Các doanh nghiệp quản lý kinh doanh rừng tự nhiên, rừng trồng không khá lên và có cảm giác như đang vào ngõ cụt. Lý do ở đây là không quản lý, bảo vệ nổi diện tích, chất lượng rừng, thu nhập thấp, đời sống khó khăn…
Cha ông ta đã tự hào rằng “Rừng vàng biển bạc” và quả có sai đâu! Trước khi thống nhất đất nước (30.4.1975), đất nước ta đâu đâu cũng có rừng xanh che phủ. Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long với rừng sát – một kiểu rừng ngập nước nhiệt đới, phủ kín vùng châu thổ phì nhiêu. Rừng cả vùng Đông Nam Bộ với cây họ dầu, bằng lăng bạt ngàn. Rừng Tây Nguyên vô tận, đặc biệt là gần 1 triệu hecta rừng khộp: một đặc hữu sinh thái hiếm có trên trái đất này… Rồi cả dãy Trường Sơn từ Bắc Trung Bộ vào tới Bắc Tây Nguyên với dải rừng trùng trùng điệp điệp, rừng lá rộng thường xanh, mưa mùa, nhiệt đới. Ra tới Việt Bắc, Tây Bắc… đâu đâu cũng có rừng che phủ. Độ che phủ rừng tự nhiên khi đó có lẽ trên 40 – 45% đất nước.
Rừng đóng góp vô cùng quý giá cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, tâm linh… Ngành lâm nghiệp đã phát triển góp cho quốc kế dân sinh tới 5 – 6% GDP với hàng trăm lâm trường quốc doanh, 13 liên hiệp lâm nông công nghiệp đã tồn tại, đóng góp nhiều cho xã hội, nhân dân, đất nước… Do cơ chế không phù hợp: quan liêu bao cấp, kế hoạch hóa tập trung, phương thức kinh doanh rừng chưa khoa học, hằng năm chúng ta khai thác gỗ theo phương pháp chặt chọn thô, theo cấp kính, chế biến gỗ lạc hậu bằng cưa xẻ gây lãng phí tài nguyên rừng vô kể. Sản phẩm chủ yếu là gỗ tròn, gỗ xẻ, ván sàn xuất khẩu, ít đồ mộc gia dụng… Do phá rừng làm nương rẫy, do chuyển đổi ào ạt rừng sang làm các nông trường cà phê, cao su, mía, đào lộn hột và trồng lúa cho mục tiêu 21 triệu tấn lương thực; do di dân kinh tế mới có tổ chức, đặc biệt là di dân tự do, do phát triển thủy điện như vũ bão, bất chấp lời cảnh báo của các nhà khoa học lâm sinh… nên môi trường hàng triệu hecta rừng tự nhiên, nguyên sinh quý giá đã biến mất.
Hiện tại độ che phủ rừng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn là khoảng 39 – 40%, trong đó phần rừng trồng có thể đã chiếm hơn một nửa rồi. Hiện tại cơ cấu diện tích độ che phủ tổ thành loài cây và kết cấu rừng, tổ chức kinh doanh rừng của Việt Nam đã thay đổi.
1. Diện tích rừng tự nhiên đã thu hẹp tới mức thấp nhất
Thấp tới mức có thể là mức cực tiểu không thể thu nhỏ hơn được nữa. Chỉ còn lại rừng tự nhiên ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…
Diện tích rừng trồng đang chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Đó có lẽ là một quy luật khách quan.
Rừng tự nhiên thuộc các lâm trường hay công ty lâm nghiệp đã thu hẹp cả diện tích, thành phần đa dạng sinh học, lẫn trữ lượng, sản lượng. Không còn có thể khai thác rừng tự nhiên nữa. Nếu còn thì cũng rất ít gỗ, các lâm sản ngoài gỗ được khai thác hàng năm… Khái niệm giá trị rừng tự nhiên chỉ còn là sinh thái, là môi trường cảnh quan và phòng hộ, du lịch và bảo vệ nguồn gien bảo vệ đa dạng sinh học.
Mô hình kinh doanh rừng ở Việt Nam đã thay đổi.
2. Khoa học công nghệ đã thay đổi với các vật liệu mới thay thế gỗ rừng tự nhiên bằng gỗ rừng trồng, bằng vật liệu tổng hợp
Thế giới đã tập trung sang khai thác rừng trồng sản xuất giấy, ván nhân tạo, ván hỗn hợp gỗ với các phụ gia khác là tất yếu khách quan, và xuất hiện khái niệm mới “KINH DOANH MÔI TRƯỜNG RỪNG”.
