Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, bão số 6 di chuyển theo hướng tây, sau đó đổi hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10 đến 15 km.
Đến 19 giờ hôm nay (10-11), vị trí tâm bão ở cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh là phía bắc vĩ tuyến 11,0 độ vĩ bắc.
Trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10 đến 15 km, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8 đến 9, giật cấp 11, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, tiếp đó là một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp không khí lạnh, cho nên khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 8 đến 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 đến 11, giật cấp 14. Sóng biển cao 6 đến 8 m; biển động dữ dội.
Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7 đến 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9 đến 10, giật cấp 13, sóng biển cao từ 4 đến 6 m.
Biển động rất mạnh.Từ chiều tối nay (10-11), trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6 đến 7, vùng gần tâm bão cấp 8 đến 9, giật cấp 11. Các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đề phòng nước biển dâng kết hợp thủy triều cao 1,5 đến 2,5 m.
* Do ảnh hưởng của bão số 6, từ nay đến ngày 12-11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực như sau: Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắk Nông, Lâm Đồng từ 100 đến 150 mm; Bình Định đến Khánh Hòa từ 200 đến 300 mm, cục bộ có nơi hơn 300 mm; khu vực Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk 100 đến 200 mm.
* Từ đêm 9 đến 12-11, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đợt lũ này, mực nước các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, nam Khánh Hòa, bắc Tây Nguyên lên mức BĐ 1, BĐ 2; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, bắc Khánh Hòa lên mức BĐ 2, BĐ 3 và trên BĐ 3. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên; riêng tại tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng và ảnh hưởng an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.
* Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT), các địa phương Nam Trung Bộ đã lên kế hoạch di dời 41.164 hộ dân (168.918 người) tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất. Trong đó, Quảng Ngãi di dời 13.227 hộ dân (47.883 người); Bình Định 14.456 hộ dân (68.006 người); Phú Yên 5.565 hộ dân (19.331 người); Khánh Hòa 7.916 hộ dân (33.698 người). Riêng tỉnh Phú Yên đã di dời 62 hộ dân huyện Tây Hòa.
* Theo Tổng cục Thủy lợi, tại khu vực Nam Trung Bộ có 58 hồ hư hỏng và đang sửa chữa; 11 vị trí đê kè biển xung yếu; hai tuyến kè biển đang thi công dở dang cần theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi mực nước đã đạt 80 đến 90% dung tích; năm hồ thủy lợi đang xả tràn; 64 hồ hư hỏng và đang sửa chữa. Tổng cục Thủy lợi đã ban hành công điện gửi các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên về việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng cho cây trồng.
* Sáng 9-11, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thành lập ba sở chỉ huy bổ trợ và hai đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão số 6 trên địa bàn hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân khu đã huy động hơn 24.300 cán bộ, chiến sĩ cùng 562 ca-nô, xuồng ứng phó bão số 6. Ngoài ra, các đơn vị cũng chuẩn bị 638 ô-tô các loại và 26 xe đặc chủng, xe chỉ huy, xe thông tin để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, lũ.
* Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn cùng với các lực lượng trên huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã giúp đỡ 147 tàu cá, với 1.479 ngư dân vào các âu tàu tại huyện đảo Trường Sa tránh bão số 6. Cán bộ, nhân viên ở đảo Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa và Song Tử Tây đã hướng dẫn các tàu cá vào tránh, trú tại lòng âu tàu, bảo đảm an toàn; tạo điều kiện tốt nhất để bố trí chỗ ăn, nghỉ cho ngư dân.
* Ngày 9-11, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam kiểm tra việc neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão tại Cửa lở An Hòa, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, công tác phối hợp giữa Ban Chỉ huy quân sự huyện với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà trong việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất trang bị kỹ thuật, lương thực, thực phẩm sẵn sàng ứng phó bão số 6. Hiện nay, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam đã thiết lập 3 sở chỉ huy tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
* Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các ban, ngành tập trung liên lạc, thông báo, kiểm đếm, sắp xếp tàu thuyền. Tổ chức di chuyển, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản. Rà soát phương án sẵn sàng di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở trên biển, trên đảo và tại khu vực xung yếu về lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt… Các tàu đánh bắt thủy sản, các tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác không được ra khơi kể từ 12 giờ hôm nay (10-11); ngưng hoạt động cáp treo Vinpearl kể từ 18 giờ cùng ngày. Các ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè trên biển bắt buộc phải vào bờ trước 15 giờ ngày 10-11 cho đến khi hết bão.
Đến chiều 9-11, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã di dời gần 40 nghìn lồng bè nuôi thủy sản đến nơi tránh trú bão số 6 an toàn. Theo kế hoạch, chậm nhất đến 8 giờ hôm nay (10-11), tất cả lồng bè của huyện sẽ được di dời đến nơi an toàn và gia cố chặt chẽ. Người lao động làm việc trên lồng bè, chậm nhất đến 10 giờ cùng ngày phải vào bờ.