Dự kiến hơn 85 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho công tác bảo tồn các loài tê tê ở Việt Nam theo “Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài tê tê ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030” chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chỉ trong nửa đầu năm 2019, hai vụ buôn lậu vảy tê tê từ châu Phi về Việt Nam đã được phát hiện và bắt giữ với khối lượng tịch thu hơn 8 tấn vảy tê tê bắt giữ ở cảng Hải Phòng và hơn 5 tấn vảy tê tê bắt giữ ở Cái Mép, Bà Rịa- Vũng Tàu. Tính chung từ đầu năm đến nay, đã có gần 15 tấn vẩy tê tê có nguồn gốc từ châu Phi đã bị bắt giữ ở các cảng biển của Việt Nam. Săn bắt và buôn bán tê tê đang trở thành vấn nạn mà Việt Nam phải đấu tranh và ngăn chặn.
Theo kết quả nghiên cứu trong 20 năm trở lại đây cho thấy, tê tê là nhóm loài thú có số lượng cá thể đang bị buôn bán phi pháp nhiều nhất trên thế giới với hơn một triệu cá thể bị bắt từ tự nhiên trong giai đoạn 2000 – 2013 . Hàng năm, theo kết quả đánh giá của Nhóm chuyên gia bảo tồn tê tê thế giới (IUCN/SSC-Pangolin Specialist Group), trung bình có khoảng trên 100.000 cá thể tê tê bị săn bắt từ tự nhiên . Để bảo vệ tê tê khỏi nguy cơ tuyệt chủng, nhiều quốc gia như Singapore, Nepal… đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và ban hành các quy định về bảo vệ và nghiêm cấm việc bắt, giữ và buôn bán thương mại đối với nhóm động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng này.
Thuộc nhóm loài thú chuyên ăn côn trùng, đặc biệt là các loài kiến và mối, tê tê giúp duy trì sự cân bằng sinh thái tự nhiên. Do đó, sự suy giảm quần thể tê tê sẽ dẫn tới nguy cơ mất cân bằng trong hệ sinh thái tự nhiên và giảm tính đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái mà chúngđang sinh sống.
Việt Nam có hai loài tê tê vàng và tê tê Java đều đang bị suy giảm về số lượng do săn bắt và buôn bán bất hợp pháp. Năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã đưa tê tê vào nhóm IB của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, đây là nhóm gồm các loài động vật rừng quý hiếm, nguy cấp được quản lý, bảo vệ ở mức nghiêm ngặt nhất. Tuy nhiên, do tỷ lệ sinh sản thấp, sự chuyên biệt về thức ăn và phải chịu áp lực lớn về săn bắt, buôn bán và mất vùng sinh sống, các loài tê tê ở Việt Nam vẫn có nguy cơ tuyệt chủng ở mức cao. Do đó, để bảo vệ các loài này trước nguy cơ bị tuyệt chủng và góp phần với các nỗ lực bảo tồn quốc tế trong việc ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán bất hợp pháp tê tê và các sản phẩm của chúng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì việc xây dựng bản“Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn tê tê ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030” để trình Chính phủ phê duyệt.Việc xây dựng Kế hoạch được thực hiện với sự hỗ trợ từ Dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã” do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Theo Dự thảo Kế hoạch, Việt Nam sẽ bố trí nguồn lực nhằm thực hiện đồng bộ các hoạt động nghiên cứu, ngăn chặn các hoạt động săn bắt, buôn bán, bảo tồn và phục hồi các quần thể tê tê ở Việt Nam thông qua hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung pháp lý để bảo vệ tê tê và nơi sinh sống của chúng.
Đến năm 2025, đảm bảo cho ít nhất ba trung tâm cứu hộ, cơ sở bảo tồn nằm ở ba miền đạt đủ năng lực tiếp nhận, cứu hộ, tái thả và nhân nuôi bảo tồn các loài tê tê ở Việt Nam. Đến năm 2030, kiểm soát hiệu quả và từng bước chấm dứt các hoạt động buôn bán, vận chuyển, nuôi giữ tê tê trái pháp luật; đảm bảo quần thể tê tê trong tự nhiên tại ít nhất 2 khu bảo tồn trọng điểm dành cho các loài tê tê ở Việt Nam được bảo vệ và gia tăng số lượng.
Bên cạnh đó, Dự thảo Kế hoạch còn bao gồm các hoạt động như: tăng cường công tác nghiên cứu và hợp tác quốc tế nhằm xây đựng và duy trì được một bộ cơ sở dữ liệu về bảo tồn loài tê tê ở Việt Nam; thực hiện và duy trì các hoạt động truyền thông nhằm chống săn bắt, buôn bán bất hợp pháp và giảm nhu cầu sử dụng tê tê và sản phẩm của chúng ở Việt Nam.
Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện kế hoạch này là 85 tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn gồm các khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ là cơ quan chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện kế hoạch.
“Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn tê tê ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030”được xây dựng nhằm bảo đảm sự tồn tại và phục hồi các loài tê tê trong môi trường tự nhiên. Việc ban hành và thực hiện Kế hoạch g giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, đạt được mục tiêu Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững của mình.