Tác động của tự nhiên, hoạt động khai khoáng, sản xuất nương rẫy thiếu kiểm soát gây tình trạng bồi lắng lòng hồ, sạt lở… làm nghèo kiệt hệ sinh thái phong phú của Khu Ramsar Vườn quốc gia Ba Bể.
Năm 1995, hồ Ba Bể đã được Hội nghị các Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ.
Cuối năm 2003, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Năm 2011, hồ Ba Bể được Ban Thư ký công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 1.938 của thế giới và là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam.
Tuy vậy do tác động của tự nhiên, đặc biệt là các hoạt động khai khoáng, sản xuất nương rẫy thiếu kiểm soát… đã và đang làm nghèo kiệt hệ sinh thái phong phú nơi đây, gây ra tình trạng bồi lắng lòng hồ và sạt lở đất gia tăng đáng báo động.
Hồ tự nhiên trên núi lớn nhất Việt Nam
Theo Thạc sỹ Ngân Ngọc Vỹ, Viện Tài nguyên và Môi trương (Đại học Quốc gia Hà Nội), Khu Ramsar Vườn quốc gia Ba Bể có diện tích 10.048ha, trong đó mặt hồ rộng khoảng 500ha trên độ cao 178m so với mực nước biển.
Đây chính là hồ tự nhiên duy nhất trên núi có tầm quan trọng to lớn tại Việt Nam. Với chiều sâu trung bình 17-23m, chỗ sâu nhất là 29m, Hồ Ba Bể là địa điểm du lịch sinh thái, văn hóa có ý nghĩa to lớn trong du lịch miền núi Ðông Bắc.
Vườn quốc gia Ba Bể có đến 1281 loài thực vật thuộc 162 họ và 672 chi, trong đó có 600 loài cây thân gỗ, thuộc 300 chi và 114 họ. Rất nhiều loài thực vật quý hiếm, giá trị kinh tế cao có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Thế giới.
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Ba Bể còn có nhiều loại cây gỗ đặc hữu quý hiếm sinh trưởng, như Trúc dây, Đinh, Nghiến, Lim…, điển hình là trúc dây loài cây đặc hữu của Vườn quốc gia Ba Bể.
Trúc dây thường mọc ở những vách núi, thân thả mành xuống hồ hình thành các bức mành xung quanh hồ tạo nên cảnh quan đẹp mắt.
Hệ động vật của Vườn quốc gia Ba Bể cũng khá đa dạng, phong phú, bao gồm: 81 loài thú, 22 loài được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam, 322 loài chim, thuộc 17 bộ, 47 họ và trong số đó có 7 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 27 loài bò sát 106 loài cá, được xác định là phong phú, đa dạng nhất Việt Nam. 17 loài lưỡng cư. 553 loài côn trùng và nhện.
Tuy nhiên, sự đa dạng phong phú về động thực vật và hệ sinh thái thủy sinh của hồ Ba Bể đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Bên cạnh tình trạng đất đai khu vực ven hồ bị lấn chiếm, xây dựng trái pháp, gây mất mỹ quan và tác động tiêu cực tới hệ sinh thái đất ngập nước khu vực hồ.
Hiện nay, Khu Ramsar Vườn quốc gia Ba Bể đang phải đối mặt với hiện tượng bồi lắng do phù sa của 3 con suối Chợ Lèng (Pác Ngòi), Bó Lù (Nam Cường), Tả Han và sông Năng đồ vào hồ Ba Bể.
Nguyên nhân gây bồi lắng, sạt lở
Hiện tượng bồi lắng hồ Ba Bể đã có từ lâu, song thời gian gần đây tại khu vực hồ vấn đề bồi lắng phù sa và sạt lở đất ngày càng gia tăng một cách đáng báo động, gây mất đất canh tác, ảnh hưởng tới sinh kế và đời sống của cư dân khu vực 4 thôn ven hồ gồm Bó Lù, Bản Cảm, Cốc Tộc và Pác Ngòi.
Hiện tượng này cũng tác động tiêu cực đến hệ sinh thái thủy sinh và bồi lấp đáy hồ tại lưu vực 3 con suối nêu trên và cửa hồ 3 tiếp giáp với sông Năng.
Kết quả đánh giá mức độ bồi lấp hồ Ba Bể do Viện Khoa học thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiến hành năm 2002 cho thấy lượng bồi lấp tại các điểm có dòng chảy vào hồ là cửa suối Tà Han 9,70 vạn m3; cửa suối Bó Lù 11,06 vạn m3; cửa sông Chợ Lèng có lượng bồi lấp lớn nhất lên tới 18,37 vạn m3; cửa hồ tiếp giáp sông Năng, đây là điểm nước chảy ngược vào hồ khi lũ sông dâng cao cũng đo được 3,04 vạn m3.
Tổng lượng bồi lấp tới năm 2002 là 42,17 vạn m3, bãi bồi mỗi năm lấp hồ từ 10-60m, nâng đáy hồ lên trung bình 30cm, ước tính mỗi năm (giai đoạn 1975-2002) có 70 vạn tấn phù sa bồi lấp lòng hồ.
Tiến sỹ Đặng Văn Lợi, Tổng cục Môi trường cho biết năm 2011, Đoàn công tác của Cục Kiểm soát ô nhiễm đã đến kiểm tra xung quanh khu vực hồ Ba Bể, khi đó có 3 mỏ khoáng sản.
