Lon nhôm vs chai nhựa

Lon nhôm đang được xem là một lựa chọn thay thế cho chai nhựa. Nhưng liệu đây có phải là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường?

Ảnh: congnghevotrung.com

Những tập đoàn nước đóng chai toàn cầu đang dần chuyển sang dùng lon nhôm thay cho chai nhựa, vốn đang làm ô nhiễm các đại dương. Danone (Pháp) là công ty gần đây nhất quyết định sản xuất lon nhôm thay cho một số chai nhựa đối với những nhãn hàng nước uống tại Anh, Ba Lan và Đan Mạch. Trước đó, các tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola, PepsiCo và Nestlé cũng tung ra một số phiên bản lon nhôm của các nhãn hàng nước uống.

Mặc dù vậy, khi gia tăng tái chế bằng cách sử dụng lon nhôm, các công ty có thể cũng không cải thiện được mức độ giảm thải carbon của họ, bởi dù lon nhôm có thể làm giảm lượng rác thải ra đại dương, nhưng chúng lại đi kèm với cái giá sinh thái khá đắt đỏ: việc sản xuất một lon nhôm tạo ra gấp 2 lần lượng carbon thải vào khí quyển so với một chai nhựa. “Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bạn buộc phải chọn 1 trong 2”, Ruben Giffioen, Giám đốc Bền vững về vật liệu đóng gói tại Heineken, cho biết. Ông nói thêm Heineken đang nỗ lực giảm cả rác nhựa và lượng carbon thải ra.

Quá trình tái chế nhựa phức tạp hơn nhiều, dẫn đến môi trường xuống cấp và có tỉ lệ tái sử dụng thấp hơn nhiều so với nhôm. Đó là lý do nhôm được xem là một lựa chọn xanh hơn. Lon nhôm có tỉ lệ vật liệu được tái chế trung bình là 68% so với chỉ 3% của nhựa tại Mỹ, theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường.

“Ngành nhôm có thể tự hào rằng sản phẩm nhôm hoàn toàn có thể tái chế và điều đó đúng. Nhưng nhôm nguyên sinh lại sử dụng lượng điện năng lớn và cũng thải ra khí nhà kính”, Martin Barrow, Giám đốc Môi trường tại Hãng tư vấn phi lợi nhuận Carbon Trust, nhận định.

So sánh lượng carbon của nhôm và nhựa là một phép tính rất phức tạp vì sản xuất nhôm bằng thủy điện thay vì dùng nhiên liệu hóa thạch lại giảm được lượng khí thải, trong khi sử dụng nhôm được tái chế còn giảm được lượng khí thải nhiều hơn thế. Nhưng nếu tính trung bình, lon nhôm vẫn chiếm khoảng gấp đôi lượng khí nhà kính so với chai nhựa, theo Barrow, dẫn chứng từ số liệu châu Âu.

Xét ở mức độ gây ô nhiễm lớn nhất của nhôm, một lon nhôm 330ml thải ra tới 1.300gram khí CO2, gần bằng lượng khí thải ra khi lái ô tô từ 7-8 km. Một chai nhựa cùng kích cỡ, được sản xuất từ nhựa PET (loại nhựa thường được sử dụng), lại tạo ra 330gram khí CO2. Bruce Karas, nhà điều hành tại Coca-Cola Bắc Mỹ phụ trách vấn đề biến đổi môi trường và bền vững, thừa nhận: “Khi xem xét một vật liệu, cần nhìn vào tất cả các khía cạnh: lượng khí carbon thải ra, sự yêu thích của người tiêu dùng, năng lượng và nước. Mọi thứ không phải hoàn toàn sạch sẽ”.


Mặc dù lon nhôm có lợi thế riêng trong ngành nước đóng chai trị giá 19 tỉ USD mỗi năm, nhưng trong tương lai gần chúng chưa được sản xuất quy mô lớn. Yếu tố kinh tế là lý do chính: nhôm đắt hơn nhựa. Có thể thấy, chi phí nguyên vật liệu cho một lon nhôm cao hơn khoảng 25-30% một chai nhựa PET có cùng dung tích, theo chuyên gia phân tích Uday Patel tại Wood Mackenzie.

