Sau hơn 6 năm đàm phán, hơn 10 quốc gia ở Châu Á-Thái Bình Dương đang nhắm đến việc ký kết thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới vào 2020.
Thỏa thuận, được gọi là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), liên quan đến tất cả 10 quốc gia từ khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và năm đối tác thương mại lớn của nước này: Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
15 quốc gia này chiếm gần 1/3 dân số thế giới và tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, theo báo cáo của Reuters. Khối liên minh này còn lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như Liên Minh châu Âu (EU) và thỏa thuận Mỹ – Mexico – Canada (USMCA).
Thỏa thuận ban đầu có 16 quốc gia, nhưng sau đó Ấn Độ quyết định không tham gia hiệp ước thương mại vì lo ngại rằng điều này sẽ làm tổn thương các nhà sản xuất trong nước.
RCEP ra đời như thế nào?
RCEP được ra mắt vào tháng 11/2012 tại Phnom Penh, Campuchia như một sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa các quốc gia thành viên và sáu quốc gia khác.
Sáu quốc gia khác, gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ , Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc – đều đã có thỏa thuận thương mại tự do riêng với khối ASEAN. RCEP sẽ thúc đẩy thương mại bằng cách hạ hàng rào thuế quan, tiêu chuẩn hóa các quy định và thủ tục hải quan, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, nhất là ở những quốc gia chưa hề tham gia một thỏa thuận thương mại nào.
Tất cả 16 quốc gia bắt đầu đàm phán RCEP vào năm 2013, khi các cuộc đàm phán cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang được đàm phán. Vì Trung Quốc không tham gia vào TPP (khi ấy do Mỹ khởi xướng), nhiều ý kiến cho rằng RCEP sẽ là một cách để Bắc Kinh kìm hãm tầm ảnh hưởng của Mỹ tới khu vực này.
Tuy nhiên, sau khi cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi TPP vì cho rằng đây là một thỏa thuận tồi tệ cho Mỹ. Các nước còn lại trong thỏa thuận, gồm Việt Nam và Nhật Bản, tiếp tục đàm phán, đi đến ký kết, và thực thi TPP từ cuối năm 2018. Thỏa thuận này đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Vai trò của RCEP
Theo các chuyên gia phân tích, RCEP chủ yếu có lợi cho thương mại hàng hóa vì nó sẽ giảm dần thuế quan đối với nhiều sản phẩm. Ngoài ra, thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp bán cùng một hàng hóa trong khối nhưng không cần phải thực thi các thủ tục riêng lẻ tại từng thị trường.
Ông Deborah Elms, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Asian Trade Centre, nói với Reuters, rằng cách này sẽ giúp các nhà sản xuất châu Á bán được nhiều sản phẩm hơn tại thị trường khu vực. Ngay cả đối với các công ty xuất khẩu hàng hóa bên ngoài khối, sẽ có những ưu đãi để xây dựng chuỗi cung ứng của họ trên khắp các quốc gia thành viên RCEP. Thế nhưng, RCEP được cho là không có những chất lượng và phạm vi áp dụng như trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cụ thể hơn, không như CPTPP, RCEP thiếu đi những cam kết bảo vệ quyền của người lao động và môi trường, theo Reuters. RCEP bao gồm ít ngành dịch vụ hơn, đây có thể là một lý do khiến Ấn Độ rút khỏi thỏa thuận.
Vai trò của Ấn Độ
Ấn Độ vốn đã tham gia vào các cuộc đàm phán RCEP ngay từ đầu nhưng sau đó đã từ chối tham gia hiệp ước thương mại, vì lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ làm tổn thương các nhà sản xuất trong nước. Sự e ngại của Ấn Độ đối với thỏa thuận này là một trong những rào cản chính trong các cuộc đàm phán RCEP gần đây.
Một số thành viên RCEP, chẳng hạn như Nhật Bản, coi sự tham gia của New Delhi rất quan trọng vì lý do kinh tế và là một đối trọng khác với Trung Quốc, theo các nhà phân tích từ công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group.
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và là thị trường tiêu dùng lớn.
Nhưng 15 quốc gia còn lại vẫn dự kiến sẽ đưa RCEP đến thỏa thuận cuối cùng, theo Công ty tư vấn The Economist Intelligence Unit (EIU). “Không có Ấn Độ, RCEP giảm tầm quan trọng, nhưng con đường tiến tới thực thi thỏa thuận này trở nên êm ái hơn”, một báo cáo của EIU viết.