Việc xã hội hóa đầu tư các công trình cấp nước sạch là việc cần thiết trong điều kiện hiện nay, nhưng Nhà nước phải có hành lang pháp lý, quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng nguồn nước.
Chia sẻ quan điểm bên lề Kỳ họp, ngày 12/11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến vấn đề an ninh nguồn nước cũng như việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân.
Đảm bảo vấn đề an ninh nguồn nước
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Hà Nội), ở các nước phát triển có nền hành chính công minh bạch thường phân biệt rõ dịch vụ công và dịch vụ công ích. Những dịch vụ công ích như cấp nước sạch, xử lý cháy nổ, ô nhiễm môi trường, xử lý rác hay cứu trợ xã hội đều do nhà nước đứng ra để tập trung lo cho người dân.
Đại biểu Khánh cho rằng ở Việt Nam không phân biệt đâu là dịch vụ công, đâu là dịch vụ công ích mà gộp chung lại nên mới xảy ra những bất cập trong hoạt động cấp nước sạch trong thời gian qua, với vụ việc ô nhiễm nguồn nước ở Công ty Cổ phần đầu tư Nước sạch Sông Đà là một ví dụ điển hình.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Khánh, việc xã hội hóa đầu tư các công trình cấp nước sạch là việc cần thiết trong điều kiện hiện nay, nhưng Nhà nước phải có hành lang pháp lý, quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng nguồn nước khi cấp ra cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Quốc Khánh cũng cho rằng khi đã xã hội hóa thì dù là nhà đầu tư trong hay ngoài nước đều được, quan trọng là hành lang pháp lý phải được nêu rõ trong hợp đồng để hai bên đảm bảo và chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước cũng như những vấn đề bất cập nảy sinh trong quá trình cung cấp, đảm bảo an toàn cho người dân.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) khẳng định, an ninh nguồn nước hiện nay là việc tối quan trọng. Sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch của Công ty Cổ phần đầu tư Nước sạch Sông Đà vừa qua được phát hiện do có màu, có mùi và có vị, nếu xảy ra những trường hợp chất ô nhiễm không màu, không mùi thì sẽ nguy hiểm thế nào.
Theo đại biểu, ở các nước phát triển, việc đảm bảo chất lượng nguồn nước sạch rất được quan tâm. “Hồ cấp nước sạch ở Mỹ được bảo vệ rất nghiêm ngặt, một phần để tránh khủng bố”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn lấy ví dụ.
Đại biểu Tuấn cho rằng sự việc xảy ra vừa qua ở Việt Nam tuy không gây hậu quả quá nghiêm trọng nhưng cũng đủ để nhà chức trách giật mình và cần có những giải pháp cụ thể trong công tác quản lý, tránh để trường hợp tương tự xảy ra.
Phân tích về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, xã hội hóa công tác đầu tư các công trình cung cấp nước sạch trong thời kỳ hội nhập với mục đích thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ có liên quan đến đời sống của hàng triệu người dân ở các đô thị là rất quan trọng, cần phải được Nhà nước quan tâm, quản lý chặt.
Theo đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, trên thế giới ở không ít nơi, nguồn nước và điện dân dụng cũng được coi là mục tiêu quan trọng mà lực lượng khủng bố luôn hướng tới, những sự cố xảy ra thời gian qua cho thấy lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý nhà nước.
Đại biểu cho rằng Thủ tướng Chính phủ nên cân nhắc tới việc xã hội hóa hoạt động đầu tư các công trình cấp nước, thoái vốn nhưng cần phải giữ lại quyền chi phối của cơ quan quản lý nhà nước.
“Đồng ý tư nhân hóa nhưng khi chuyển nhượng, sang tay phải có quy định, kiểm soát chặt chẽ tránh để việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu rơi vào tay của các thế lực thù địch”, đại biểu nêu ý kiến.
Khắc phục những bất cập về công tác phòng cháy, chữa cháy
Phân tích về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Quốc Khánh cho rằng công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy hiện nay ở Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Theo đại biểu, nhận thức, ý thức, trách nhiệm chấp hành quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều nơi “ngại” đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; công tác phối hợp giữa cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với công an và chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ; kỹ năng, nghiệp vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu; các quy định về phòng cháy, chữa cháy đã có, nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao. “Nhiều nơi xảy ra cháy lớn, nhưng không thể lấy được nước do các trụ cấp nước không hoạt động”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Khánh, để khắc phục tình trạng trên, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy; từng cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình phải xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy của mình, xác định rõ những nguy cơ dễ phát sinh cháy nổ để có phương án cứu hộ, cứu nạn; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những công trình nhà cao tầng phải được kiểm tra ngay từ đầu, đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy mới được đưa người dân vào ở.
Theo đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội), thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy lớn ở chung cư, nhà dân, đặc biệt vụ cháy lớn chưa từng có xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng. Quy định hiện nay chưa bảo đảm quyền lợi, đặc biệt là tính mạng, sức khỏe người dân.
Một số tòa chung cư xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, hoặc chưa có sự thẩm định của cơ quan chức năng nhưng đã cho cư dân vào sinh sống, không bảo đảm an toàn cũng như không phù hợp với quy định của pháp luật. Đại biểu Nguyễn Chiến cho rằng vấn đề này cần phải rà soát để bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật, lúc đó tính mạng sức khỏe của người dân mới được bảo đảm.
“Tôi tin rằng sau giám sát của Quốc hội về vấn đề này, sẽ có những biện pháp phù hợp để chúng ta lập lại trật tự bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy”, đại biểu cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho biết, một số địa phương, nhất là doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, cho thấy tính tự giác trong tuân thủ các quy định của pháp luật chưa cao. Các cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư trang thiết bị vật chất, hướng dẫn, tập huấn việc thực hiện phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu phân tích, trong quá trình tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập như: pháp luật về phòng cháy và chữa cháy chưa có những quy định điều chỉnh một số loại hình cơ sở mới phát sinh trong thực tiễn quản lý; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy chưa thống nhất; việc phân công trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quản lý hệ thống cấp nước chữa cháy công cộng chưa rõ ràng, cụ thể, còn chồng chéo, công tác quy hoạch và phát triển các đô thị phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa đồng bộ…
Các đại biểu cho rằng những vướng mắc, khó khăn trên đang là những thách thức đặt ra cho các cấp, các ngành nhất là với là lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện nay. Giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trên là một trong những yếu tố quyết định góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của đất nước…