Việc chuyển đổi trên diện rộng sang sử dụng lon nhôm có thể làm gia tăng chi phí cho các hãng nước giải khát, bao gồm cả việc phải đầu tư xây dựng hạ tầng mới. Điều này khiến một phần chi phí có thể sẽ được chuyển sang cho người tiêu dùng, như vậy ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm so với các đối thủ nhựa.

Yếu tố quan trọng khác là sự thuận tiện cho người sử dụng. Chẳng bao giờ người dùng mở chai nước uống một hơi cho hết. Hầu hết lon nhôm một khi đã khui thì sẽ duy trì trạng thái ấy, trong khi chai nước có thể đậy nắp lại.

Chính những lý do này, các tập đoàn giải khát rất thận trọng. “Chúng tôi cần phải thăm dò người tiêu dùng phản ứng như thế nào với nước đóng lon”, Bruce Karas tại Coca-Cola Bắc Mỹ, nhận định. Tập đoàn này đang tung ra số lượng có hạn chế lon nhôm đối với nhãn hàng nước Dansasi và loại chai nhôm có thể đậy nắp lại vào cuối năm nay.

Không chỉ sản xuất nước đóng lon, các doanh nghiệp cũng nỗ lực xanh hóa chai nhựa, như tạo ra các hợp chất mới có thể phân hủy sinh học hoặc tái chế dễ dàng hơn. Trả lời hãng tin Reuters, Danone cho biết đang thay một số chai nhựa bằng lon nhôm đối với nhãn hàng Flyte tại Anh, Sparkles tại Ba Lan và Aqua d’or tại Đan Mạch. Danone hiện sử dụng 400.000 tấn chai nhựa PET mỗi năm và vì thế Tập đoàn đang tập trung gia tăng tái chế nhựa và có kế hoạch sử dụng trung bình 50% vật liệu được tái chế trong các chai nước vào năm 2025 và 100% cho nhãn hàng Evian.

Trong khi đó, Pepsi đang thử dùng nhôm cho nhãn hàng nước Aquafina tại các cửa hàng thức ăn. Công ty cũng đang sản xuất chai nhựa được làm từ 100% vật liệu tái chế cho một nhãn hàng khác là LIFEWTR. “Mức độ cân nhắc sử dụng nhôm đã cao hơn rất nhiều so với những năm qua, nhưng phần khó khăn nhất cần phải thay đổi lại là vấn đề hạ tầng”, Lowden, thuộc Pepsi nhận định.

Một trở ngại khác cho quá trình chuyển đổi trên quy mô lớn từ chai nhựa sang lon nhôm là có thể không đủ lon nhôm để cung cấp, khi một số hãng bia rượu cũng đang chuyển từ thủy tinh sang lon nhôm. Nhà sản xuất lon lớn nhất thế giới Ball Corp, chuyên cung cấp lon cho Pepsi và Coca-Cola, cũng đang nỗ lực gia tăng thêm công suất để đáp ứng nhu cầu. Ball cho biết dự kiến sẽ tăng thêm công suất tới 4-5 tỉ lon vào giữa năm 2021 bên cạnh công suất hiện có là 105 tỉ lon, nhưng con số này thậm chí chưa tính đến việc tăng dùng nhôm trong ngành nước uống.

Chỉ cần chuyển 1% nước đóng chai, bia và nước giải khát từ nhựa và thủy tinh sang nhôm đồng nghĩa với việc tăng thêm tới 24 tỉ lon, theo Ball. 1% này sẽ tăng nhu cầu nhôm tới khoảng 310.000 tấn, theo Patel thuộc Wood Mackenzie. “Chúng ta đang nói về hàng tỉ chai nước, vì thế thị trường lon nhôm có thể sẽ khởi sắc. Nhưng chúng ta cần chờ 3-4 năm để xem liệu xu hướng này có phải là thực sự”, Patel nói.