3. Trên toàn cầu chỉ còn ít khu vực khai thác kiệt rừng tự nhiên theo phương thức khai thác chọn theo cấp kính như ở châu Phi, Nga, Nam Mỹ… Các quốc gia trong khối ASEAN có lượng khai thác gỗ rừng tự nhiên gần như đã giảm tới mức báo động. Các nước nhiều rừng tự nhiên như Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia… đã hết khả năng khai thác nhiều gỗ tròn như trước nữa, đã hạn chế và tiến tới đóng cửa rừng tự nhiên!
4. Ngành chế biến gỗ (đồ mộc) của Việt Nam đang phát triển rất mạnh do hằng năm nhập gần 10 triệu mét khối gỗ tròn từ châu Phi và các quốc gia khác vào chế biến hàng mộc xuất khẩu. Rừng trồng đã thay thế, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ từ nguồn nguyên liệu nội địa ra sản phẩm chủ yếu là dăm gỗ xuất khẩu và ván MDF, viên nén năng lượng RDF với khối lượng gần 20 triệu tấn/năm. Nguồn ngoại tệ thu về nhờ công nghiệp gỗ lên tới gần 10 tì đô la Mỹ/năm… và còn tiếp tục tăng lên tới 15 – 20 tỉ đô la Mỹ/năm. Đó là tin vui, là thành công. Nhưng thách thức cũng rất lớn vì khả năng nhập khẩu gỗ tròn rừng tự nhiên sẽ giảm dần tới mức bằng KHÔNG!
Nếu cứ xuất khẩu dăm với công nghệ đơn giản thô sơ giá rẻ mạt như hiện nay, trong khi năng suất sinh khối rừng trồng không gia tăng thì Nhà nước, người trồng rừng và ngay cả người chế biến dăm, viên nén cũng không còn có lợi nhuận cao nữa. Đó cũng là THÁCH THỨC!
5. Các doanh nghiệp quản lý kinh doanh rừng tự nhiên, rừng trồng không khá lên và có cảm giác như đang vào ngõ cụt. Lý do ở đây là không quản lý, bảo vệ nổi diện tích, chất lượng rừng, thu nhập thấp, đời sống khó khăn… Nghĩa là không khá lên, giàu lên trong kinh doanh rừng và chịu quá nhiều áp lực pháp lý, kinh tế, xã hội và tương lai mô hình các công ty nhà nước về lâm nghiệp đã lỗi thời, chưa có hướng phát triển… Đó cũng là một THÁCH THỨC.
6. Hệ thống các khu vườn quốc gia cũng đứng trước nhiều thách thức, áp lực về bảo vệ nguyên vẹn diện tích, kết cấu rừng nguyên sinh vì mục tiêu bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của các đặc hữu sinh thái rừng, các ưu hợp, tổ hợp, quần xã của rừng nguyên sinh và đa dạng sinh học vì cơ chế chính sách với các khu rừng đặc dụng không có nhiều đổi mới phù hợp với xu thế thời đại và công nghệ. Nghe đâu đang có việc chuẩn bị giao các vườn quốc gia lớn, khu bảo tồn thiên nhiên về cho các địa phương mà không còn do Trung ương quản lý nữa!
Với những điều như trên, tôi muốn có một số đề xuất như sau:
1. Cần nghiên cứu sớm sửa đổi, thay thế Luật Bảo vệ phát triển rừng, theo hướng không chia rừng ra 3 loại theo tác dụng tương đối của rừng: Rừng đặc dụng, Rừng phòng hộ, Rừng kinh tế nữa mà chia ra 2 loại rừng theo sở hữu là Rừng nhà nước (quốc gia) và Rừng của dân.
2. Sửa đổi thêm Luật Đất đai để thay đổi phương thức, cơ chế vận hành kinh doanh của các công ty lâm nghiệp theo đúng vai trò họ là chủ rừng. Thậm chí bỏ vai trò quốc doanh trong các công ty lâm nghiệp hiện nay bằng cơ chế: định giá rừng, đất rừng, khả năng kinh doanh sinh lời của các không gian đất rừng đó mà cho thuê mặt bằng rừng từ 50 – 70 năm; thậm chí tổ chức đấu giá rừng và đất rừng có thời hạn cho mọi thành phần kinh tế khai thác… Tiền đấu giá dùng để hình thành và duy trì “Quỹ Bảo vệ phát triển rừng”.
3. Không khuyến khích xuất khẩu dăm gỗ, mà khuyến khích bằng các chính sách xây dựng kinh doanh ván nhân tạo MDF, HDF, viên nén RDF, giấy, ván hỗn hợp… Có lộ trình tiến tới cấm xuất khẩu dăm gỗ.
