Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đang gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới, nhiệt độ và mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh chưa từng có và đang là mối lo ngại của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động rất lớn đến đời sống con người.
Nhiều hệ lụy
Tại Hội thảo “Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho cộng đồng” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức sáng 19/11, nhiều nhà khoa học cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân của BĐKH hiện nay.
Phát thải nhà kính do các hoạt động của con người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến BĐKH, “một sự thay đổi môi trường lớn nhất mà con người đang và sẽ tiếp tục phải chịu đựng lâu dài. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của cộng động về BĐKH là điều quan trọng và cần thiết” – nhiều chuyên gia đánh giá.
Nhiệt độ tăng đã làm gia tăng thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe con người. Đơn cử, mức nước biển trung bình dâng lên, làm ngập chìm các vùng đất thấp ven biển, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng sông Hồng, TP Hồ Chí Minh và một số vùng ven biển khác; làm gia tăng xói lở ở bờ biển, xâm nhập mặn dẫn đến suy giảm các loài hải sản và sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản và những hậu quả lâu dài.
Trong 80 năm qua (từ 1931 – 2010) nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng lên 0,8 độ C. Tại Hà Nội, từ năm 2001 – 2010 nhiệt độ trung bình năm cao hơn thời kỳ 1961 – 1990 là 1,1 độ C.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến đợt mưa cực lớn tháng 11/1999 ở các tỉnh miền Trung do ảnh hưởng của không khí lạnh xâm nhập kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới và áp thấp nhiệt đới, gây lũ lịch sử ở 8 tỉnh miền Trung, trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế bị thiệt hại nhiều nhất. Lượng mưa 1 ngày ở TP Huế là 1.384mm, có đến 595 người tử vong, thiệt hại về kinh tế khoảng 3800 tỷ đồng.
Thời gian đó, Chính phủ Việt Nam phải kêu gọi sự hỗ trợ từ quốc tế. Đợt mưa lớn tháng 8/2015 ở các tỉnh phía Bắc, gây lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng ở nhiều vùng, vùi lấp 94 hộ dân, 17 người tử vong, thiệt hại khoảng 2000 tỷ đồng.
Thay đổi nhận thức và hành động
GS. TSKH Nguyễn Đức Ngữ – Giám đốc Trung tâm Khoa học, Công nghệ Khí tượng, Thủy văn và Môi trường cảnh báo: “Những tác động do tính cực đoan tăng lên của những thiên tai, thời tiết cực đoan đôi khi không lường trước hết được, để lại hậu quả lâu dài với tính mạng, sinh kế và tài sản của con người. Những khu vực có nhiều rủi ro nhất là các vùng đất thấp ven biển, hải đảo, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc ít người…”.
Theo số liệu của Tổng cục Thủy lợi, vụ Đông – Xuân 2015 – 2016 có 104.000ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất do xâm nhập mặn, chiếm 11% diện tích gieo trồng của 8 tỉnh ven biển. Trên 200.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, 400.000 người có nguy cơ mắc bệnh dịch, 1,75 triệu người mất kế sinh nhai.
Tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu tới đời sống con người được thể hiện ở hậu quả của những thay đổi về điều kiện môi trường, tài nguyên thiên nhiên – nguồn sống chính của con người. Tài nguyên nước ở nhiều nơi bị suy giảm về lượng và chất, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống; hiện tượng cháy rừng gia tăng do nhiệt độ và khô hạn tăng lên; tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.
Những tác động này cùng với thiên tai gia tăng, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều ngành, làm gia tăng tình trạng đói nghèo, dịch bệnh, di dân, tị nạn môi trường… Biến đổi khí hậu làm tăng các dịch bệnh toàn cầu, chỉ riêng năm 2000, trên 150.000 người chết, trong đó có 88% là trẻ em, chủ yếu do các bệnh sốt rét và sốt xuất huyết liên quan đến thời tiết cực đoan…
Đối với Việt Nam, giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH là yêu cầu tất yếu; là trọng tâm trong các hoạt động ứng phó. Để làm được điều này, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của quốc gia mà cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, của mỗi tổ chức, cá nhân.
Trước những hệ lụy do BĐKH gây ra, trong khi người dân chưa thực sự biến ý thức thành hành động, GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh: “Cần có biện pháp mạnh hơn để tăng cường nhận thức, tuyên truyền cho người dân giác ngộ, nhằm góp phần giảm thiểu BĐKH ở Việt Nam. Đồng thời, không chỉ trong trường Đại học mà cần đưa vấn đề này vào hệ thống giáo dục quốc dân để cho các em ngay từ nhỏ đã nhận thức được cần phải làm gì, để giảm những tác động xấu đối với sức khỏe, môi trường và tất cả những việc làm đó nhằm bảo vệ sự sống của chúng ta”.
Theo báo cáo đánh giá lần thứ 5 của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC, nhiệt độ không khí trung bình bề mặt đất và đại dương toàn cầu đã tăng 0,85 độ C). Năm 2017, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn trung bình thời kỳ tiền công nghiệp (1750) 1,1 độ C. |