Zimbabwe: Hơn 200 cá thể voi chết vì hạn nặng

Hàng trăm cá thể voi và hàng chục cá thể sư tử ở Zimbabwe sẽ được cơ quan quản lý động vật hoang dã của nước này chuyển đi trong một chiến dịch lớn để cứu các loài động vật khỏi nạn hạn hán tàn khốc.

Hơn 200 cá thể voi tại các khu bảo tồn chính của đất nước ở hồ Mana và Vườn quốc gia Hwange đã chết trong hai tháng qua do thiếu nước.

Người dân làng Jutshume gần Vườn quốc gia Hwange chia sẻ một đoạn video về một cá thể voi con rơi xuống giếng vào tháng trước khi đang tuyệt vọng tìm nước uống. Người dân đã giải cứu cá thể này rồi thả vào tự nhiên nhưng tin rằng chân nó đã bị gãy.

Một cá thể voi trưởng thành thứ hai cũng ngã gục gần làng, được người dân cho ăn cho đến khi nó đủ sức đi khỏi.

Ảnh: Philimon Bulawayo/Reuters

Động vật gần làng Jutshume, cạnh biên giới với Botswana, thường uống nước ở đập Maitengwe nhưng thân đập đã bị vỡ vào năm 2005 và chưa được sửa chữa khiến vùng này trở thành những dải đất cằn cỗi.

Theo AFP, cơ quan quản lý động vật hoang dã Zimbabwe có kế hoạch di chuyển 600 cá thể voi, 2 cá thể sư tử, 1 đàn chó hoang dã, 50 cá tgeer trâu, 40 cá thể hươu cao cổ và 2.000 cá thể linh dương impala.

Tinashe Farawo, người phát ngôn của cơ quan quản lý vườn quốc gia và động vật hoang dã Zimbabwe cho biết hoạt động này sẽ bắt đầu vào mùa mưa, khi đồng cỏ nở rộ, thường vào khoảng giữa tháng 11, và mô tả nhiệm vụ này là “cuộc dịch chuyển lớn nhất trong lịch sử của chúng tôi”.

Các cá thể động vật sẽ được chuyển từ Savé Valley Conservancy – một vườn quốc gia lớn ở phía đông nam – đến ba khu bảo tồn khác ở phía bắc Zimbabwe.

Các chuyên gia bảo tồn cảnh báo rằng Zimbabwe có thể mất nhiều voi hơn vì hạn hán nếu không có đủ mưa trong mùa này.

Liên hợp quốc cho biết một đợt hạn hán gần đây đã khiến hơn năm triệu người dân khu vực nông thôn (gần 1/3 dân số Zimbabwe) có nguy cơ thiếu lương thực trước vụ thu hoạch tiếp theo vào năm 2020.

Zimbabwe có 85.000 cá thể voi nhưng các vườn quốc gia và khu bảo tồn của nước này chỉ có thể đáp ứng cho 55.000 cá thể. Vùng đất chăn thả và nước đã cạn kiệt nhanh chóng khi nước này trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm.

Charles Jonga, Giám đốc tổ chức bảo tồn hàng đầu Campfire nhấn mạnh hạn hán do El Nino gây ra đã làm cho tình hình về nước ở các vườn quốc gia vốn thiếu thốn càng trở nên tệ hơn.

Farawo cho biết cơ quan quản lý động vật hoang dã đang rất cần thiết bị bơm nước để cứu voi: “Chúng tôi đang rất cần nguồn lực để cung cấp nước. Chúng tôi đang chờ đợi những cơn mưa”.

Những người yêu động vật hoang dã đã quyên góp cỏ khô cho voi để cứu loài động vật có vú trên cạn lớn nhất thế giới này.

Nhiều cá thể tuyệt vọng đi lạc từ các vườn quốc gia của Zimbabwe vào các cộng đồng gần đó để tìm kiếm thức ăn và nước uống, làm gia tăng xung đột giữa động vật hoang dã và con người.

Trong năm năm qua, 200 người đã chết trong các cuộc “xung đột giữa động vật và con người”.

“Chúng tôi có khả năng mất nhiều voi hơn, đặc biệt là nếu mưa đến muộn. Thế giới phải biết rằng Hwange phụ thuộc vào nước ngầm và chưa bao giờ dễ dàng để duy trì vườn quốc gia quá tải này”, Jonga nói.

Được biết, Zimbabwe và các quốc gia Nam Phi khác kêu gọi cơ quan giám sát toàn cầu nới lỏng các điều khoản về buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, lời kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế buôn bán ngà voi thô của Zimbabwe, Botswana và Namibia đã bị CITES CoP18 từ chối vào tháng 8 năm nay. Các thành phố trên toàn thế giới đều nghiêm cấm buôn bán thương mại các loài nguy cấp.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: