Quốc hội đã quyết định cần sửa đổi, bổ sung 2 dự án Luật quan trọng là Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020.
Chiều 11/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật Bảo vệ môi trường và dự án Luật Đất đai.
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, hoạch định chính sách.
Quản lý chặt chẽ, tháo gỡ các rào cản về chính sách
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết từ yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Quốc hội đã quyết định cần sửa đổi, bổ sung 2 dự án Luật quan trọng là Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp cùng các bộ, ngành tổng kết, đánh giá việc thi hành và khẩn trương tiến hành việc sửa đổi các dự án Luật. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 5/2020, dự kiến thông qua tại Kỳ họp tháng 10/2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn nhận được ý kiến của các đại biểu Quốc hội từ thực tiễn tại địa phương về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường để Bộ tập trung sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung 2 dự án Luật, đáp ứng thực tiễn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như nguyện vọng của nhân dân.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết, đối với dự án Luật Đất đai, quan điểm sửa đổi tập trung vào 3 mục tiêu lớn xuyên suốt là quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy được nguồn đất đai cho phát triển kinh tế; tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về chính sách đất đai, hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất để thúc đẩy phát triển; giải quyết, giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
Một số vấn đề được đưa ra xem xét sửa đổi, bổ sung gồm các nhóm chính sách lớn: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kinh tế, tài chính đất đai và phát huy nguồn lực đất đai; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất; chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc quản lý, sử dụng đất của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng (condotel, officetel…); rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan.
Góp ý vào dự án Luật Đất đai, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng hiện việc giải phóng mặt bằng ở một số nơi còn khó khăn nên cần có quy định để răn đe, xử lý quyết liệt.
Về dự án Luật Bảo vệ môi trường, để Luật được áp dụng có hiệu lực, hiệu quả, cần bổ sung các điều khoản xử phạt nặng các cá nhân vi phạm về môi trường, bởi nguyên nhân của sai phạm chủ yếu là do ý thức của người dân chưa cao.
Nêu quan điểm Luật Đất đai gắn với con người, cần tạo dựng cơ chế pháp lý, trong đó chú ý đến kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất tổng thể, ổn định lâu dài, đại biểu Trần Văn Mão, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá tác động quy hoạch; giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng: định giá đất để điều chỉnh hài hòa giữa các bên liên quan. Đối với đất sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần đánh giá, nghiên cứu cơ sở thực tiễn; đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan.
Kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, dự án Luật Bảo vệ môi trường được trình ra Quốc hội dự kiến sẽ tập trung xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về một số chủ trương, chính sách về quản lý môi trường; đánh giá tác động môi trường, khai báo, đăng ký hoặc cấp giấy phép về môi trường; kiểm soát chất ô nhiễm, nguồn phát sinh chất ô nhiễm, dòng thải chất ô nhiễm ra môi trường; quản lý chất thải rắn; chất lượng môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên; quy chuẩn kỹ thuật về môi trường…
Dự án Luật cũng hoàn thiện các quy định về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường; quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; hoàn thiện các công cụ kinh tế, cơ chế tài chính; khuyến khích thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; hoàn thiện các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ nêu quan điểm việc sửa đổi, bổ sung 2 dự án Luật là rất cần thiết, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức nhiều hội thảo tham vấn nhằm tiếp cận nhiều hơn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cấp, ngành, cơ quan quản lý và cử tri trong việc sửa đổi, bổ sung hai dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai có vai trò rất quan trong trong đời sống nhân dân nói riêng và sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung 2 dự án Luật trên phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các tác động để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực do sự thay đổi của chính sách, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Phạm vi điều chỉnh được xác định là chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 dự án Luật nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn trong quản lý Nhà nước về đất đai, tạo khung pháp lý để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đảm bảo sự thống nhất đồng bộ giữa Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường với các luật có liên quan.
Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ để hoàn thiện Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường, nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.