Bộ mặt khu rừng nhiệt đới ở Brazil đang thay đổi và Trung Quốc có trách nhiệm không nhỏ trong chuyện này với nhu cầu về thịt bò và đậu nành ngày càng gia tăng ở đất nước tỷ dân.
Đây là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, nơi sinh sống của 10% số loài sinh vật được biết đến trên Trái Đất. Và nó đang trả giá cho việc giúp nuôi sống một quốc gia cách đó 17.000 km.
Phóng sự của Channel NewsAsia cho biết từ năm 2015 đến năm 2018, 29.000 km2 diện tích phần thuộc Brazil của rừng Amazon đã bị tàn phá. Đến 80% diện tích đất trống được tạo ra sau các vụ phá rừng xuất phát từ nhu cầu chăn nuôi gia súc.
Và bên mua lớn nhất của tất cả số thịt đó là Trung Quốc. Xuất khẩu thịt bò Brazil sang thị trường Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2015, đạt 722.000 tấn trong năm 2018.
Tiêu thụ thực phẩm của Trung Quốc không chỉ tăng lên mà còn thay đổi khi tầng lớp trung lưu ở nước này ngày càng lớn mạnh, nay chiếm gần 30% trong dân số 1,4 tỷ người.
“Ngày càng có nhiều người ăn thịt bò”, ông Liu Juan, một người bán buôn thịt bò tại chợ Xinfadi ở Bắc Kinh, nơi có khoảng 8.000 quầy hàng, cho biết. “Nếu chúng tôi chỉ dựa vào sản xuất trong nước thì chúng tôi sẽ không đáp ứng được nhu cầu”.
Thực tế, nhập khẩu thịt bò của Trung Quốc đã tăng khoảng 50 lần kể từ năm 2011, đạt một triệu tấn vào năm ngoái.
Song tình yêu mới chớm nở dành cho thịt bò cũng như nhu cầu về đậu nành tại Trung Quốc đang tạo ra ảnh hưởng đến môi trường và các bộ lạc địa phương cách đó nửa vòng Trái Đất, theo loạt phim China’s Growing Appetite (tạm dịch: cơn khát thực phẩm đang gia tăng ở Trung Quốc).
Để thức ăn được đưa lên bàn ở Trung Quốc, cảnh quan tự nhiên sắp bị thay đổi.
Đàn gia súc lớn nhất thế giới
Trung Quốc tiêu thụ 28% lượng thịt toàn thế giới. Nước này đã quay sang Brazil, quê hương của đàn gia súc lớn nhất thế giới, để đáp ứng nhu cầu về thịt bò.
Chỉ riêng bang Mato Grosso của Brazil đã có khoảng 30 triệu đầu gia súc, gấp 10 lần dân số của bang và nhiều hơn con số 26 triệu đầu gia súc trên toàn Australia.
“Ngày nay, Brazil là quốc gia duy nhất có lượng thịt đủ để nuôi sống Trung Quốc”, Arlindo Jose Vilela, chủ trang trại gia súc, cho biết. “Nếu chúng tôi (ở Brazil) có đủ các lò giết mổ đạt tiêu chuẩn (của Trung Quốc), chúng tôi có thể xuất khẩu 25% lượng thịt sản xuất ra sang Trung Quốc”.
Năm ngoái, Brazil đã xuất khẩu 1,64 triệu tấn thịt bò, 44% trong số đó đã đến Trung Quốc. Đây là lượng xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của một nước sản xuất thịt bò. Và đó là một thời kỳ ăn nên làm ra đối với các nông dân.
Giá thịt nửa thân trước đến Trung Quốc đã tăng từ 4,5 USD/kg trong năm 2017 lên 6 USD/kg trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Vilela tin rằng trong vòng 10 năm, “chúng tôi sẽ xử lý số lượng nhiều gấp ba đến bốn lần bây giờ”. Ông dự đoán: “Thịt bò Brazil sẽ rất phổ biến ở Trung Quốc”.
Lý do là những vùng đất chưa được khai thác ở phía bắc Mato Grosso, cho phép nuôi thêm nhiều gia súc để xuất khẩu.