Trong số đó, 2 mỏ vẫn hoạt động là mỏ sắt Pù Ổ tại xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn được cấp phép năm 2008 và bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2009, với tổng diện tích là 26,5 ha, diện tích khai trường là 3,5ha và mỏ sắt Bản Cuôn tại xã Ngọc Phái.
Vào thời điểm đó có 16 hộ dân xã Quảng Bạch đã gửi khiếu nại trực tiếp đến các đơn vị khai mỏ tại đây, về ảnh hưởng của các hoạt động khai khoáng tới sản xuât nông nghiệp của họ.
Tuy nhiên theo báo cáo quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Kạn, nước từ khu vực khai thác mỏ Bản Cuôn và Pù Ổ tác động, ảnh hưởng không đáng kể đến sự bồi lắng của hồ Ba Bể.
Đến năm 2016, thực tế cho thấy sông Năng bị bồi lắng, cạn nước trực tiếp uy hiếp hồ Ba Bể, làm thay đổi hệ sinh thái của hồ. Nhiều đoạn trên sông Năng rất nông do bồi lắng, mực nước xuống thấp, gây khó khăn cho thuyền bè đi lại ảnh hưởng tới sinh hoạt và sinh kế của người dân.
Đặc biệt là tình trạng bồi lắng sông Năng cũng làm cho hồ bị bồi lắng theo từ phía Bắc, trong khi từ phía Đông và phía Nam hồ đã bị bồi lấp cả cây số.
Theo người dân tại Bản Cảm, nếu không có những biện pháp như trồng, bảo vệ rừng, ngăn chặn các hoạt động khai thác cát, san ủi đất đá xuống sông thì sớm hay muộn sông Năng sẽ biến thành suối.
Nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đối khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về nguyên nhân bồi lắng hồ Ba Bể và đề xuất giải pháp khắc phục đã nêu: Nguyên nhân chính làm gia tăng hiện tượng bồi trước hết là nguyên nhân tự nhiên như mưa lũ, gắn liền với điều kiện địa hình, thời tiết tại khu vực hồ.
Tiếp đến là các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của con người, như xây dựng nhà và đường giao thông trong khu vực và gần hồ Ba Bể, cộng với các hoạt động canh tác trong lưu vực.
Đề xuất giải pháp khắc phục
Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của thạc sỹ Ngân Ngọc Vỹ vào tháng 2/2019: Nguyên nhân chính của sự bồi lắng phù sa và sạt lở đất tại hồ Ba Bể là do các hoạt động phát triển kinh tế của con người tại địa phương, nhất là các hoạt động khai thác cát ở lưu vực sông Năng thuộc vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia này.
Hiện, có doanh nghiệp Hà Giang và Hợp tác xã sông Năng được cấp phép khai thác cát trên địa bàn lưu vực sông Năng, ngoài ra các cơ quan chức năng chưa thống kê được hết số lượng thuyền, xuồng khai thác cát bất hợp pháp tại khu vực.
Theo người dân địa phương, số lượng cát khai thác không hề nhỏ, ảnh hưởng tới dòng chảy của sông Năng dọc theo đoạn từ bến thuyền Bốc Lốm, qua động Puông đến Bản Cám.
Để hạn chế những tác động tiêu cực của hiện tượng bồi lắng phù sa và sạt lở đất nêu trên tại khu vực hồ Ba Bể, Thạc sỹ Ngân Ngọc Vỹ đề xuất cần thực hiện những giải pháp tích cực, hiệu quả nhằm phòng ngừa, xử lý và ứng phó các sự cố môi trường và đảm bảo sinh kế của người dân.
Cụ thể là phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ hữu trách ở Trung ương, sớm có những nghiên cứu khoa học, đánh giá, dự báo một cách hệ thống, toàn diện quá trình bồi lắng, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi khắc phục tận gốc tình trạng bồi lắng, sạt lở đất của hồ Ba Bể hiện nay.
Tỉnh Bắc Kạn cũng cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình trồng rừng, đặc biệt là trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng tại các lưu vực hồ Ba Bể nhằm khắc phục và hạn chế bồi lắng do tác động tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội tại đây.
Đi đôi với việc tăng cường quản lý vùng đệm Vườn quốc gia Ba Bể theo nguyên tắc phát triển bền vững, chủ động và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các trường, viện để nghiên cứu, đánh giá toàn diện quá trình bồi lắng và đề xuất các giải pháp khả thi.
Các bên liên quan của địa phương gồm Ban quản lý Vườn quốc gia, Ban quản lý khu du lịch, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Bể, Ủy ban Nhân dân xã Nam Mẫu và cộng đồng người dân địa phương phối hợp xây dựng cơ chế quản lý, xử lý hiệu quả các hoạt động khai thác cát bất hợp pháp tại lưu vực sông Năng, các hoạt khai khoáng cũng như sản xuất của người dân tại lưu vực hồ gây sạt lở đất và bồi lấp phù sa.
Mặt khác, xây dựng cơ chế chính sách tăng cường sự tham gia của cộng đồng cư dân ven hồ tham gia giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái của hồ. Có cơ chế chia sẻ lợi ích cho cộng đồng từ các hoạt động dựa vào các giá trị dịch vụ hệ sinh thái của Khu Ramsar Vườn quốc gia Ba Bể.