Ngày 11-9, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện nghiên cứu Thể chế và Thị trường Nông nghiệp và Viện chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức Lễ ra mắt sách chuyên khảo “Bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam thời kỳ hội nhập”.
Cuốn sách là một phần của dự án “Viết và xuất bản cuốn sách về bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam” do Chính phủ Australia tài trợ thông qua quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia.
Dựa trên các thông tin từ các cuộc điều tra chính thức của Tổng cục Thống kê, các nghiên cứu chuyên đề của một số viện nghiên cứu, trường đại học về lĩnh vực này, các tác giả đã tập hợp, phân tích, viết thành sách “Bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam thời kỳ hội nhập” do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành cuối tháng 10-2019.
Đây là một tài liệu nghiên cứu tổng hợp, mô tả tình hình nông dân Việt Nam về nhiều khía cạnh khác nhau như đời sống kinh tế, thể chất, xã hội và chính trị. Đồng thời, chỉ ra các cơ hội và thách thức của nông dân trong tương lai và đề ra một số khuyến nghị chính sách.
Cuốn sách đã chỉ ra rằng cư dân nông thôn Việt Nam là đối tượng chịu nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với người có sinh kế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Trong đó, các rủi ro lớn nhất là dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán, hỏa hoạn.
Trong số 6 loại rủi ro khác nhau, bao gồm: hỏa hoạn, bệnh dịch trên người, lũ lụt, bão, hạn hán và sâu bệnh trong nông nghiệp, khoảng 30% số xã được khảo sát đã bị ảnh hưởng ít nhất một loại rủi ro trong giai đoạn 2005-2016.
Tỉ lệ xã gặp ít nhất một rủi ro là thấp trong năm 2005, 2011 và 2014 trong khi con số này tăng gấp đôi trong những năm khác. Trong năm 2016, trong số những xã gặp ít nhất một rủi ro, tỉ lệ xã gặp một loại rủi ro trong năm chiếm 75,5% và tỉ lệ xã gặp hai loại rủi ro trong năm chiếm khoảng 16,7%.
Theo nghiên cứu của các tác giả viết sách, trong bối cảnh chung của hội nhập toàn cầu, người nông dân Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua quan hệ thương mại quốc tế, đầu tư và hợp tác đa phương. Bên cạnh đó, những biến động quốc tế cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp cũng như thương mại xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam.
Các yếu tố chính bao gồm: Thị trường nông sản quốc tế tăng; xu hướng thương mại trên thị trường thế giới thay đổi; các thể chế tài chính quốc tế siết chặt vấn đề nợ công; hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra trái chiều; cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ.
Trong nước, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, già hóa lao động, biến đổi khí hậu cũng tạo ra những thách thức không nhỏ tới tương lai của nông dân.
Theo các tác giả cuốn sách, muốn nắm bắt được những cơ hội và vượt qua thách thức, nhà nước phải đạt được những đột phá quan trọng trong chủ trương, đường lối, chinh sách trên lĩnh vực Tam nông, phải đổi mới được mô hình tăng trưởng.
Các tác giả khuyến nghị phải đổi mới tổ chức sản xuất, áp dụng chính sách hỗ trợ đột phá để khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng hợp tác xã kiểu mới; đổi mới tổ chức quản lý các ngành hàng nông sản, hình thành Ban điều phối ngành hàng.
Bên cạnh đó, cần tận dụng lao động nông thôn trong giai đoạn cửa sổ vàng tuổi dân số còn mở; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Đồng thời, phải xây dựng cơ chế giảm thiểu, chia sẻ rủi ro với hộ nông dân qua chính sách bảo hiểm nông nghiệp, quỹ tự nguyện, xây dựng nông thôn mới.
Một khuyến nghị nữa là cần đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn phát triển đô thị và nông thôn.