Cuốn sách nghiên cứu, đánh giá thực trạng hợp tác phòng, chống thiên tai của ASEAN từ đó đề xuất một số giải pháp của ASEAN và gợi ý chính sách cho Việt Nam tham gia phòng, chống thiên tai khu vực.
”Hợp tác phòng, chống thiên tai của ASEAN trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu” là tên cuốn sách do nhóm tác giả tiến sỹ Lê Phương Hòa (Chủ biên), phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, tiến sỹ Võ Xuân Vinh và tiến sỹ Nguyễn Ngọc Lan thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thực hiện.
Nội dung cuốn sách là nguồn tài liệu hữu ích dành cho độc giả quan tâm đến vấn đề thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu và những ứng phó của ASEAN trên cơ sở hợp tác với các nước trong khu vực nhằm phòng, chống thiên tai một cách hiệu quả.
Theo nhận định của nhóm tác giả, khu vực Đông Nam Á là một trong những vùng hứng chịu nhiều thảm họa nhất thế giới, không những nằm giữa mảng kiến tạo gây động đất, núi lửa và sóng thần mà nó còn nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nên hầu như tất cả các loại thiên tai đều xuất hiện tại đây như bão, lũ lụt, động đất, sóng thần, núi lửa phun trào, sạt lở đất, cháy rừng và dịch bệnh, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản và cuộc sống của con người.
Trong quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây, các hoạt động như đốt nhiên liệu hóa thạch, sản xuất và tiêu thụ năng lượng, phá rừng, sản xuất hóa chất, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp…. đã phát thải quá mức các khí nhà kính vào khí quyển. Nồng độ khí nhà kính trong khí quyển đã và đang tăng nhanh, dẫn đến gia tăng hiệu ứng nhà kính, làm nhiệt độ bề mặt Trái Đất và khí quyển tăng nhanh với tốc độ chưa từng có so với trước đấy.
Năm 2011, việc thông qua Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho các nỗ lực tăng cường hợp tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong khu vực ASEAN, đạt được những tiến triển đáng khích lệ trong triển khai giai đoạn một của Chương trình (giai đoạn 2010-2015).
Nhưng vấn đề hợp tác trong ASEAN về phòng, chống thiên tai vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Trước thực tế đó, cuốn ”Hợp tác phòng, chống thiên tai của ASEAN trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu” do tiến sỹ Lê Phương Hòa làm chủ biên được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản.
Cuốn sách nhằm nghiên cứu, đánh giá thực trạng hợp tác phòng, chống thiên tai của ASEAN trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hợp tác phòng, chống thiên tai của ASEAN và gợi ý chính sách cho Việt Nam trong việc tham gia các chương trình phòng, chống thiên tai của khu vực. Ngoài phần lời mở đầu và kết luận, cuốn sách được chia thành ba chương.
Chương I – Thiên tai ở khu vực Đông Nam Á trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu. Để phân tích về phòng, chống thiên tai, nhóm tác giả đưa ra một số khái niệm, thuật ngữ về thiên tai và những vấn đề liên quan như “biến đổi khí hậu toàn cầu,” “hiểm họa tự nhiên,” “hiểm họa diễn ra đột ngột,” “hiểm họa diễn ra chậm,” “thiên tai.”
Khu vực Đông Nam Á phải hứng chịu hầu như tất cả các loại thiên tai như bão, lũ lụt, động đất, sóng thần, núi lửa phun trào, sạt lở đất, cháy rừng, và dịch bệnh, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản và cuộc sống của con người nơi đây cũng như để lại những hậu quả nặng nề đối với phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống, môi trường tự nhiên do đó việc hợp tác quốc và tương trợ lẫn nhau trong việc phòng, chống thiên tai là nhu cầu cấp thiết.
Trên thực tế hiện nay có hai cơ chế chính trong hợp tác quốc tế ở cấp toàn cầu cho các hoạt động phòng chống thiên tai, trong điều kiện biến đổi khí hậu là Chiến lược của Liên hợp quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (NUISDR) và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Ngoài ra, còn có các tổ chức và thể chế khác nhưng về cơ bản theo tổng kết của Trung tâm Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai (DCM1) có ba mô hình cơ bản trong quản lý rủi ro thiên tai gồm mô hình thu hẹp-mở rộng thiên tai; mô hình hội tụ thiên tai; mô hình giải tỏa thiên tai.
Nhóm tác giả cho rằng việc sử dụng mô hình nào phụ thuộc vào đặc điểm thiên tai của các nước, song với ASEAN lại thiên về mô hình thu hẹp-mở rộng thiên tai.
