Khai thác bờ biển, chặt phá Vườn Quốc gia không chỉ dừng lại ở việc bào mòn tài nguyên mà còn đang giết dần hệ sinh thái tự nhiên độc đáo của riêng Phú Quốc.
“Tư nhân hóa” bãi biển công cộng
Theo nhiều biển báo công khai ven các bãi biển Phú Quốc, từ mép nước vào bờ 50 mét là bãi biển dành cho công cộng. Tuy nhiên, trên thực tế, du khách đến Phú Quốc, không dễ đến được với biển, nhất là những bờ biển đẹp…
Ngoại trừ một đoạn ngắn ngay khu vực Dinh Cậu, gần như du khách rất khó để tiếp cận với bờ biển ở khu vực trung tâm thị trấn Dương Đông. Bởi hoặc không có lối đi, hoặc nếu có quy hoạch đường dẫn xuống biển thì cũng khá nhỏ nên khách không dễ nhận biết.
Ngay cả khi biết và đến, cũng khó để tận hưởng trọn vẹn biển. Nguyên nhân là do không gian công cộng cũng rất “giới hạn”, bởi hai bên đã được các doanh nghiệp “khai thác” trước khi có quy định.
Cũng với tình trạng này, du khách sẽ khó đến với biển ở khu vực Chuồng Vích (xã Gành Dầu) bởi nhiều đoạn bờ biển đã bị “tư nhân hóa” và triển khai xây dựng nhiều công trình ra tận mép biển với quy mô lớn, khiến du khách gần như hết đường đến với biển.
Đáng nói hơn là theo thừa nhận của cán bộ có chức năng xã Gành Dầu, phần lớn các công trình này mắc nhiều sai phạm, như chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép xây dựng…
Đặc biệt, thời gian gần đây, nạn “tấn công” bờ biển diễn ra với mức độ khủng khiếp hơn. Ngay sát công trình của Resort Nam Phương, nhiều nhà hàng “mọc” ngay vị trí “mặt tiền biển” của đơn vị quân sự.
Khu vực xã Hàm Ninh, đoạn bờ biển từ cầu cảng lên hướng Bãi Bổn hoang sơ ngày nào, giờ là lô nhô những công trình dịch vụ du lịch. Thậm chí, có nơi còn lấn biển đến hàng chục mét.
“Không chỉ che chắn tầm nhìn hướng biển của du khách, nó còn giết dần “đời sống bờ” với những mối tương quan đa dạng sinh học của biển” – một cán bộ nghỉ hưu ở Phú Quốc nhận xét.
Chặt phá Vườn Quốc gia
Trước thời điểm ghi nhận nạn phá rừng thuộc phạm vi Vườn Quốc gia Phú Quốc của Resort Nam Phương, có dịp tháp tùng đoàn công tác kiểm tra hiện trường phá rừng tại khu vực tổ 1 ấp Gành Dầu, chúng tôi thật sự kinh hoàng trước hành vi táo tợn của nạn phá rừng đang diễn ra ở Phú Quốc.
Sau khi đốn hạ cây trong phạm vi vườn Quốc gia Phú Quốc, nhóm người này đã gom cây lại đốt để phi tang. Rất may là nhờ xung quanh đám cháy có vách đá tự nhiên án ngữ, nếu không chưa biết ngọn lửa sẽ lây lan đến đâu.
Sau khi triệt hạ cây rừng, các đối tượng này ngang nhiên xây dựng nhà ở và thực hiện trồng nhiều loại cây ăn trái ngay trên diện tích vừa chiếm cứ…
Sau khi phát hiện, ngành chức năng đã đến hiện trường triệt hạ căn nhà, quản lý phần đất, nhưng phần cây và hệ sinh thái rừng thì có lẽ không thể nào trở lại như xưa…
Hôm chúng tôi đến, vài nơi vẫn còn nghi ngút khói. Theo báo cáo của Tổ Kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính huyện Phú Quốc (Tổ 3399), từ tháng 9.2018 đến tháng 6.2019 UBND huyện Phú Quốc đã kiểm tra, xử lý 294 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, rải đều khắp 10/10 xã, thị trấn với tổng diện tích 980.701,71m2.
Trong đó, riêng Vườn Quốc gia Phú Quốc, các cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 28 vụ, gồm các hành vi chiếm rừng; lấn rừng và phá rừng trái pháp luật; vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng…
Vườn Quốc gia Phú Quốc rộng khoảng 30.000ha, có 3 hệ sinh thái đặc trưng: Rừng ngập mặn, rừng tràm úng phèn, rừng thường xanh rụng lá cây họ Dầu. Nơi đây có 9 sinh cảnh độc đáo: Sinh cảnh rừng thứ sinh ven biển; Sinh cảnh rừng Tràm; Sinh cảnh rừng Truông Nhum; Sinh cảnh rừng thưa cây họ Dầu; Sinh cảnh rừng khô hạn núi đá; Sinh cảnh rừng thường xanh cây họ Dầu; Sinh cảnh rừng cây bụi Sim, Mua, trảng Tranh; Sinh cảnh rừng ngập mặn; Sinh cảnh Tràm thưa, Tràm bụi trên đất cát.
(Nguồn “Vườn Quốc gia Phú Quốc”) |