy cảm về sinh thái và hoạt động địa chấn, Trung Quốc vẫn tiếp tục kế hoạch đầy tham vọng mở rộng sản xuất thủy điện trên đầu nguồn các con sông lớn của châu Á gồm Dương Tử, Hoàng Hà, Brahmaputra, Ấn, Mê Công và Salween.
Quy hoạch điện của Quốc vụ viện Trung Quốc cho kế hoạch năm năm lần thứ 12 (2011-15) và lần thứ 13 (2016-2020) xác nhận ý định của chính phủ về đẩy mạnh dự án thủy điện trên cao nguyên Tây Tạng. Thủy điện đang được quảng bá là trung tâm trong kế hoạch mở rộng ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc. Đến năm 2020, nước này muốn tăng gấp ba công suất thủy điện lên 300 GW nên ngày càng ráo riết xây đập con sông xuyên biên giới nhằm đạt được các mục tiêu về thủy điện.
Brahmaputra, được gọi là Nhã Lỗ Tạng Bố trong tiếng Tây Tạng, là dòng sông quốc tế lớn được chảy qua Tây Tạng, Ấn Độ và Bangladesh. Dòng sông 2.900 km này chảy từ tây sang đông, khởi nguồn từ các dòng sông băng Chemayungdung gần linh sơn Cương Nhân Ba Tề.
Từng là một dòng sông chảy tự do, bây giờ Brahmaputra bị xây đập trên mọi phần. Bắt đầu từ nhà máy thủy điện Tàng Mộc, một loạt các đập được xây dựng trên dòng sông này. Nhà địa chất học Yang Yong đã nói một cách đúng đắn rằng hoạt động này đại diện cho “khởi đầu của kỷ nguyên thủy điện đối với các dòng sông Tây Tạng”.
Tháng 1/2013, Trung Quốc phê duyệt ba dự án xây đập trên sông Brahmaputra là một phần của Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, dấy lên mối lo ngại trên truyền thông Ấn Độ về tác động có thể xảy ra đối với dòng chảy hạ nguồn. Trong nỗ lực hạ thấp mối quan ngại của Ấn Độ về những vấn đề này, chính phủ Trung Quốc nhanh chóng đảm bảo với Ấn Độ rằng dự án sẽ được lên kế hoạch và cân nhắc một cách khoa học. Trung Quốc khăng khăng cho rằng đây là một dự án sản xuất thủy điện đập dâng (ROR) – có nghĩa là một phần con sông đã được chuyển dòng để chạy qua các tuabin phát điện, và sau đó nước sẽ lại chảy vào sông. Và theo lập luận của phía Trung Quốc, dự án ROR như vậy sẽ không làm giảm lưu lượng nước và không có bất kỳ tác động nào tới hạ nguồn.
Phần lớn những khẳng định này không đúng sự thật. Thay vào đó, các dự án ROR vẫn lưu trữ lượng nước lớn vào ban ngày, chỉ được xả tất cả cùng một lúc vào buổi tối để phát điện trong giờ cao điểm. Những biến động hàng ngày trên sông gây ra sự gián đoạn lạ thường cho sinh thái sông. Hơn nữa, các đập lớn cũng làm tăng xác suất xảy ra động đất, phá hủy môi trường quý giá và làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người phụ thuộc vào sông Brahmaputra.
Thay vì mang lại lợi ích cho người dân bằng nguồn điện không ô nhiễm, các nhà xây dựng đập Trung Quốc đang bóc ngắn cắn dài thiên nhiên, bán linh hồn Tây Tạng để tăng trưởng kinh tế. Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các con đập không phải là nguồn điện sạch, xanh hoặc rẻ tiền như vẫn được rêu rao.
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng ba đập thủy điện (Đại Cổ, Nhai Nhu và Gia Tra) trên khúc giữa Brahmaputra. Các đập Đại Cổ (660 MW) và Nhai Nhu (560 MW) đang được xây dựng ở thượng nguồn và đập Gia Tra (320 MW) ở hạ nguồn Tàng Mộc – tất cả chỉ cách nhau vài km.
Nhà máy thủy điện Tàng Mộc (510 MW) chỉ là khởi đầu. Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 11 nhà máy thủy điện trên dòng chính và nhiều dòng nhánh Brahmaputra. Hoa Năng, Hoa Điện, Quốc Điện và Đại Đường – bốn tập đoàn điện lực lớn – đã bắt rễ ở Tây Tạng. Trong số đó, Huaneng là công trình thủy điện lớn nhất ở Khu tự trị Tây Tạng (TAR).
Công ty TNHH phát điện Huaneng (HTPG) – công ty con của Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước – đã ký nhiều thỏa thuận về phát triển năng lượng sạch trong khu vực với chính quyền TAR. Theo các thỏa thuận, công suất lắp đặt của Huaneng ở Tây Tạng sẽ đạt mức 10.000 MW vào năm 2020. Người ta tin rằng tài nguyên thủy điện ở TAR chiếm 29% toàn quốc.
Theo kế hoạch, Tập đoàn Hoa Năng chịu trách nhiệm phát triển các nhà máy thủy điện Nhai Nhu và Gia Tra trong khi Đại Cổ sẽ do Tập đoàn Hoa Điện xây dựng.
Ngoài ra, nhà máy thủy điện Ba Ngọc với công suất lắp đặt 800 MW cũng bắt đầu khảo sát từ tháng 11/2018.
Bất cứ khi nào có vấn đề về nước như lũ lụt và các thảm họa khác xảy ra trong khu vực, Ấn Độ lại nêu lên quan ngại về các đối tác Trung Quốc. Những mối quan ngại này được đáp ứng bằng một Bản ghi nhớ (MoU) hoặc Cơ chế cấp chuyên gia (ELM) – những thứ không mang tính ràng buộc và không có bất kỳ cơ quan quản lý nào đảm bảo việc thực hiện.
Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa thông báo chính thức về việc xây dựng các con đập này trên sông Brahmaputra. Việc thiếu minh bạch về việc xây đập trên sông Tây Tạng đặt ra câu hỏi về việc liệu người dân Tây Tạng và các quốc gia hạ nguồn có được thông tin đầy đủ về rủi ro và tác động đối với hệ thống sông đang nuôi sống hàng triệu người hay không. Những con đập được đề xuất này sẽ gây ra mối đe dọa sinh thái nghiêm trọng không chỉ đối với cao nguyên Tây Tạng mà còn ở phía bên kia biên giới.
Trung Quốc, bằng cách xây dựng những con đập này, sẽ phải chịu trách nhiệm về việc khai thác quá độ dòng sông – điều có thể gây nguy hiểm cho hệ sinh thái sông cũng như thay đổi dòng nước chảy xuống hạ nguồn, ảnh hưởng đến nông dân và ngư dân Ấn Độ và Bangladesh.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng có thể dễ dàng thao túng dòng chảy con sông khiến Ấn Độ rơi vào thế bất lợi về chiến lược. Đã đến lúc Ấn Độ cần có lập trường để xác định quyền sử dụng của họ trên sông và giám sát các đập này hoạt động ở phần trên sông Brahmaputra.
Sức khỏe môi trường của cao nguyên Tây Tạng là rất thiết yếu đối với khoảng 1,3 tỷ người châu Á sống ở các lưu vực hạ nguồn sông. Không nên coi sông từ Tây Tạng là một nguồn thủy điện mà cần xem xét nghiêm túc tầm quan trọng địa chất của những dòng sông này.
Nhật Anh (Thep Diplomat)