“Một tương lai không chắc chắn là lý do để hành động, không phải để chờ đợi thêm”, các chuyên gia Mỹ nêu quan điểm về việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngày 29/10, tại hội nghị lần thứ hai trong sáu hội nghị về biến đổi khí hậu được tổ chức trong năm học này, bảy chuyên gia trong nhiều lĩnh vực từ khoa học xã hội, tự nhiên đến kinh tế, quốc phòng khắp Hoa Kỳ đã thảo luận tại MIT về “những thách thức của chính sách khí hậu”.
Được điều hành bởi Richard Schmallensee, giáo sư quản lý và giáo sư kinh tế danh dự Trường Quản lý MIT Sloan (Trường Kinh doanh của Viện Công nghệ Massachusetts, tại Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ), các thành viên hội thảo đã thảo luận về các tác động xã hội do biến đổi khí hậu; các loại thích ứng có thể giúp mọi người đối phó với các tác động này/ hạn chế tác hại kinh tế và thể chất; và các giải pháp khả thi cho các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội ảnh hưởng đến các phản ứng của thế giới đối với vấn đề cấp bách này.
Một mệnh lệnh đạo đức, sinh thái và kinh tế
Susanne Moser, chuyên gia về thích ứng với biến đổi khí hậu, giám đốc tổ chức Susanne Moser Research and Consulting chuyên nghiên cứu khoa học xã hội về biến đổi khí hậu, cho biết biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực của xã hội. Mặc dù vẫn còn những yếu tố không chắc chắn về tốc độ và mức độ biến đổi khí hậu, “sự không chắc chắn là một lý do để hành động chứ không phải chờ đợi”, Moser nói.
Moser nhận định: “Hầu hết các chương trình [ứng phó biến đổi khí hậu] còn rất yếu ớt, chỉ là phản ứng. Ở đó, không có tầm nhìn thống nhất, không có thỏa thuận nào về các ưu tiên công bằng xã hội, và có một sự bình thản đáng ngạc nhiên”.
Bà nhấn mạnh, ngay cả hầu hết các trường đại học cũng chưa cung cấp thông tin đầy đủ và dễ tìm về những nỗ lực của họ đối với việc thích ứng biến đổi khí hậu, hoặc các chương trình cho sinh viên chuyên về lĩnh vực đó. “Bạn gần như không thể tìm thấy nó trên trang web của họ”, Moser nói.
Một số người sợ rằng nhấn mạnh vào thích ứng có thể khiến mọi người chủ quan hoặc không còn cảm thấy cần giảm bớt khí nhà kính, vì họ nghĩ đã có các kế hoạch để thích ứng với biến đổi khí hậu. Moser không cho rằng như vậy: “Chúng tôi đã nghiên cứu về điều đó và thấy điều ngược lại mới là đúng”. Khi mọi người thấy các quá trình thích ứng khó khăn và tốn kém như thế nào so với các biện pháp giảm phát thải, thì “họ nhận ra rằng giảm [phát thải] là một món hời”, và động lực của họ để giải quyết vấn đề đó thực sự tăng lên.
Andrew Steer, chủ tịch và giám đốc điều hành của Viện Tài nguyên Thế giới, kêu gọi: “Hãy nghiêm túc về thích ứng biến đổi khí hậu, như thể cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào nó”.
Ông nói rằng mọi người cần bắt đầu nghiêm túc tìm cách ứng phó với năm lĩnh vực quan trọng khác nhau của sự thay đổi toàn cầu: nhiệt độ cao hơn, nước biển dâng cao, bão mạnh hơn, mô hình mưa thay đổi, và axit hóa các đại dương.
Theo ông, các tác động có thể là cực đoan và chỉ riêng việc thích ứng với những thay đổi ảnh hưởng trực tiếp đến các thành phố ven biển có thể tốn hàng nghìn tỷ đô la mỗi năm. Tuy nhiên, khi chính phủ và các cơ quan phân bổ nguồn lực để đối phó với biến đổi khí hậu, cho đến nay chỉ có khoảng 10% số tiền đó được dùng để thích ứng và 90% còn lại dành cho giảm thiểu hoặc nỗ lực làm chậm hoặc đảo ngược việc phát thải làm thay đổi khí hậu. Cả hai đều rất quan trọng, ông nói, nhưng không nên bỏ qua thích ứng vì ngay cả với các chính sách giảm thiểu mạnh mẽ, một phần lớn tác động của biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi. “Thích nghi là một mệnh lệnh đạo đức”, và “cũng là một mệnh lệnh sinh thái, và một mệnh lệnh kinh tế to lớn”.
Thích ứng không cần phải tốn kém như mọi người nghĩ, Steer nói thêm. Nhiều biện pháp cần thiết để thích nghi với hiện tượng ấm lên toàn cầu cũng có những lợi ích khác đi kèm, ví dụ, tưới nhỏ giọt được phát minh như một cách để đối phó với điều kiện khô hạn, nhưng nó cũng là một hệ thống hiệu quả hơn, giúp giảm đáng kể lượng nước cần thiết cho cây trồng và nhu cầu năng lượng để vận hành máy bơm. Xuất phát từ chống khô hạn, tưới nhỏ giọt trở thành phương thức hiệu quả hơn và giảm chi phí cho nông dân, do đó làm cho thực phẩm ít tốn kém hơn. “Thích nghi (biến đổi khí hậu) có thể có nhiều lợi ích đa dạng.”
Max Auffhammer, giáo sư phát triển bền vững quốc tế tại Đại học California tại Berkeley, cho biết, cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để định lượng các tác động dự kiến của một hành tinh nóng lên. Chẳng hạn, để nghiên cứu và định lượng tác hại kinh tế của 1 tấn carbon dioxide (gần bằng lượng phát ra từ việc lái xe ở Cambridge đến Berkeley, ông cho biết) là một nhiệm vụ rất khó khăn. Các ước tính tốt nhất hiện có đã cũ, được thực hiện vào những năm 1990, và chúng ta đã có thêm rất nhiều thông tin kể từ đó. Các mô hình cần bao gồm phạm vi toàn cầu, thiết lập các kết nối nhân quả và dự đoán những thay đổi công nghệ quan trọng mà chúng ta có thể đạt được trong tương lai.
Trong khi một số người có thể cho rằng họ “đã hiểu” các câu trả lời khoa học về tác động của biến đổi khí hậu, ông nói, thì sự thật là “chúng ta chưa hiểu, và còn nhiều việc phải làm”.
Gắn các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu với các lợi ích khác
Kathleen Hicks, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói rằng, quân đội Hoa Kỳ, không giống như nhiều chính trị gia, coi biến đổi khí hậu là vấn đề nghiêm túc. Một phần vì bản chất quân đội luôn luôn đánh giá các rủi ro tiềm ẩn và lập kế hoạch cách đối phó với chúng, và họ được đào tào chuyên sâu để thực hiện các quy trình như vậy. Ngoài ra, họ đã cảm nhận được các tác động trực tiếp, ngay cả các căn cứ nội địa như một ở Nebraska cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng, có khả năng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Steven Ansolabehere, giáo sư nghiên cứu chính phủ tại Đại học Harvard, thì cho biết. “Công chúng Mỹ chấp nhận rằng biến đổi khí hậu đang đến và rằng đó là một mối lo ngại. Nhưng phần lớn cũng cảm thấy nó xa vời”, với những hậu quả nằm ngoài quãng đời của họ, trong khi các nhà khoa học khẳng định những tác động gây hại của biến đổi khí hậu có thể quan sát được rõ ràng ở nhiều nơi trên thế giới ngay bây giờ. Sự bình chân này của công chúng “là trung tâm của vấn đề, và nó có ý nghĩa đối với bất kỳ chính sách nào chúng ta thực hiện”.
Ansolabehere cũng cho rằng việc gắn các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu với các lợi ích khác như không khí trong lành và nước sạch, ví dụ như thông qua việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, là một chiến lược hiệu quả hơn để có được sự ủng hộ của công chúng.
Theo Henry Jacoby, giáo sư tại Trường Quản lý MIT Sloan, vấn đề biến đổi khí hậu đang gặp phải tình trạng “cha chung không ai khóc”. Các quốc gia hầu như sẽ luôn hành động vì lợi ích cá nhân của họ hơn là vì một lợi ích chung trừu tượng hơn. Cách các quốc gia đối phó với tình trạng này thông qua các hiệp định và hiệp ước quốc tế, như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nhưng thỏa thuận đó là hoàn toàn tự nguyện, bao gồm các cam kết quốc gia riêng lẻ mà không có bất kỳ cơ chế thực thi nào.
Đến năm 2030, các dự báo cho thấy khoảng 3/4 lượng khí thải nhà kính sẽ đến từ các nước đang phát triển – những nơi ít có khả năng chi tiền để giải quyết vấn đề khí thải. “Sẽ phải có những hỗ trợ tài chính từ các nước giàu hơn để giúp những nước đang phát triển này giảm lượng khí thải”, Jacoby nói.
Tiến sĩ Leah Stokes, chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học California ở Santa Barbara, nói rằng ba thập kỷ nỗ lực phủ nhận biến đổi khí hậu của các công ty nhiên liệu hóa thạch lớn đã có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực, và sẽ cần những nỗ lực đáng kể để đảo ngược những ảnh hưởng này.
Stokes đã chỉ ra những lĩnh vực tiến bộ đáng kể hướng đến tính bền vững, như sự phát triển nhanh chóng của năng lượng mặt trời, năng lượng gió và xe điện… “Chúng ta phải có giải pháp tương xứng với quy mô khủng hoảng”, Stokes nói. Một cách tiếp cận là trả lương cao trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để thu hút nhân lực chất lượng cao. “Không thể lúc nào cũng là hình phạt”, Stokes nói, “chúng ta cũng cần những cơ chế thưởng rõ ràng”.