Sừng giả có cứu được tê giác?

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học đang định đổ thật nhiều sừng tê giác giả thực tế làm từ lông ngựa vào thị trường đen nhằm giảm nạn săn trộm bất hợp pháp.

Giáo sư Fritz Vollrath, đồng tác giả nghiên cứu thuộc Đại học Oxford, cho biết: “Các nhà kinh tế cho rằng nếu bạn đổ nhiều sản phẩm thay thế vào thị trường thì giá sẽ giảm. Nếu giá giảm và hình phạt cho việc sở hữu sừng tê giác rất cao, thì giá trị sẽ thay đổi với người giao dịch”.

Sừng của hầu hết các loài động vật, bao gồm cả bò, có một lõi xương được bao phủ một lớp keratin – cùng loại protein có trong tóc và móng tay của chúng ta. Sừng tê giác là keratin rắn và không có lõi xương.

Ảnh: Getty Images

Hiện các nhà khoa học cho biết đã tạo ra một chiếc sừng tê giác giả rất giống thật, chỉ bằng cách bóc lớp ngoài của lông đuôi ngựa rồi dán lại. Nhóm nghiên cứu cho biết họ chọn lông ngựa vì loài này là họ hàng gần gũi với tê giác, mặt khác, lông ngựa có kích thước tương tự như sợi keratin đã cấu thành nên sừng tê giác.

Vật liệu thu được có thể dễ dàng được đúc thành hình sừng tê giác, sấy chân không trong lò nóng và đánh bóng. Kết quả cuối cùng là một vật liệu có các tính chất cơ học tương tự như sừng thật, cho cảm cảm giác cũng tương tự và thậm chí trông cũng giống hệt khi soi dưới kính hiển vi.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết những người khác có thể phát triển ý tưởng của họ.

Nghiên cứu mới nhất không phải là nghiên cứu đầu tiên về khả năng sản xuất sừng giả. Start-up Pembient đang cố gắng chế tạo ra sừng giả giống hệt sừng thật về mặt sinh học. Chiếc sừng đầu tiên sẽ được bán vào năm 2022.

Tiến sĩ Richard Thomas thuộc TRAFFIC cho biết dù nghiên cứu mới nhất có mục đích tốt thì vẫn ẩn chứa những rủi ro đáng kể.

“Đưa giải pháp bằng sợi nhân tạo vào có thể tăng nhận thức rằng sừng tê giác là một mặt hàng quý, do đó vẫn duy trì nhu cầu hiện có, trong khi đó người tiêu dùng thậm chí còn có nhu cầu nhiều hơn với sừng thật, như thế càng làm trầm trọng thêm tình hình”.

Thomas nói thêm rằng một vấn đề khác là sừng giả không được dán nhãn có thể gây ra khó khăn về mặt pháp lý và thực thi – mặc dù Vollrath cho biết các chuyên gia có thể phát hiện ra hàng giả.

Thomas nói rằng thay vào đó, điều quan trọng là giảm nhu cầu về sừng tê giác.

“Điều này có thể đạt được thông qua các biện pháp can thiệp lâu dài nhằm thay đổi hành vi của người tiêu dùng cùng với các biện pháp thực thi mạnh mẽ để ngăn chặn những người tiêu dùng sừng tê giác hiện tại”.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: