Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (VPA/FLEGT) chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 6.2019. Chính phủ Việt Nam đã cam kết xây dựng Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), nâng cao hiệu quả cơ chế phát hiện, xử lý vi phạm và bảo đảm hiệu lực thực thi pháp luật. Phạm vi của cam kết này bao gồm gỗ nhập khẩu, một trọng điểm được Liên minh châu Âu (EU) ưu tiên trong suốt quá trình đàm phán.
Hợp tác chặt chẽ
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, gỗ khai thác trái phép và các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này sẽ không được phép tham gia chuỗi cung ứng trong Hệ thống VNTLAS mà Việt Nam đang xây dựng và chuẩn bị triển khai. EU là một trong những thị trường xuất khẩu chính (trong top 5) về gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Những năm qua, EU vẫn duy trì vị trí là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) đối với mặt hàng gỗ giá trị gia tăng từ Việt Nam. Vì EU là thị trường xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng, nên Việt Nam chắc chắn sẽ làm hết sức để bảo đảm nguồn gốc gỗ minh bạch, hợp pháp.
Ông Paust Sebastian, đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam nhận định, việc thực thi VPA/FLEGT, trong đó có VNTLAS, là điều quan trọng để bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp và đa dạng sinh học, môi trường cũng như trong thương mại về xuất nhập khẩu gỗ. Việc hỗ trợ quá trình thực thi HVPA/FLEGT ở Việt Nam là một trong những trọng điểm của Hợp tác phát triển Đức đã được Việt Nam và Đức thống nhất trong các lần tham vấn giữa hai chính phủ năm 2018. Trong đó, xây dựng các thể chế mạnh mẽ và chịu trách nhiệm trong lĩnh vực lâm nghiệp, chống thương mại gỗ lậu và tăng cường năng lực xã hội dân sự là 3 trong số 12 ưu tiên của Kế hoạch hành động bảo vệ rừng của Hợp tác phát triển Đức.
Ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm lưu ý các doanh nghiệp, đối với gỗ nhập khẩu ngoài quy định tại Thông tư số 27, dự thảo Nghị định thực hiện VPA/FLEGT, gỗ nhập khẩu còn phải bảo đảm hồ sơ hải quan theo quy định của Luật Hải quan, bản chính bảng kê lâm sản do chủ gỗ nhập khẩu lập. Bản chính hoặc bản điện tử giấy phép CITES nhập khẩu hoặc cơ quan thẩm quyền CITES Việt Nam cấp đối với gỗ thuộc các phụ lục công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật thực vật hoang dã nguy cấp. Bản chính hoặc bản điện tử giấy phép FLEGT hoặc giấy phép xuất khẩu lô hàng gỗ của nước xuất khẩu có quy định giấy phép xuất khẩu gỗ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo các chuyên gia, quá trình thực thi VPA (bao gồm cả Hệ thống VNTLAS) đòi hỏi sự tham gia của đại diện nhiều bên liên quan, bao gồm các cơ quan nhà nước (đặc biệt tại địa phương), khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và các đơn vị trồng rừng. Các bên được kỳ vọng sẽ hợp tác chặt chẽ để tìm ra phương pháp hiệu quả nhằm bảo đảm tính hợp pháp của sản phẩm gỗ sản xuất tại Việt Nam.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Nội dung chính của VPA/FLEGT chính là Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành VNTLAS. Trong quá trình thực hiện, VPA/FLEGT phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Hiệp định VPA/FLEGT có 4 nội dung cam kết mới đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh, bổ sung văn bản pháp luật để phù hợp với các quy định của quốc tế về truy xuất nguồn gốc gỗ. Cụ thể: (i) Quản lý, kiểm soát gỗ nhập khẩu; (ii) Phân loại mức độ rủi ro doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung; (iii) Xác minh xuất khẩu; và (iv) Cấp phép FLEGT cho lô hàng xuất khẩu vào EU. Bộ NN – PTNT đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội Luật Lâm nghiệp và đã được Quốc hội thông qua ngày 15.11.2017, trong đó có một chương về gỗ hợp pháp.
Điều 69, Luật Lâm nghiệp “Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam”, Quốc hội giao cho Chính phủ làm rõ điều luật này. Tổng cục Lâm nghiệp đang triển khai xây dựng Nghị định trong đó có nội dung xác định gỗ được gọi là hợp pháp. Câu hỏi được đặt ra là ứng dụng công nghệ nào để xác định và quản lý được chuỗi hành trình của gỗ hợp pháp? Ông Hoàng Liên Sơn – Trung tâm Nghiên cứu kinh tế lâm nghiệp, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: Ứng dụng công nghệ thông tin để tạo lập hồ sơ gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc gỗ bằng mã QR động và tĩnh sẽ giúp cho các doanh nghiệp cơ sở chế biến gỗ tuân thủ yêu cầu của Hiệp định VPA/FLEGT.
Theo GS. TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho biết: Muốn xây dựng phát triển ngành Lâm nghiệp phải chọn được hướng đi đúng. Hướng đi đấy phải phù hợp nhu cầu của người dân, nhu cầu của xã hội. Chúng ta thực hiện Hiệp định để bảo đảm nguồn gỗ hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài. Muốn có đầu ra ổn định thì phải nghiên cứu các chính sách, thị trường. Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORRMIS) hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát được chuỗi cung quản trị được rủi ro thị trường và góp phần nâng cao hiệu lực thực thi Luật Lâm nghiệp 2017 đối với nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Truy xuất nguồn gốc lâm sản là xu hướng tất yếu để được hợp pháp phù hợp với các hiệp định quốc tế. Đây là một yêu cầu nghiêm túc và chính đáng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm lâm sản trong nước và quốc tế. Mục đích là dần loại bỏ những loại gỗ bất hợp pháp, tạo ra gỗ và sản phẩm từ gỗ “sạch”, chống mất rừng và suy thoái rừng góp phần tích cực vào quản trị, quản lý rừng bền vững.