Song điều này đã gây ra những hệ lụy, khi rừng Amazon đang bị tàn phá để xây dựng trang trại với tốc độ ngày càng tồi tệ. Trong 9 tháng đầu năm nay, diện tích rừng bị phá đã tăng 93% so với năm ngoái.
Việc bảo vệ rừng và các vùng đất của cư dân bản địa đã bị xem nhẹ đặc biệt kể từ khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nhậm chức vào tháng 1. Dưới sự điều hành của ông, nạn phá rừng đang ở đỉnh điểm 10 năm.
“Các chính phủ trước đây quan tâm đến các quy định về môi trường”, nhà nông học, trợ lý giáo sư Isaias da Silva Pereira ở Trung tâm Nông học thuộc Viện Liên bang Para, Campus Itaituba, nhận xét.
“Ngày nay, với tất cả những thay đổi này, chính phủ mới dường như đang coi đây là vấn đề thứ yếu, đặc biệt là việc giải tán các cơ quan bảo vệ môi trường liên bang”.
Một trong những trang trại gia súc có đồng cỏ được chuyển đổi từ đất rừng thuộc về Valmir Climaco de Aguiar, thị trưởng của thị trấn Itaituba ở bang Para. Và ông tự hào về trang trại đã mở rộng của mình, không bao giờ bận tâm rằng cây cối bị đốn hạ.
“Chúng tôi không thể sản xuất trong rừng”, ông Climaco nói một cách thẳng thừng. “Chúng tôi có hơn 200 triệu người. Chúng tôi phải ăn, sản xuất, bán, xuất khẩu và kiếm tiền”.
Ông chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ không trả tiền cho ông ấy “để bảo vệ rừng”. “Khi một quốc gia có năng lực chi tiêu cao và có nhiều người để nuôi sống, thì đó là một quốc gia tốt nhất (để bán cho)”, ông nói thêm.
Mặc dù giá cả tăng lên, đất đai rộng lớn ở Brazil khiến thịt bò của nước này trở thành một lựa chọn “kinh tế” để nhập khẩu, nếu so với việc Trung Quốc tự nuôi thêm gia súc.
Trung Quốc chiếm 6 đến 8% diện tích đồng cỏ của thế giới, nhưng chúng đang ngày càng ít đi vì đô thị hóa. Và thịt sản xuất trong nước ở Trung Quốc đã đắt hơn vì chi phí đất đai.
“Ở các nước khác, chủ trang trại là người chăn nuôi gia súc. Họ sở hữu đất đai. Ở Trung Quốc, các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc phải thuê đất, chịu thêm chi phí”, Cheng Guangyan, giám đốc của Viện Phát triển Thực phẩm và Dinh dưỡng, thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, giải thích.
Trong ngành chăn nuôi gia súc ở Trung Quốc, hầu hết là các trang trại quy mô nhỏ. “Trang trại gia súc lớn cần thuê nhân công, vì vậy sẽ có chi phí lao động”, ông Cheng nói.
“(Họ cũng) sẽ ký hợp đồng với các trang trại gia đình nhỏ để nuôi bò. Làm như thế sẽ rẻ hơn vì chi phí thuê đất cao”.
“Hãy dừng việc trồng đậu nành ở Amazon”
Trung Quốc vẫn có ngành chăn nuôi khổng lồ, đó là lý do tại sao nước này không chỉ mua thịt bò Brazil mà còn cả đậu nành, một loại ngũ cốc quan trọng để làm thức ăn cho gia súc.
Thuế quan đối với đậu nành Mỹ đã khiến người mua Trung Quốc tìm kiếm ở nơi khác, vì vậy 75% lượng đậu nành nhập khẩu của họ năm ngoái đến từ Brazil, khi các chuyến hàng từ nước này đến Trung Quốc tăng gần một phần ba.
Chẳng hạn, gần như toàn bộ lượng đậu nành trị giá 5 USD được sản xuất hàng năm tại trang trại Santa Guarita đi đến Trung Quốc. Song đó là một “hành trình đắt đỏ”, theo chủ trang trại thế hệ thứ hai Joel Strobel.
“Chúng tôi nằm ở giữa lục địa. Vì vậy đối với chúng tôi, chi phí xuất khẩu đậu nành cao bởi vì một khối lượng lớn đậu nành phải chuyên chở bằng đường bộ”.
