Cảnh báo về “quả bom hẹn giờ biến đổi khí hậu”

Thế giới phải nỗ lực nhiều hơn nữa để sản xuất năng lượng bền vững đáp ứng tốc độ gia tăng dân số, cũng như giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nếu muốn tháo ngòi nổ “quả bom hẹn giờ biến đổi khí hậu”.

Đây là nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra trong báo cáo về “Triển vọng Năng lượng Thế giới 2019” công bố ngày 13/11.


Một tảng băng lớn ở Greenland. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo trên, nếu các chính sách hiện nay tiếp tục được duy trì, trong bối cảnh nhu cầu tăng 1,3% hằng năm đến năm 2040, tình trạng căng thẳng sẽ diễn ra trong tất cả các phân đoạn trên thị trường năng lượng và bài toán về khí thải liên quan đến năng lượng sẽ vẫn không có lời giải. Thay vào đó, nếu các chính phủ giữ lời hứa thay đổi và nhu cầu năng lượng tăng ít hơn – 1%, kết quả “vẫn không đạt được mục tiêu cho một tương lai năng lượng an toàn và bền vững”.

Điểm chốt của Kịch bản chính sách được nêu trên sẽ vẫn là một “thế giới, nơi hàng trăm triệu người vẫn sống mà không được tiếp cận với điện…, nơi khí thải CO2 không thể giảm do những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu”.

IEA cho rằng nếu mục đích này đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu, khi đó các chính phủ vẫn sẽ phải chấp nhận sự biến đổi nhanh và rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của hệ thống năng lượng.

Theo cơ quan có trụ sở tại Paris, “Kịch bản phát triển bền vững” này sẽ giảm nhanh các khí thải gây hiệu ứng nhà kính do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch được cắt giảm nhưng vẫn có thể đáp ứng cho tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số như dự báo.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng giải pháp này đòi hỏi sự vai trò mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách, đảm bảo an ninh năng lượng và đặt khí thải trên một quỹ đạo bền vững, theo chiều đi xuống.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đưa ra cam kết kiềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái toàn cầu. Tuy nhiên, một báo cáo mang tính bước ngoặt của Liên hợp quốc đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái lại kết luận rằng lượng khí thải CO2 phải giảm đáng kể – 45% vào năm 2030 – và đạt mức “0” vào năm 2050 – nếu duy trì được mức tăng nhiệt độ ở giới hạn an toàn không quá 1,5 độ C.