Theo báo cáo của Lancet Countdown về tác động của biến đổi khí hậu, trẻ em trên khắp thế giới hiện đã phải hứng chịu những tác động nguy hại từ ô nhiễm không khí và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Biến đổi khí hậu sẽ làm tổn hại đến sức khỏe của cả một thế hệ, trừ khi thế giới cắt giảm ngay lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.
Đó là cảnh báo do các chuyên gia đưa ra ngày 14/11, trong đó nói rõ những nguy cơ mà lớp trẻ sẽ phải đối mặt bao gồm từ việc gia tăng các bệnh truyền nhiễm gây chết người đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Theo báo cáo thường niên của Lancet Countdown về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, trẻ em trên khắp thế giới hiện đã phải hứng chịu những tác động nguy hại từ ô nhiễm không khí và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Những tác động này sẽ ngày càng tồi tệ hơn đối với các thế hệ tương lai, từ mắc các bệnh truyền nhiễm qua không khí, suy dinh dưỡng do mùa màng thất bát, thậm chí là các tổn thương về thể chất và tinh thần do lũ quét và cháy rừng.
Lancet Countdown là một liên minh gồm 35 tổ chức, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng thế giới (WB).
Báo cáo của Lancet Countdown do 120 chuyên gia thực hiện, sử dụng các dữ liệu câp nhật và mô hình khí hậu để dự báo xu hướng sức khỏe toàn cầu trong bối cảnh nhiệt độ Trái đất liên tục tăng trong hàng thập kỷ qua.
Cũng theo báo cáo, tại nhiều khu vực trên thế giới, biến đổi khí hậu tác động tới sức khỏe của trẻ ngay từ những tuần đầu đời.
Việc sản lượng các loại lương thực chính như ngô, lúa mỳ và gạo giảm sút khiến nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đối mặt nguy cơ suy dinh dưỡng nghiêm trọng, kéo theo ảnh hưởng đến mọi giai đoạn phát triển sau này của trẻ như chậm phát triển, suy yếu hệ miễn dịch và hạn chế những phát triển sau này của trẻ.
Một ví dụ khác về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người là các bệnh do muỗi lây truyền như sốt xuất huyết và sốt rét ngày càng phổ biến, khiến một nửa dân số thế giới đứng trước nhiều nguy cơ.
Cư dân các thành phố cũng hứng chịu nguy cơ mắc bệnh và tử vong do ô nhiễm không khí. Chưa kể, nhiệt độ tăng lên sẽ kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan, khiến hoạt động kinh tế thường xuyên bị gián đoạn.
Năm 2018, thế giới bị mất tới 45 tỷ giờ làm so với năm 2000 do nắng nóng cực đoan trên toàn cầu.
Lancet Countdown đưa ra báo cáo trên trong bối cảnh nạn cháy rừng nghiêm trọng ở miền Đông Australia vẫn đang tiếp tục hoành hành và tháng 8 vừa qua được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử Trái đất khi đã tăng thêm 1 độ C kể từ thời kỳ công nghiệp hóa.
Mặc dù nhiều quốc gia đã cam kết thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, trong đó giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất trong ngưỡng từ 1,5 – 2 độ C, song lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng qua từng năm khiến Trái đất đứng trước nguy cơ sẽ tăng thêm 4 độ C vào cuối thế kỷ này, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe con người.
Giám đốc điều hành của Lancet Coutdown, ông Nick Watt, cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới việc gia tăng tình trạng di cư từ khu vực bị ảnh hưởng nhiều sang khu vực ít ảnh hưởng hơn, và nếu thế giới thực sự coi biến đổi khí hậu là nguy cơ đối với sức khỏe toàn cầu thì các chính phủ cần nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, nhất là viễn cảnh dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe sẽ bị quá tải trong tương lai.