Chương II – Thực trạng hợp tác phòng, chống thiên tai của ASEAN. Theo đó, ASEAN đã xây dựng khuôn khổ pháp lý về hợp tác phòng, chống thiên tai và hiện vẫn đang tiếp tục hoàn thiện và xác định chiến lược hành động tiếp theo. Bên cạnh Chương trình công tác AADMER, ASEAN thúc đẩy hợp tác quản lý thiên tai trong khuôn khổ ARF và ADMM, cũng như hợp tác ASEAN +1 với các đối tác.
Các cơ chế hợp tác chủ yếu của ASEAN về phối hợp và hợp tác phòng, chống, giảm thiểu và cứu trợ thiên tai trong ASEAN có sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và một số tổ chức khu vực và quốc tế hoạt động trong các vấn đề cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ và quản lý thiên tai. Nhóm tác giả nhận định, những cơ chế này tạo hành lang pháp lý cho ASEAN trong việc tổ chức thực hiện, phối hợp công tác phòng, chống thiên tai một cách khá hiệu quả.
Điểm nhấn của cuốn sách là đi sâu phân tích về thực trạng hợp tác của ASEAN trong phòng chống thiên tai: hợp tác ASEAN trong dự báo và phòng ngừa thiên tai; hợp tác của ASEAN trong hoạt động khắc phục hậu quả do rủi ro thiên tai gây ra. Cuốn sách phân tích các nhân tố tác động đến hợp tác phòng, chống thiên tai của ASEAN với bốn nhân tố thúc đẩy và năm nhân tố hạn chế. Nhóm nghiên cứu khẳng định, vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng, chống thiên tai trong ASEAN khi ASEAN đã, đang và sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thiên tai trong tương lai mà cần có cơ chế phối hợp, hợp tác mới giúp giải quyết được vấn đề.
Chương III – Đánh giá kết quả hợp tác phòng, chống thiên tai của ASEAN và gợi ý một số giải pháp. Đánh giá chung về kết quả hợp tác phòng, chống thiên tai của ASEAN, nhóm nghiên cứu nhận thấy ASEAN đã đạt được một số kết quả nhất định như xây dựng được hệ thống cơ sở pháp lý về quản lý thiên tai nói chung và về vấn đề phòng, chống thiên tai nói riêng; thành lập một cơ chế hiệu quả để cùng ứng phó với thiên tai trong khu vực trong vòng 24 giờ.
Sau năm năm thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược ASEAN về quản lý thiên tai, các bên liên quan đã tích cực tham gia ở cấp độ quốc gia và khu vực. Tuy vậy, nghiên cứu cho thấy, để triển khai các chương trình hợp tác có hiệu quả hơn nữa, vẫn có một số khó khăn và thách thức cần nhìn nhận một cách nghiêm túc. Trong đó phải kể đến sự thiếu và yếu về nguồn lực là rào cản đầu tiên trong hợp tác ASEAN trong phòng, chống thiên tai, điển hình là cơn bão Haiyan – minh chứng cho năng lực của ASEAN. Sự khác biệt về đặc tính quốc gia cũng như năng lực giữa các cơ quan quản lý thiên tai quốc gia, khoảng cách lớn giữa thực tế và kỳ vọng, hạn chế trong thể hiện vai trò của ASEAN với các bên liên quan; khó khăn trong hợp tác liên ngành…
Trước thực tế đó, cùng với kế hoạch định hướng hợp tác của ASEAN trong phòng, chống thiên tai, nhóm tác giả cho rằng Việt Nam cần phải chú trọng một số vấn đề về năng lực và sự phối hợp giữa các bên trong phòng, chống thiên tai cũng như việc ASEAN cần quyết đoán hơn trong hoạt động này. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cần chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn trong các hoạt động chung khu vực.
Trên cơ sở thực trạng và những định hướng của ASEAN về phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu đề xuất một số gợi ý về giải pháp là Việt Nam có thể triển khai trong hợp tác phòng, chống thiên tai ở ASEAN. Cụ thể là Việt Nam cần củng cố tổ chức cũng như tăng cường vai trò của các cơ quan làm nhiệm vụ liên quan; tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; đẩy manh phối hợp nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nhằm nâng cao năng lực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của quốc gia phù hợp với tiêu chí khu vực. Mặt khác, Việt Nam cần tham gia tích cực các diễn đàn, cơ chế hợp tác trong khu vực và trên thế giới về giảm nhẹ thiên tai một cách thực chất, không chỉ là hình thức.