Ngành sản xuất gạo, 1 nguồn chính phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở Trung Quốc, đã có những chuyển đổi mạnh mẽ nhờ những thay đổi về các giống lúa cho năng suất cao và những quy định nuôi trồng.
Lượng khí gây hiệu ứng nhà kính phát thải từ các ruộng lúa của Trung Quốc đã giảm đáng kể trong 5 thập kỷ qua.
Đó là kết quả nghiên cứu mới đây của quốc gia này được đăng trên tạp chí Environmental Research Letters.
Trong 50 năm qua, ngành sản xuất gạo, một nguồn chính phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở Trung Quốc, đã có những sự chuyển đổi mạnh mẽ nhờ những thay đổi về các giống lúa cho năng suất cao và những quy định về nuôi trồng.
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Trung Quốc đã đánh giá một cách toàn diện mức độ ảnh hưởng do những thay đổi trên đối với việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
[Thủ tướng Australia Scott Morrison bảo vệ chính sách khí hậu]
Thông qua việc so sánh các giống lúa trên quy mô lớn, giám sát các ruộng lúa và khai phá dữ liệu, họ phát hiện ra rằng sản lượng gạo trung bình của Trung Quốc đã tăng 130% trong 5 thập kỷ qua.
Theo những nhà nghiên cứu này, việc chuyển sang phía Bắc để trồng lúa, trồng những giống lúa có sản lượng cao và đổi mới các hệ thống tưới tiêu đã giúp giảm tới 70% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, trong đó lượng khí methane giảm nhiều nhất.
Cũng theo những nhà nghiên cứu trên, những phát hiện kể trên cho thấy có thể làm tăng sản lượng gạo mà không phải tốn nhiều chi phí cho việc bảo vệ môi trường thông qua việc giám sát những giống lúa ít phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và các kỹ thuật nông nghiệp.
Những đổi mới trong tương lai sẽ giúp cho việc trồng lúa thích nghi dần với sự biến đổi khí hậu, đồng thời tiếp tục giúp giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.