Hạn chế đến mức thấp nhất các “khuyết tật” của các dự án PPP để không gây bức xúc cho xã hội.
Đảm bảo công khai, minh bạch, công tâm, không để xảy ra “sân sau”, lợi ích nhóm, thiệt hại về nguồn lực, con người trong các dự án… là những vấn đề mà các đại biểu (ĐB) nêu nhiều nhất khi thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vào ngày 19-11.
Đổi đất vàng lấy công trình làng nhàng
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) và nhiều ĐB thừa nhận các dự án PPP ở Việt Nam đã thu hút được một nguồn lực rất lớn từ xã hội vào phát triển hạ tầng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dự án BOT, BT đã đặt ra tính cấp thiết về minh bạch, công khai.
“Chúng ta đã thấy thực tiễn triển khai một số công trình đối tác công tư vừa qua vừa thiếu minh bạch, thất thoát tài sản, tạo cơ hội cho tham nhũng và kết cục là nhiều cán bộ lãnh đạo vướng vào vòng lao lý” – ĐB Khánh nói.
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nói: Bản chất của dự án PPP là nhà đầu tư bỏ vốn với kỳ vọng thu được lợi nhuận. Vì thế, luật phải quy định để nhà đầu tư thu lợi nhuận phù hợp, đồng thời số tiền, tài sản nhà nước bỏ ra hoặc người dân phải nộp là hợp lý, tối thiểu nhất. Muốn vậy thì Nhà nước phải kiểm soát được chất lượng công trình tương xứng với số tiền nhà đầu tư được hưởng. “Một dự án PPP thành công phải là một dự án tận dụng tối đa ưu điểm, hạn chế tối thiểu các khuyết tật của dự án PPP, không gây bức xúc cho xã hội và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam” – ông Hàm nói.
ĐB Hàm nêu: Thời gian qua Nhà nước đã huy động hơn 1,6 triệu tỉ đồng thực hiện các dự án PPP. Gần đây việc huy động này chững lại. Riêng ngành giao thông thì từ năm 2016 đến nay, Bộ GTVT chưa triển khai thêm được dự án BOT nào. Các dự án mới thì không được triển khai thêm, trong khi đó nhiều dự án BOT trên các tuyến đường hiện hữu bị dừng lại, có dự án phải dừng thu phí, chưa biết bao giờ thu lại.
“Điều này khiến phát sinh thêm tiền lãi rất lớn, sau này người dân phải trả qua tiền phí. Việc dừng thu phí phá vỡ phương án tài chính, gây hệ lụy cho nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng” – ĐB Hàm nêu.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thì cho rằng dự án có hiệu quả hay không, công tác lựa chọn nhà đầu tư là tối quan trọng. Do đó, tính công khai, minh bạch, công tâm, không “sân sau”, lợi ích nhóm là rất cần thiết trong dự luật này. Ông Hòa cũng lưu ý cần tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư.
“Nhà nước đóng góp bằng ngân sách hay tài sản khác. Nếu là tài sản khác thì phải tính giá trị theo cơ chế thị trường chứ không phải như thời gian qua góp vốn của Nhà nước bằng bất động sản cho các dự án BT. Nhà nước đổi những khu đất vàng, còn nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công và gây dư luận không tốt” – ĐB Hòa nói.
Chia sẻ rủi ro hay “lời ăn, lỗ chịu”?
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) khi phát biểu nói mình chỉ xin “chia sẻ một số suy nghĩ”. Bởi trước đó có nhiều ĐB khá đồng tình với quy định và nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong các dự án PPP.
ĐB Mai cho rằng: PPP là hợp đồng tự nguyện, là cơ chế thỏa thuận giữa Nhà nước và chủ đầu tư. Đó là theo cơ chế “lời ăn, lỗ chịu” đúng theo nguyên tắc thị trường và trước khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư đủ thông minh để hình dung ra được hai yếu tố, đó là lợi nhuận và rủi ro. Lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao và khi đã ký kết hợp đồng thì đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro.
Từ đó bà băn khoăn về việc dự luật cho phép chủ đầu tư tăng giá, tăng phí dịch vụ, kéo dài thời hạn thu phí. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân chứ không phải Nhà nước. “Khi đưa quy định này vào dự thảo luật, tôi nghĩ rằng chúng ta cần nhớ đến những phản ứng từ phía người dân ở các trạm thu phí và những dư luận chưa tốt về một số dự án BOT trong thời gian qua” – bà Mai lưu ý.
Mặt khác, cơ chế chia sẻ rủi ro bà Mai cho rằng tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước. “Dự luật cho chia sẻ rủi ro trong các dự án lớn, trọng điểm và Nhà nước chia sẻ 50% rủi ro. Nguồn sẽ lấy từ đâu? Tác động đến nợ công thì sẽ xử lý thế nào? Đây là những câu hỏi hiện chưa có câu trả lời” – ĐB Mai nói và bày tỏ băn khoăn cả những tiêu chí xác định rủi ro, trách nhiệm và thẩm quyền trong vấn đề này.
Nhà đầu tư họ kinh doanh để kiếm lợi nhuận chứ không phải là chờ thua lỗ để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Cơ chế chia sẻ rủi ro cũng không áp dụng tràn lan và cũng chỉ số ít dự án đặc biệt quan trọng. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Mặt khác, ĐB Mai cũng nói 22 năm qua, từ khi áp dụng cơ chế PPP đến nay, chưa có một trường hợp nào nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với Nhà nước, còn Nhà nước thì vẫn đang phải chi trả một số khoản nợ trong một số hợp đồng BOT. ĐB Mai đề nghị cân nhắc thận trọng quy định này.
ĐB Hàm cũng cho rằng quy định như dự luật PPP về chia sẻ rủi ro là bất hợp lý vì cho phép khi doanh thu thực tế cao hơn hoặc thấp hơn phương án tài chính thì được tăng, giảm mức giá, phí sản phẩm dịch vụ hoặc rút ngắn, kéo dài thời hạn hợp đồng. Đối với các công trình trọng điểm, Nhà nước còn bù phần hụt thu hoặc được chia thêm phần tăng thu.
“Quy định như vậy sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kết quả đấu thầu, vì giá trúng thầu thực chất là mức phí, thời gian thu bị điều chỉnh theo thực tế. Điều này vi phạm nguyên tắc thị trường là lời ăn, lỗ chịu” – ông Hàm cảnh báo.
Theo ĐB Trần Anh Tuấn (TP.HCM), hiện điều kiện để đấu giá là đất đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Thế nhưng các dự án BT đa số do nhà đầu tư tạm ứng kinh phí để thực hiện công tác bồi thường và phần lớn quỹ đất thanh toán đều chưa xong công tác giải phóng mặt bằng. Trong khi Luật Đất đai lại quy định “giá trị quyền sử dụng đất được xác định tại thời điểm giao đất” nên có khả năng giá đất phải được xác định lại tại thời điểm ban hành quyết định giao đất. Điều này gây ảnh hưởng đến việc tính toán lợi nhuận của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình kêu gọi đầu tư. |