Thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây nên đã ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp Ấn Độ. Trong đó, nhiều người dân đã tìm đến cái chết vì mùa màng thất thu, nợ nần chồng chất mà không lường trước được rằng hoàn cảnh khó khăn sẽ đẩy những đứa trẻ vào con đường mưu sinh kiếm sống, những ước mơ hoài bão của chúng cũng dần lụi tàn.
Từ khi còn nhỏ, cha mẹ của Renu Wankhade (19 tuổi) đã khiến cô tin rằng học tập là con đường duy nhất để thoát khỏi tình trạng đói nghèo khi sống ở một đất nước nông nghiệp như Ấn Độ. Nhưng ước mơ được học tập mà em luôn ấp ủ đã dần trở nên xa vời.
Tháng 6/2016, cha của Renu, ông Devrao đã phải uống thuốc sâu tự tử khi không thể trả được khoản nợ 716 USD (17 triệu đồng) sau nhiều năm mất mùa liên tiếp. Gần 3 năm sau khi cha qua đời, Renu vẫn quyết tâm theo đuổi con đường học tập và hoàn thành bậc học phổ thông. Nhưng ước mơ thoát nghèo không thể thực hiện được vì Renu không có tiền trang trải học phí vào đại học. “Tôi luôn muốn được học lên cao hơn. Nhưng bây giờ đó là điều không thể. Tôi buộc phải đi làm thuê để giúp mẹ lo đủ bữa ăn qua ngày”, Renu chia sẻ.
Ở vùng đất khô cằn Vidarrbha thuộc bang Maharaashatra, phía Tây Ấn Độ, những hoàn cảnh khó khăn như Renu không phải là hiếm. Hãng truyền thông DW (Đức) dẫn nguồn nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) vào năm 2017 cho biết có đến 60.000 nông dân Ấn Độ tìm đến cái chết vì hậu quả của biến đổi khí hậu.
Số liệu thống kê từ năm 1997 đến năm 2012 ghi nhận có đến 250.000 vụ tử tử đã xảy ra tại quốc gia này. Thảm họa thiên tai xảy ra thường xuyên dẫn đến mất mùa, cha mẹ mất sớm vì tự tử, các khoản tiền phúc lợi xã hội ít ỏi là những nguyên nhân khiến nhiều trẻ em Ấn Độ phải nghỉ học để mưu sinh.
Biến đổi khí hậu khiến tình hình thời tiết thay đổi, từ mưa quá nhiều đến hạn hán thường xuyên đã khiến những người nông dân như ông Devrao phải gánh chịu những thiệt hại lớn về mùa màng, gánh nặng nợ nần ngày càng chồng chất.
Những người nông dân tìm đến cái chết để thoát nợ đã gây ra khủng hoảng trầm trọng đối với nền nông nghiệp Ấn Độ. Họ không lường trước được rằng cái chết của mình sẽ đẩy con cái họ vào bi kịch khốn khó hơn bao giờ hết, nhiều đứa trẻ như Renu phải từ bỏ ước mơ học hành để đi làm phụ giúp gia đình. Tình trạng này cũng khiến lực lượng lao động trong độ tuổi trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ Quyền trẻ em và Bạn (CRY), ước tính có đến 25,23 triệu trẻ em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm đến 62,5% số trẻ em Ấn Độ. “Lao động trẻ em là điều bắt buộc trong những trường hợp này. Nếu các gia đình muốn tồn tại, họ buộc phải đẩy trẻ nhỏ vào lực lượng lao động”, bà Rahul Bais, người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Swarajya Mitra nói.
Sau cái chết của cha mình vào năm 2016, cuộc sống của gia đình Renu càng trở nên khó khăn hơn. Renu chỉ kiếm được 1,4 USD (33.000 đồng) trong 1 ngày làm việc do vụ mùa thất thu vì mưa lớn suốt 2 năm liên tiếp. Bà Mangala, mẹ của Renu còn phải đi vay 700 USD (16 triệu đồng) để tổ chức đám cưới cho chị gái Renu.
“Tôi thực sự rất muốn cho Renu tiếp tục đi học. Nhưng giờ tôi đang phải vật lộn để trả lại khoản nợ. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài để Renu đi làm giúp tôi trả nợ”, bà Mangala chia sẻ.
Năm 2018, một nhóm tổ chức nông dân đã thống kê được rằng chỉ có 12% trẻ em được hưởng lợi từ các khoản hỗ trợ của chính phủ đến khi hoàn thành chương trình học lớp 12.
Bà Buddhamala Javanje (49 tuổi) đã không còn cần đến khoản trợ cấp 8,3 USD ( khoảng 200.000 đồng) mỗi tháng của chính phủ dành cho những góa phụ có chồng là nông dân đã tự tử. Bà cho biết khoản trợ cấp này rất thất thường, nhiều đợt phải 2 đến 3 tháng mới được nhận một lần.
Hơn 10 năm trước, chồng của bà Javanje, ông Ramrao đã túng quẫn treo cổ tự tử do không thể trả những khoản nợ chồng chất. Ông bỏ lại vợ và 2 đứa con, cậu bé Akshay, khi đó mới 10 tuổi và Priyanka 12 tuổi.
Vì không biết gia đình mình nợ bao nhiêu tiền, bà đã phải đấu tranh để giành lại tài sản từ những chủ nợ. Nhưng tất cả 2,5 mẫu đất nông nghiệp đã bị ông Ramrao bán hết đi.
Chỉ thu nhập 1,7 USD (khoảng 40.000 đồng) mỗi ngày khi làm việc tại một nông trại, không đủ để trang trải cuộc sống gia đình, bà Javanje đã bắt con gái Priyanka phải bỏ học khi học hết lớp 8. Nhưng không may, con gái bà đã qua đời sau vài tháng mắc bệnh lạ. Gia đình đã mất đi trụ cột gia đình và phải gánh thêm khoản nợ 354 USD (hơn 8 triệu đồng) điều trị cho con gái. Bà Javenje quyết định để Akshay nghỉ học.
“Tôi muốn hoàn thành việc học và ra thành phố để tìm một công việc tốt”, Akshay nói. Nhưng với trình độ học vấn thấp, anh Akshay phải làm việc trong các trang trại, chỉ thu nhập từ 2,1 USD – 2,7 USD (khoảng 50.000 – 60.000 đồng).
Akshay và bà Javanje chỉ đi làm 2 buổi một tuần, gia đình vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khó. Hơn nữa, những vụ mùa thất thu do hạn hán kéo dài, mưa lớn lại càng khiến gia đình anh lâm vào cảnh túng thiếu.
Trước tình trạng này, ông Shailesh Nawal, người đứng đầu quận Amravati cho biết chính phủ đang tìm cách thực hiện các đề án hiện có để giải quyết tình trạng này. “Chúng tôi đang thiết lập các cơ chế phản hồi như đường dây trợ giúp. Các gia đình có thể gọi cho chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn”, ông nói.
Cho đến khi Chính phủ đưa ra những giải pháp để giải quyết khủng hoảng nông nghiệp, những đứa trẻ như Akshay và Renu sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mưu sinh kiếm sống cho gia đình, bỏ lại những giấc mơ, hoài bão của mình.