4. Có chính sách cho các tổ chức nghiên cứu thử nghiệm tạo giống cây mọc nhanh, sinh khối tăng trưởng lớn, cải tạo đất. Tạo vùng nguyên liệu là rừng trồng nguyên liệu ván công nghiệp, đặc sản rừng và dược liệu cho nền công nghiệp rừng Việt Nam trong tương lai, phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng vốn trong dân. Không dùng tiền ngân sách chi cho trồng rừng, mà trồng rừng bằng vốn xã hội hóa (thế giới đã đúc kết không ai nghèo đi trồng rừng cả, chỉ có người giàu mới trồng rừng. Chúng ta chưa thành công trong chương trình trồng rừng 327, chương trình 5 triệu hécta rừng của Quốc hội). Làm như vậy sẽ góp phần đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa về với nông thôn, miền núi…
Nên coi cây cao su, cây điều như cây rừng: vừa cho mủ, cho hạt, vừa có khả năng phòng hộ, phủ xanh đất núi đồi trọc, cho một sản lượng gỗ rất lớn hàng trăm ngàn mét khối gỗ/năm. Chúng ta đã có những nhà máy gỗ cao su công suất 400.000 khối ván MDF/năm; có những xưởng bóc ván, đồ mộc từ gỗ cây đào lộn hột (có thể xây dựng nhà máy ván sợi MDF từ gỗ điều). Trên 800.000 hécta cao su, trên 150.000 hécta cây điều… là gần 1 triệu hecta rừng trồng công nghiệp rồi. Phải có chính sách với hai rừng trồng này phù hợp.
5. Với rừng đặc dụng cũng phải nghiên cứu các cơ chế chính sách ở các quốc gia thành công, có điều kiện tương đồng và mạnh dạn áp dụng vào Việt Nam. Kiên quyết giữ bằng được hệ thống rừng này. Không nên giao về địa phương quản lý tất cả.
6. Với rừng phòng hộ, tùy theo điều kiện khí hậu thời tiết, vị trí địa lý và tác dụng phòng hộ mà có chính sách tương thích. Kêu gọi và trả thù lao cho cá nhân, tập thể doanh nghiệp tham gia gây trồng, bảo vệ rừng phòng hộ một cách thỏa đáng để họ có thể sống tốt, làm giàu từ công việc kiến tạo bảo vệ rừng phòng hộ… Ngoài các biện pháp đã có, tôi xin hiến một kế vè chọn loại cây trồng cho rừng phòng hộ: CHỌN CÁC LOÀI CÂY ĐỐI LẬP VỚI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG CỦA CON NGƯỜI: Đa, si, sộp, gạo, gòn, sanh, sung, vả, ngái, bồ đề, ngô đồng… – những cây sống hàng trăm năm tuổi và gỗ hoặc các sản phẩm của nó không mấy ai dùng cả thì họ sẽ không phá, không chặt. Như vậy, rừng phòng hộ sẽ tác dụng và bền lâu.
Tôi cho rằng cần phải luật hóa và nghiên cứu tìm thêm các loài cây che bóng chắn gió cho những cánh đồng, những lô cà phê, chè… có tính năng, tác dụng chắn gió cải tạo đất cho các vùng chuyên canh rộng lớn. Như người Pháp đã đưa cây muồng đen (Senna siamea) vào che bóng cà phê, vừa làm chức năng che bóng, chắn gió, vừa cải tạo tăng độ phì cho đất, cải thiện kết cấu đất, mà cuối cùng cho gỗ rất tốt rất đẹp, gỗ nhóm 1.
7. Phải đưa công nghệ cao tiến tiến GIS, GPS, nuôi cấy mô hom, tế bào, đột biến gien, phân tử vào trong tạo giống cây rừng, các công nghệ cao tiên tiến, sạch, an toàn sản xuất ván nhân tạo: HDF, MDF, RDF… vào quản lý, kinh doanh rừng và phải tiết kiệm tài nguyên rừng. Phải chỉ đạo mạnh mẽ và tổ chức thực hiện việc cấp chứng chỉ FSC cho rừng trồng như thông lệ quốc tế.
8. Cuối cùng là tổ chức lại hệ thống trường đào tạo, viện, trung tâm nghiên cứu rừng và ngành rừng theo các tiêu chí định hướng trên thế giới. Hợp tác mạnh mẽ, sâu rộng có hiệu quả với đối tác quốc tế về rừng và ngành lâm nghiệp.
Trên đây là một số thiển ý của tôi cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và làm ăn nghề rừng tham khảo. Tôi rất mong có nhiều ý kiến phản biện.
TS Nguyễn Văn Lạng
(Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)