Tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo quy hoạch thành lập 16 cụm công nghiệp, làng nghề sản xuất tập trung với tổng diện tích quy hoạch là 344ha để từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Những năm gần đây, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, đặc biệt là giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động nông nhàn tại địa phương.
Tuy nhiên, đi đôi với những làng nghề phát triển là tình trạng ô nhiễm môi trường, xâm lấn đất đai làng nghề ngày càng ở mức báo động.
Môi trường bị hủy hoại
Làng nghề Tề Lỗ (huyện Yên Lạc) có 300 đến 400 bãi “mổ” ôtô, xe cơ giới lớn nhỏ, trong đó có gia đình có tới 2 đến 3 bãi.
Cả làng nghề Tề Lỗ luôn có hàng chục ngàn chiếc xe ôtô cùng các loại máy xúc, máy ủi, xe cẩu… nằm la liệt chờ tháo dỡ để phân loại phụ tùng, chi tiết còn tốt mang bán lại cho các cơ sở sửa chữa, gia công.
Sau thời gian tháo dỡ vài tuần hoặc vài tháng, các loại sơn bị bong tróc, gioăng cao su, xăm lốp, nhựa mềm và nhựa cứng, dầu nhớt trong máy….thải ra ngoài với số lượng lớn.
Tất cả các chất thải không có khả năng tái chế này thường được người dân tìm cách đốt hủy hoặc vứt ra môi trường. Do đó nhiều khu đất trống, kênh mương, ao, hồ… trên địa bàn ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Anh T – một người dân làm nghề tháo dỡ xe ở xã Tề Lỗ cho hay mỗi ngày các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã thải ra môi trường hàng tấn chất thải như sơn, dầu, kính, nhựa, cao su từ các loại máy móc, động cơ.
Các sản phẩm này chỉ được thu gom một phần và chủ yếu mang đến các khu ruộng đồng, kênh mương ven các làng, xóm để đốt hủy.
Việc đốt hủy những phế thải trên gây ô nhiễm không khí, nhất là cao su, nhựa chứa dầu, hóa chất cháy tạo ra mùi rất khó chịu.
Nhiều người dân rất bức xúc trước việc đốt hủy chất phế thải nhưng không lên tiếng đấu tranh, phản ánh bởi sợ mất tình họ hàng, tình làng xóm…
Bên cạnh nghề tháo dỡ xe ôtô, các loại phương tiện cơ giới ở huyện Yên Lạc còn có những làng nghề liên quan đến thu mua phế liệu, tái chế nhựa, gây ô nhiễm môi trường.
Đã từ lâu, nghề thu gom và tái chế nhựa phế liệu ở thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng (Yên Lạc) trở thành nghề mang lại nguồn thu nhập chính và giải quyết việc làm cho người dân ở địa phương.
Song, tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lo ngại cho chính những người dân nơi đây.
Thôn Đông Mẫu luôn tấp nập, nhộn nhịp người-xe đến để buôn bán, vận chuyển hàng phế liệu, tiếng máy xay, máy nghiền nhựa ầm ĩ cả ngày lẫn đêm.
Hầu hết các loại nhựa phế liệu ở làng này được thu mua từ các đại lý cân sắt vụn về sơ chế và sản xuất các sản phẩm nhựa tái chế.
Sản phẩm từ nhựa tái chế đa phần xuất đi thị trường Trung Quốc và một số tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên…
Đông Mẫu hiện có 400 hộ với 2.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 200 hộ chuyên kinh doanh, sản xuất, thu mua, tái chế phế liệu nhựa.
Trong thôn cũng có trên 100 đầu máy nghiền nhựa. Việc phát triển nghề tái chế nhựa đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân địa phương, do sản xuất ngay trong thôn xóm xen giữa nhà ở của người dân.
Mùi nhựa xay bốc ra thường xuyên, nước rửa nhựa thải ra môi trường quá lớn, hệ thống cống rãnh quá tải, một số khu vực nước thải ứ đọng gây ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt…
Các làng nghề ở huyện Yên Lạc phát triển nhanh hơn quy hoạch, chưa thu gom và xử lý chất thải, nước thải là những nguyên nhân chính khiến môi trường ô nhiễm nặng nề.
Hiện các chỉ số, thông số ở nhiều làng nghề chưa được ngành chức năng ở Vĩnh Phúc đánh giá tổng thể, chính xác khách quan.
Tuy nhiên, bất cứ ai đến các làng nghề kể trên đều thấy việc ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, đến sức khỏe công cộng. Ở đâu cũng có các loại chất thải độc hại.
Chất thải khó phân hủy chất đống, nhất là các đường lớn, ngõ nhỏ bị chất thải lấn chiếm vô tội vạ. Không ít thời điểm thời tiết thay đổi, mùi hôi, mùi khét nồng nặc khắp nơi; các ao hồ, kênh mương đen đặc nước thải.
