Thường thì thời điểm này trong năm ở lưu vực sông Mê Công, gió mùa bắt đầu giảm dần, hai bờ con sông ngập trong nước lũ và tràn sang vùng đồng bằng ở Campuchia và Việt Nam, dòng nước chuyển hàng triệu tấn trầm tích cùng hàng triệu hàng tấn cá di cư xuôi ngược sông Mê Công.
Tổng cộng 2,6 triệu tấn cá được đánh bắt mỗi năm nuôi sống người dân sông Mê Công. Nhưng năm nay, dòng sông từ Tam giác vàng đến đồng bằng sông Cửu Long gần như cạn kiệt, không còn dòng trầm tích và cá này nữa.
Mặc dù có hai cơn bão lớn từ Biển Đông vào tháng 8, gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở miền nam Lào và đông bắc Thái Lan, gió mùa truyền thống sông Mê Công đã không xảy ra. Thông thường các tháng từ tháng 5 đến tháng 11 mang lại nhiều mưa cho lưu vực sông Mê Công nhưng năm nay, mực nước tại Viên Chăn ở Lào thấp hơn mực nước bình thường vào mùa khô.
Hầu hết các đoạn sông đều đang ở mức nước thấp nhất vào thời điểm này trong năm (tính từ những năm 1980 trở lại đây). Một đoạn sông đạt mức nước thấp lịch sử cho bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Nói cách khác, trong mùa gió mùa, một phần của dòng sông chạm mức thấp chưa từng thấy vào mùa khô.
Một điều gì đó không ổn đang xảy ra ở sông Mê Công và những xu hướng này vẫn đang tiếp tục khi lục địa Đông Nam Á chuyển mình sang mùa khô (sớm hơn). Mùa khô năm nay, từ nay đến tháng 4/2020, có thể sẽ là mức nước thấp nhất từng được ghi nhận và cả khu vực cần chuẩn bị cho tình trạng hạn hán khắc nghiệt.
Sông gần trơ đáy
Các nhà hoạt động và người dân địa phương dọc biên giới Thái Lan/Lào từ Tam giác vàng đến Nong Khai chia sẻ hình ảnh lòng sông gần như khô cạn trên truyền thông xã hội từ tháng 6 đến nay.
Hồ Tonle Sap ở Campuchia chỉ nhận được nước từ dòng chính sông Mê Công trong khoảng sáu tuần trước khi bắt đầu nhả nước trở lại. Thông thường, Biển Hồ nhận được nước trong khoảng ba đến bốn tháng, tạo điều kiện cho lượng đánh bắt cá tới 500.000 tấn cung cấp 70% nguồn chất đạm cho người Campuchia. Và ở đồng bằng sông Cửu Long, các mức nước thấp lịch sử đang ngăn nước sông đẩy thủy triều ra ngoài. Điều này gây ra lũ lụt hàng ngày ở các vùng trước đây chưa bao giờ bị ngập theo cách này. Hạ nguồn Mê Công đã đạt đến một điểm khủng hoảng và sẽ ngày càng tồi tệ hơn cho đến khi những cơn mưa trở lại vào tháng 5/2020 – hiện vẫn chưa có ai gióng chuông báo động.
Hiệu ứng El Nino
Mức nước thấp chủ yếu do kiểu thời tiết El Nino gây ra, mang lại ít mưa hơn bao giờ hết cho sông Mê Công. Trong bối cảnh đòi hỏi phải nghiên cứu nhiều hơn để kết luận khô hạn là kết quả của biến đổi khí hậu, tác động của hiện tượng này được dự đoán sẽ rút ngắn mùa gió mùa và tăng thêm những cơn bão. Đó chính xác là những gì đã xảy ra trong năm nay.
Có lẽ các tác động khí hậu ban đầu đang diễn ra và đã đến lúc chuẩn bị cho một điều bình thường hoặc bất thường mới.
Các con đập không giúp được gì trừ khi xả nước để giảm hạn hán và không có con đập nào trên sông Mê Công làm việc này khi cần thiết. Chúng chỉ đơn giản là không được xây dựng để giảm nhẹ hạn hán mà mục đích đơn thuần là để phát điện. Mỗi con đập đều giữ nước và trầm tích, ngăn cá di cư – những thứ ảnh hưởng đến hạ nguồn.
Có hơn 100 đập hiện đang hoạt động trong lưu vực sông Mê Công ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Trung Quốc – nơi cung cấp cho dòng sông 40% lượng nước trong mùa khô – đã hoàn thành 11 con đập. Trong đó có một số con đập trữ nước lớn nhất trên thế giới.
Lào đã hoàn thành 64 đập – nhiều nhất trong lưu vực – với hơn 63 đập khác đang được xây dựng và có thể xây dựng thêm hàng trăm đập, trừ khi tình hình thay đổi.
Campuchia chỉ có hai con đập và đang chuyển dần khỏi các kế hoạch với đập trên sông Mê Công nhưng đập Hạ Sesan 2 được dự đoán sẽ làm giảm hơn 9% tổng quần thể cá sông Mê Công.
Việt Nam có 16 con đập, còn Thái Lan có 9.
