Hội đồng một vùng ở Italy đã không thống nhất được về ngân sách chống biến đổi khí hậu và bị ngập nước ngay sau đó.
Các đảng cánh hữu của Italy đã từ chối các đề xuất đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu trong bối cảnh thành phố Venice và vùng Veneto đối mặt với trận lụt tồi tệ nhất trong vòng 53 năm qua do triều cường.
Hội đồng vùng Veneto, nơi nằm cạnh Kênh đào Lớn của thành phố Venice, từ chối thông qua kế hoạch sửa đổi ngân sách năm 2020 để chống lại biến đổi khí hậu trong cuộc họp tối 12/11. Chỉ vài phút sau, nước bắt đầu tràn vào Cung điện Ferro Fini.
Andrea Zanoni, Phó chủ tịch Ủy ban Môi trường của vùng, đã chia sẻ hình ảnh về văn phòng bị ngập trên Facebook và viết: “Thật trớ trêu! Căn phòng bị ngập hai phút sau khi số đông các đảng từ chối đề xuất của chúng tôi để đối phó với biến đổi khí hậu”.
Ông Zanoni, một nhà vận động về môi trường, cho biết các đề xuất bao gồm cấp ngân sách cho các nguồn năng lượng tái tạo, thay thế xe buýt chạy xăng bằng phương tiện ít gây ô nhiễm hơn, loại bỏ bếp củi gây ô nhiễm và hạn chế sử dụng đồ nhựa.
“Không có hình ảnh nào có ý nghĩa hơn một căn phòng bị ngập lụt khiến các đại biểu của người dân Venice phải bỏ trốn. Nó biểu hiện cho sự mâu thuẫn và vô dụng của chính quyền”, ông Zanoni nói.
Ông Zanoni cũng cáo buộc Chủ tịch Veneto, Luca Zaia, vì đưa ra một dự thảo ngân sách “không có hành động cụ thể để chống biến đổi khí hậu”.
Thị trưởng Venice Luigi Brugnaro đổ lỗi trận lụt xuất phát từ cuộc khủng hoảng khí hậu và hứa hẹn rằng dự án chắn lũ MOSE sẽ được hoàn tất.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tối 14/11, mở đường cho chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi trận lụt.
Từ ngày 12/11, Venice trải qua trận lụt nghiêm trọng nhất kể từ năm 1966, khiến 70% thành phố bị chìm dưới nước đến sáng 15/11. Mực nước ngập cao đến 1,5 m trong khi vẫn có mưa lớn.