Các dữ liệu chính thức cho thấy ô nhiễm lên tới các mức độ “độc hại” trên toàn thành phố trong đó chỉ số PM 2,5 cao kỷ lục 186 được ghi nhận tại khu vực Tây Bắc.
Ngày 19/11, các chỉ số ô nhiễm đồng loạt tăng tại Sydney, thành phố lớn và đông dân cư nhất Australia, khi khói dày đặc và độc hại từ các vụ cháy rừng dọc vùng bờ biển phía Đông quốc gia này bao phủ thành phố.
Các dữ liệu chính thức cho thấy ô nhiễm lên tới các mức độ “độc hại” trên toàn thành phố trong đó chỉ số PM 2,5 cao kỷ lục 186 được ghi nhận tại khu vực Tây Bắc.
Nhà chức trách cảnh báo một số khu vực của thành phố Sydney bị bao phủ bới lớp khói dày có mức độ độc hại cao gấp 10 lần thông thường.
Cơ quan Cứu hỏa Nông thôn New South Wales (RSF) cho biết khói mù sẽ bao phủ toàn thành phố trong cả ngày 19/11 trong khi gió mạnh khiến nguy cơ các đám cháy ở vùng duyên hải phía Đông bốc cao hơn. Các cư dân trong khu vực được khuyến cáo tránh các hoạt động ngoài trời.
Sau 3 năm liên tục rơi vào tình trạng khô hạn, Australia đang trải qua một đầu mùa cháy rừng tồi tệ mà giới khoa học nhận định là bắt đầu sớm hơn và diễn biến ngày càng khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao và độ ẩm giảm.
Kể từ khi bắt đầu mùa cháy rừng tháng 9 vừa qua, tổng cộng 6 người đã thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, khoảng một triệu ha đất nông nghiệp và đất rừng đã bị tàn phá trong các vụ cháy nghiêm trọng tại bang New South Wales và Queensland.
Trong vài ngày gần đây, thời tiết dịu mát đã hỗ trợ nhiều cho các lực lượng cứu hỏa nhưng dự báo nhiệt độ tăng cao, gió mạnh và độ ẩm thấp có thể sẽ lại khiến nguy cơ cháy rừng gia tăng trong ngày 20/11.
Hiện dọc vùng phía Đông Australia xảy ra hơn 110 đám cháy trong đó hàng chục đám vẫn chưa được khống chế.
Hơn 13.000 nhân viên cứu hỏa đang được huy động dập tắt các đám cháy hoặc chuẩn bị cho đợt thời tiết nóng, khô và gió mạnh sắp tới. RSF cho biết 7 khu vực tại bang New South Wales đã ban bố lệnh cấm đốt lửa.
Tại bang Nam Australia, giới chức trách đã ban bố lệnh cấm đốt lửa trong ngày 20/11 được dự đoán là nguy cơ hỏa hoạn “thảm khốc” có thể xảy ra khi nhiệt độ có thể tăng lên tới 40 độ C.