Hà Nội luôn tìm kiếm, học hỏi các giải pháp để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa gây ra, trong đó có những bài học, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới.
Dự án giảm rác thải của TP Roubaix
Từ năm 2014, Hội đồng TP Roubaix (Pháp) đưa ra sáng kiến giúp đỡ các hộ gia đình giảm chất thải bằng cách lập kế hoạch và thay đổi thói quen mua sắm. Các hộ gia đình đăng ký số lượng rác thải và giữ mục tiêu giảm dần theo thời gian. Khoảng 500 gia đình tự nguyện giảm một nửa chất thải gia đình. Đổi lại, các hộ tham gia được giảm thuế thu gom rác thải. TP này cũng liên tục tổ chức các lễ hội không chất thải nhựa để tạo thói quen cho người dân. Khoảng 50 cửa hàng và nhà ăn ở các trường học đã hưởng ứng, tham gia tích cực, đạt hiệu quả.
Ông Ranel – Giám đốc dự án vùng Đông Nam Á của tổ chức ICLEI (Tổ chức chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững) chia sẻ: “Rất nhiều người dân của TP Roubaix khi nhìn thấy cửa hàng toàn đồ nhựa đã tự nhận thấy cách sống đang có vấn đề thực sự và họ thay đổi từ đó. Họ bắt đầu hành động từ việc hạn chế mua sắm đồ ở siêu thị, mua hàng với số lượng ít hơn, tự mang theo đồ đựng và tái sử dụng túi vải đi chợ. Không những vậy, nhiều hộ gia đình đã tự làm nước rửa bát, dầu gội đầu, kem đánh răng, sữa chua và mỹ phẩm, tiết kiệm được tiền bao bì dùng một lần. Nhờ đó, mỗi tháng, gia đình tiết kiệm từ 100 – 150 EUR, tương đương 2,5 – 4 triệu đồng”.
Cho đến nay, chiến dịch đã đạt được mục tiêu, các hộ gia đình giảm 80% lượng rác thải. Với những thành quả tích cực này, Roubaix đang được nhiều cộng đồng trong khắp nước Pháp học hỏi như một hình mẫu về giảm rác thải gia đình, tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Indonesia nỗ lực giảm 70% rác thải nhựa đến năm 2025
Indonesia là quốc gia vạn đảo với 70% lãnh thổ là nước, được mệnh danh là nhà máy sản xuất rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Đứng trước thách thức đó, một kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải giai đoạn 2018 – 2025 đã được đưa ra với nhiều sáng kiến, trong đó cấm sử dụng hoàn toàn nhựa một lần. Thay vào đó, người dân sử dụng các sản phẩm truyền thống của địa phương. Tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị và ngay cả chợ truyền thống ở Indonesia, người dân sẽ phải trả phí nếu muốn sử dụng túi ni lông.
Về kinh nghiệm thu gom rác, Indonesia đã triển khai chương trình quốc gia về xây dựng Làng thân thiện môi trường và Ngân hàng rác, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giảm phát thải. Người dân khuyến khích được mang rác vào Ngân hàng rác để đổi lấy tiền mặt, đồng thời cũng có thể làm gạch sinh thái từ giấy gói và chai nhựa. Đáng chú ý, giải pháp đổi chai nhựa lấy vé xe buýt gây tiếng vang lớn ở Surabaya, TP 2,9 triệu dân ở miền Bắc Indonesia. Có tới gần 16.000 người tới đổi rác nhựa lấy vé xe buýt mỗi tuần. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ cũng tích cực khuyến khích khách hàng không dùng loại túi ni lông và người tiêu dùng tập thói quen mang túi xách riêng khi đi mua sắm.
Không đứng ngoài cuộc, các công ty lớn tại Indonesia cũng có những hành động để giảm rác thải nhựa bằng cách thành lập Liên minh bao bì tái chế vì môi trường bền vững Indonesia. Hiện nay, tại Indonesia có 12 TP đã thành công trong việc xây dựng nhà máy điện năng lượng rác thải. Dự kiến, các nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay và đặt mục tiêu có thể sản xuất ít nhất 234 MW điện từ khoảng 16.000 tấn rác thải mỗi ngày trong giai đoạn 2019 – 2022. Đặc biệt, Indonesia sẽ áp mức thuế 200 rupiah (hơn 300 đồng Việt Nam) đối với mỗi chiếc túi nhựa nhằm giảm thiểu lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa.
Phong trào chống rác thải nhựa đang lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, từ châu Á đến châu Âu… với nhiều mô hình, hoạt động, sáng kiến. Đại diện tổ chức ICLEI cho rằng, Indonesia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam và xét về thực tế, Hà Nội cũng có thể áp dụng mô hình tương tự như vậy, góp phần hoàn thành được mục tiêu không rác thải nhựa trên địa bàn TP.