Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong nội dung của Luật Đầu tư, đặc biệt là Luật Điện lực có một điều khoản quy định là nhà nước độc quyền trong truyền tải điện. Điều này dẫn đến chúng ta không chủ động để đa dạng hóa được mô hình đầu tư của xã hội trong các hệ thống truyền tải điện nhằm đảm bảo nâng cao năng lực giải tỏa công suất và hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án nhà máy điện mặt trời kết hợp đường dây truyền tải vào quy hoạch điện quốc gia.
Dự án điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam kết hợp đầu tư trạm biến áp 500kV và đường dây đấu nối công suất 450 MW của Công ty Đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện. Đây là dự án đầu tư truyền tải điện đầu tiên của một doanh nghiệp tư nhân.
Trong phiên chất vấn sáng nay (7/11), bà Vũ Thị Lưu Mai – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách tranh luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về đề xuất này. Theo bà, việc Bộ Công Thương ủng hộ Tập đoàn Trung Nam đầu tư đường dây 500 kV cần cân nhắc “vì trái pháp luật, Luật Đầu tư, Đấu thầu và Luật Điện lực”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong nội dung của Luật Đầu tư, đặc biệt là Luật Điện lực có một điều khoản quy định là nhà nước độc quyền trong truyền tải điện. Vì những nội dung trong luật Điện lực và cả điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực về điện lực thì cũng quy định vai trò độc quyền của nhà nước nên dẫn đến chúng ta không chủ động để đa dạng hóa được mô hình đầu tư của xã hội trong các hệ thống truyền tải điện nhằm đảm bảo nâng cao năng lực giải tỏa công suất và hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Theo Bộ trưởng Công Thương, Bộ đã rà soát lại và thấy rằng còn có những điều kiện để chúng ta vận dụng pháp luật với sự cho phép của Quốc hội cho phép giải thích từ ngữ. Ví như “độc quyền truyền tải điện” thì có thể bao hàm nghĩa là nhà nước chủ quản quản lý hệ thống truyền tải điện đó và việc vận hành hệ thống điện đó để đảm bảo vai trò của nhà nước trong đảm bảo nền tảng an ninh năng lượng. Còn việc đầu tư cho các công trình truyền tải điện thì chúng ta có thể xem xét nếu như có hướng dẫn từ ngữ pháp luật thì chúng ta hoàn toàn có thể là tách khái niệm của đầu tư cho các công trình nhất định trong hệ thống truyền tải điện để đảm bảo có cơ hội cho các thành phần kinh tế khác trong xã hội tham gia đầu tư.
“Chính vì vậy, chúng tôi cũng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là phải tiếp tục nghiên cứu những phương án để giải quyết được những vấn đề tồn tại hiện nay của hệ thống truyền tải điện của chúng ta vốn bị phụ thuộc quá lớn vào nguồn ngân sách nhà nước và nguồn lực của Tập đoàn Điện lực Quốc gia.
Chúng tôi cũng xin báo cáo với Quốc hội đây là ý kiến của Bộ Công Thương chứ Chính phủ cũng chưa có ý kiến chính thức. Tuy nhiên, để tính toán phương án lâu dài thì hoặc là chúng ta phải sửa Luật Điện lực và Luật Đầu tư để độc quyền trong truyền tải điện của nhà nước giới hạn trong mức độ để đảm bảo an ninh chung, còn những đầu tư thì có thể đa dạng hơn”, Bộ trưởng nói.
Theo người đứng đầu ngành công thương, giải pháp thứ hai mà chúng ta vẫn đang làm, đó là truyền tải điện cho các nhà đầu tư có thể tham gia thì có thể dưới hai hình thức: Một là sửa luật. Hai là trong các dự án phát triển nguồn thì trong các thông tư hướng dẫn và thực hiện Luật Điện lực thì có phương án về đấu nối và trong đó các đường dây, các trạm để đảm bảo cho truyền tải công suất của các nhà máy đến các hệ thống điện quốc gia, các điểm đấu nối của hệ thống điện quốc gia… thì có thể được tính như là những hệ thống đầu tư trong dự án của các nhà đầu tư.
“Trong trường hợp tương tự như vậy, chúng tôi báo báo với Quốc hội và đại biểu Vũ Thị Lưu Mai là câu chuyện của dự án đường dây 500kV của nhà đầu tư tư nhân thì đang được vận dụng trong góc độ hệ thống đường dây phục vụ cho việc truyền tải và phương án đấu nối của nhà máy điện này với hệ thống truyền tải điện quốc gia chứ không vượt lên luật.
Còn về phương án lâu dài thì như chúng tôi đã nêu ở trên. Khi đó, có thể sẽ có câu chuyện hướng dẫn cho doanh nghiệp đầu tư xã hội dưới hình thức đầu tư rồi bàn giao, chuyển giao lại cho nhà nước quản lý”, Bộ trưởng giải trình thêm.