Ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Nhức nhối tác nhân từ con người

Những ngày gần đây, chất lượng không khí của Hà Nội chuyển biến xấu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này và một trong số đó là tại các huyện ngoại thành Hà Nội, người dân vẫn còn đốt rơm rạ hay vải vụn dù đã được cảnh báo về tác hại.

Nhức nhối vấn nạn đốt vải vụn

Từ nhiều năm nay, người dân các xã của huyện Thường Tín (Hà Nội) phải chịu đựng mùi khét lẹt, khói, bụi bẩn do các hộ làng nghề đốt vải vụn, gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày. Tại các thôn Dưỡng Hiền (xã Hòa Bình), thôn Nhuệ Giang (xã Hiền Giang) người dân nhập vải vụn từ khắp nơi về để phân loại. Những mảnh vải còn sử dụng được, họ bán cho làng Trát Cầu chuyên sản xuất chăn, ga. Vải phế phẩm được chất đống ra triền đê sông Nhuệ rồi đốt, thường diễn ra vào buổi chiều hoặc nửa đêm.

Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, ước tính mỗi năm, trên địa bàn TP phát sinh trên 1 triệu tấn rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, có trên 37% được người dân đốt bỏ ngay tại ruộng hoặc trên triền đê. Đốt rơm rạ, vải vụn gây nên ô nhiễm bụi mịn. Trong khói đốt rơm rạ, vải vụn có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2… Khói này có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở…

Vải vụn được tập kết và đốt ngay trên đê Dưỡng Hiền tại xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, chiều tối ngày 13/11.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, hàng ngày, khoảng từ 16 – 18 giờ, tại đê Dưỡng Hiền (xã Hòa Bình) người dân chở rất nhiều bao vải vụn đến, tập kết thành từng đống lớn rồi đốt ngay tại đây, khói đen cùng mùi khét lẹt bốc lên rất khó chịu. Những hộ dân sinh sống quanh khu vực này chỉ biết đóng kín cửa, ra ngoài bắt buộc phải đeo khẩu trang. Vào ngày thời tiết hanh khô hay ẩm thấp, khói bụi không thoát được, cả vùng quê không còn bầu không khí trong lành mà thay vào đó là khói bụi, ngột ngạt.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Nguyễn Văn Học cho biết, tình trạng đốt vải là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay của địa phương. Hiện xã có 44 hộ thu gom vải từ các xí nghiệp may mặc để phân loạị. Có thời điểm, rác tập kết về lên đến hàng tấn. “Chính quyền nhiều lần vào cuộc tuyên truyền, phối hợp với lực lượng công an bắt quả tang việc đốt và xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các hộ dân thường đốt trộm về ban đêm nên việc ngăn chặn còn gặp nhiều khó khăn” – ông Học cho hay. Thực tế, tại 2 xã Hòa Bình và Hiền Giang đã phối hợp với công ty chuyên xử lý rác thải, ký hợp đồng thu mua gom rác để tiêu hủy. Tuy nhiên, số tiền các hộ dân bỏ ra để tiêu hủy hàng tấn vải không phải nhỏ, dẫn đến nhiều hộ vẫn không thực hiện hợp đồng mà chọn cách đốt trộm.

Sớm có hành động quyết liệt

Ông Vũ Văn Giáp – Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, vào những thời điểm chất lượng không khí xấu, chỉ số ô nhiễm cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên tim mạch, hô hấp cũng tăng cao.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc đốt nhiều vải vụn, rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn. Vì lý do đó, sự lưu thông khí kém hơn, trong khi đó mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tục gia tăng do khí thải độc hại từ động cơ và từ các khu công nghiệp không thoát lên cao mà tập trung dưới mặt đất nên dễ gây ra hiện tượng mù quang hóa.

Theo các chuyên gia môi trường, đã có những nghiên cứu trên phạm vi thế giới về tác hại của việc đốt rơm rạ, vải vụn, phụ phẩm nông nghiệp… đến chất lượng không khí tại khu vực, đồng thời chỉ ra những giải pháp thay thế cho người dân. Song, dường như nhiều người dân vẫn không thể tiếp cận được những kết quả này và chưa ý thức được sự nguy hại đến môi trường, sức khỏe như thế nào.

Vì vậy, chính quyền cần có những biện pháp và hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn triệt để hành vi đốt rơm rạ, vải vụn tại làng nghề. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ đối với các làng nghề để cải thiện môi trường sống. Đồng thời, người dân cũng cần thay đổi nhận thức và không nên vì những lợi ích kinh tế trước mắt.