Những yếu tố này cộng dồn lại đang khiến sông Mê Công chết vì hàng ngàn vết cắt khi những con đập trên hoặc một số đập phối hợp vận hành thực sự có thể được sử dụng để làm giảm hạn hán. Tuy nhiên, hiện không có cơ chế nào tồn tại để dùng các con đập ở sông Mê Công giảm hạn hán.
Xayaburi và hạn hán
Đập Xayaburi là một trường hợp điển hình. Mùa hè này, khi hạn hán thực sự tác động, các nhà điều hành đập Xayaburi đã thực hiện một số thử nghiệm về tua-bin và làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở hạ nguồn.
Các hình ảnh vệ tinh của Trung tâm Stimson cho thấy không có thay đổi nào về mực nước trên đập Xayaburi vào tháng 6 nhưng mực nước sông ngay dưới đập giảm tại cùng thời điểm.
Trong thời gian tồi tệ nhất, các nhà điều hành đập Xayaburi đã đưa ra quyết định tồi tệ nhất. Việc họ phủ nhận rằng con đập không ảnh hưởng đến hạn hán là một lời nói dối trắng trợn. Sự dối trá và tình trạng thiếu phối hợp sẽ tồn tại cho đến khi một điều gì đó buộc cách vận hành đập phải thay đổi.
Tonle Sap là ngư trường nội địa lớn nhất thế giới và cần xung lực gió mùa đầy đủ để sản xuất cá cho đánh bắt. Nhưng năm nay lượng cá đánh bắt được có thể sẽ bị giảm nghiêm trọng vì thời gian để cá vào hồ từ khu vực thượng nguồn và phát triển chỉ còn khoảng 1/5 mức bình thường.
Hiệu ứng “lò ấp” của Tonle Sap đơn giản là không xảy ra trong năm nay bởi các con đập ngăn chặn đường đi của trứng cá và cá con được vận chuyển xuôi dòng từ các dòng nhánh trên cao trong hệ thống sông vào hồ Tonle Sap.
Tất cả các cộng đồng đánh cá trên toàn hệ thống sông Mê Công đều ghi nhận sản lượng đánh bắt cá cực thấp trong năm nay. Ngư dân sống dọc theo hồ Tonle Sap thậm chí cho biết mức giảm là 70% lượng cá đánh bắt trong tháng 10.
Kế hoạch giảm nhẹ cần thiết
Toàn bộ khu vực cần phải cùng nhau đưa ra được một kế hoạch giảm nhẹ hạn hán. Hiệu ứng El Nino có thể được dự đoán trước sáu tháng, vì vậy không có lý do gì để tình hình trở nên tồi tệ như vậy. Các nước hạ nguồn cần yêu cầu Trung Quốc đảm bảo dòng chảy tối thiểu từ các đập thượng nguồn, đặc biệt là trong thời kỳ tồi tệ như thế này khi Trung Quốc đóng góp hơn 40% lượng nước sông.
Lào với hơn 60 con đập cũng cần phải làm điều này, đặc biệt khi Trung Quốc không phản hồi. Và cả khu vực phải chuẩn bị cho mùa khô kéo dài hơn cùng những cơn bão dữ dội hơn trong mùa mưa. Điều này cũng có nghĩa là các con đập đang ngày càng trở thành một phần của vấn đề chứ không phải là một phần của giải pháp vì chúng sẽ hoạt động với hiệu quả thấp trong mùa khô kéo dài bên cạnh việc chặn dòng nước, trầm tích và cá di chuyển qua lưu vực. Các quốc gia tốt hơn nên hướng đến năng lượng mặt trời, gió, sinh khối và khí tự nhiên để đáp ứng nhu cầu điện.
Không có dự đoán chính xác
Không có kế hoạch về phát triển thủy điện ở Lào. Các nhà phát triển và nhà đầu tư nước ngoài – những người quyết định các động thái tiếp theo – xây dựng các dự án cùng một lúc. Tức là chính phủ Lào không thể điều phối các đập để xả nước. Thật không may, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta không thể dự đoán chính xác nào về mức độ ảnh hưởng hạ nguồn đối với nghề cá Tonle Sap hoặc năng suất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Một tình huống hỗn loạn tồi tệ nhất đang hé mở và sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng thực sự ở Đông Nam Á.
Các cộng đồng dọc sông Mê Công từ lâu đã phải hứng chịu những tác động này: lượng đánh bắt cá thấp, dòng chảy thất thường và tái định cư liên quan đến đập. Nhưng những tác động này sẽ sớm tác động đến các thủ đô khu vực Mê Công và các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh.
Cá không xuất hiện ở chợ, còn sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Những người tị nạn ở nông thôn sẽ đến các thành phố nhanh hơn mức các thành phố có thể chịu tải và, nếu một cuộc khủng hoảng lương thực thực sự xảy ra, các dòng người tị nạn lớn sẽ di chuyển qua biên giới.
Con người thích nghi rất tốt, vì vậy dù thế nào khu vực cũng sẽ thích nghi. Nhưng những cơn đau tăng dần sẽ tiếp tục gây thiệt hại ngày càng nhiều do những kế hoạch phát triển thủy điện thiếu tầm nhìn và những ảnh hưởng khí hậu trong thời gian tới.
Nhật Anh (Theo Capital Cambodia)