Theo nhóm vận động hành lang về sản xuất và tiêu thụ đậu nành ở địa phương, vận chuyển chiếm 30% chi phí sản xuất ở Brazil, gấp ba lần so với ở Mỹ. Và thách thức hậu cần đang gia tăng khi xuất khẩu tăng trưởng.
Từ trung tâm của ngành nông nghiệp Brazil, bang Mato Grosso, tuyến đường duy nhất của nông dân đến các thành phố cảng phía bắc đất nước là đường cao tốc BR-163 cắt ngang qua rừng Amazon. Đó là quãng đường 1.700 km, lái xe mất hai ngày rưỡi.
Tuy nhiên đến mùa thu hoạch, xe tải có thể bị tắc đường hàng dặm. Một phần đường cũng không được trải nhựa, gây nguy hiểm trong mùa mưa và làm tăng thêm thời gian đi lại.
Để tháo gỡ nút thắt, các dự án cơ sở hạ tầng đã được đề xuất, một trong số đó là xây dựng hơn 40 con đập để biến sông Tapajos và các nhánh của nó ở Amazon thành một tuyến đường thủy công nghiệp phù hợp cho các tàu lớn.
Itaituba, với dân số khoảng 100.000 người và nơi đường cao tốc gặp sông, đang chứng kiến những dấu hiệu thay đổi, chẳng hạn như các dự án xây dựng cảng sông.
Vị trí chiến lược của nó trong việc mua bán đậu nành giữa Brazil và Trung Quốc – và tham vọng của họ trong việc mở ra một mặt trận thực phẩm mới, với sự hỗ trợ của kỹ thuật Trung Quốc – đã khiến ông thị trưởng phấn khích.
Ông không lo lắng về việc vay từ Trung Quốc. “Trung Quốc sẽ thống trị thế giới”, ông Climaco tuyên bố. “Nếu không phải là để bán sang Trung Quốc, thì thì cũng không sản xuất quá nhiều đậu nành như vậy”.
Song cư dân bản địa sống trong rừng không hài lòng với những kế hoạch như vậy. Hiện tại, bộ lạc Munduruku đang cảm nhận được tác động từ những thay đổi gần đây của thị trấn; ví dụ, không còn đủ cá để có thể đánh bắt.
“Thượng đế đã cho chúng tôi dòng sông này”, Brasilino, một trưởng làng, nói. “Chúng tôi có trách nhiệm chăm sóc nó. Nhưng bây giờ chúng tôi không thể làm được điều đó… vì họ đã làm suy kiệt đất đai và mang đến nhiều bệnh tật hơn qua nước bẩn”.
Hình thức phát triển kinh tế đi kèm với việc ngăn sông bằng những con đập không phải là thứ ông muốn cho người dân của mình.
“Nó tốt cho chính phủ, nhưng tiền lương của người lao động không tăng lên. (Ngay cả nếu có,) cũng là rất ít ỏi”, ông nói. “Chúng tôi có một cuộc sống khỏe mạnh hơn. Chúng tôi có thể đi bộ dưới những tán cây và hít thở không khí trong lành”.
Ông có điều này muốn nói với Trung Quốc: “Hãy dừng việc trồng đậu nành ở Amazon”.
Nhà hoạt động môi trường Brent Millikan đưa ra quan điểm rằng Amazon “không giống bất kỳ nơi nào khác”.
“Ở nơi mà việc đầu tư đang diễn ra, điều quan trọng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc là hiểu được bối cảnh địa phương – về mặt môi trường (và) về mặt văn hóa”, giám đốc chương trình Amazon tại tổ chức phi chính phủ International Rivers cho biết.
“Câu hỏi lớn là Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách nào để đảm bảo rằng các khoản đầu tư của họ đang đáp ứng tiêu chuẩn về các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội”.
Một số đập trong lưu vực sông Tapajos đã được xây dựng và vận hành, và đã có tác động đến môi trường xã hội, ông nói thêm.
“Nếu bây giờ bạn có một chính phủ khuyến khích các cuộc xâm chiếm đất đai, bạo lực đất đai (và) phá rừng, mọi thứ sẽ gây bất lợi cho người Brazil… đối với người Trung Quốc (và) đối với toàn hành tinh”, ông Millikan nói.
Đông Phong (Theo Channel NewsAsia)