Nhiều nơi trong làng nghề tháo dỡ xe, ánh lửa hàn cắt kèm theo khói hàn, cùng tiếng búa, đe, tiếng kim loại va đập gây ồn ào suốt ngày… ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.
Đất đai bị xâm lấn
Việc phát triển làng nghề ở Yên Lạc do thiếu quản lý, giám sát, không quy hoạch kịp thời cũng gây ra tình trạng xâm lấn đất đai trái phép.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Yên Lạc, đến tháng 8/2019, trên địa bàn huyện có 253 trường hợp lấn đất với tổng diện tích trên 32.400m2; 6 trường hợp chiếm đất với diện tích 810m2; 649 trường hợp sử dụng đất sai mục đích có diện tích gần 140.400m2.
Cùng với đó, Yên Lạc có 870 trường hợp giao đất trái thẩm quyền với diện tích gần 257.150m2 và 20 trường hợp đã thu tiền sử dụng đất nhưng chưa giao đất.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận người dân, tổ chức và doanh nghiệp chưa cao; một số địa phương không mạnh tay xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ngay khi mới phát sinh vi phạm nên việc xử lý, lấy lại hiện trạng đất đai ban đầu rất khó khăn.
Nhiều hộ, tổ chức, doanh nghiệp đã tự ý xây dựng nhà xưởng, các công trình kiên cố trên đất vi phạm, điển hình là các địa phương có làng nghề phát triển…
Xã Tề Lỗ hiện có 95 trường hợp vi phạm Luật Đất đai với diện tích hàng chục nghìn mét vuông.
Trong đó có 45 trường hợp sai phạm từ trước ngày 1/7/2004; 24 trường hợp sai phạm từ ngày 1/7/2004 đến 1/7/2014; 13 trường hợp xảy ra từ năm 2014 đến 30/9/2018.
Từ cuối tháng 9/2018 đến nay có 24 trường hợp vi phạm mới với hơn 4.500m2, chủ yếu tại 2 thôn Giã Bàng, Nhân Lý, Tỉnh lộ 303, Quốc lộ 2C đoạn qua địa phận xã Tề Lỗ.
Xã đã phối hợp xử lý nhiều trường hợp và đang tiếp tục giải quyết hàng chục trường hợp khác.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tề Lỗ: “Toàn xã hiện có hơn 540 hộ kinh doanh, buôn bán máy xúc, máy ủi, trong đó có hơn 300 hộ đã được quy hoạch vào cụm công nghiệp Tề Lỗ. Nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh vẫn rất lớn và hiện còn gần 200 hộ chưa được quy hoạch vào cụm công nghiệp, đang loay hoay tìm nơi tập kết hàng hóa.”
Lời giải cho bài toán khó
Những năm gần đây, Tề Lỗ luôn duy trì tốt hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Vệ sinh môi trường, thường xuyên quan tâm tuyên truyền, nhắc nhở và lập biên bản xử phạt đối với nhiều hộ có hành vi đốt dây đồng, chất thải làm phát sinh khí thải độc hại, do đó tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động này đã giảm …
Để phục vụ cho công tác thu gom đạt hiệu quả, năm 2018, xã giải phóng mặt bằng và đưa vào sử dụng 2 bãi rác thải tập trung với tổng diện tích 4.400 m2 thay thế cho bãi rác Đồng Soi phải đóng cửa phục vụ cho dự án đường vành đai 3.
Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác triệt để sau tận thu phế liệu ở Tề Lỗ vẫn là bài toán chưa có lời giải bởi các hộ làm nghề đông, phân tán, thu gom khó, giá thành xử lý đắt.
Theo thống kê, năm 2018, doanh thu từ lĩnh vực thương mại-dịch vụ của Tề Lỗ đạt hơn 320 tỷ đồng, chiếm gần 52% tổng giá trị sản xuất của địa phương, song, lượng rác thải từ hoạt động kinh doanh phế liệu, ngành nghề chủ lực trong thương mại-dịch vụ của Tề Lỗ hiện nay lại khó có thể đo đếm được.
Ông Nguyễn Công Võ – Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc, cho biết trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng 2 nhà máy xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch được phê duyệt.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương trong tỉnh lập đề án, kế hoạch, phương án quản lý giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đã được phê duyệt.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn thông thường; hướng dẫn trình tự, thủ tục, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến công tác bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp để địa phương có cơ sở căn cứ xử lý tình trạng rác thải.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo quy hoạch thành lập 16 cụm công nghiệp, làng nghề sản xuất tập trung với tổng diện tích quy hoạch là 344ha để từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư; ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải, nước thải.