Thay vì cứu hộ số động vật nuôi trái phép tại bản Nịu (xã Thượng Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) để thả về thiên nhiên thì Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình xem chúng không có giấy kiểm dịch nên đã trả lại cho đối tượng đang bị tù treo khiến dư luận lo ngại quy trình này sẽ làm tổn hại động vật hoang dã ở Phong Nha-Kẻ Bàng.
Như Báo điện tử Một Thế Giới đưa tin, Hạt Kiểm lâm Bố Trạch (Quảng Bình) phát hiện trại nuôi động vật rừng trái phép gồm loài thông thường và loài quý hiếm tại nhà ông Đinh Xi ở bản Nịu, nhưng không xử phạt hành chính. Đặc biệt, trại nuôi này nằm trong vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, khiến dấy lên lo ngại đây là các loài bị đánh bẫy ở vùng biên giới và vùng di sản, chứ không phải nuôi hợp pháp.
Số lượng động vật tạm giữ có 29 cá thể gồm: 1 con cầy vòi hương trọng lượng 1,5kg, bị thương chi phải sau; 1 con cầy vòi mốc trọng lượng 3kg, bị cụt đuôi; 27 cá thể don có tổng trọng lượng 69,9kg, trong đó có 3 con bị thương ở chân và 16 con bị cụt chân phải hoặc trái, những dấu hiệu cho thấy chúng bị đánh bẫy dã man.
Theo Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ bàng, đối chiếu với hồ sơ mà cơ quan chức năng kiểm tra ngày 10.9, số động vật còn thiếu gồm: 1 con cầy vòi hương, 5 con cầy vòi mốc, 3 con don và 1 con dúi. Toàn bộ số động vật này được khai là của Bùi Ta Pong vừa bị Tòa án nhân dân huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tuyên 9 tháng tù treo, thử thách 18 tháng vào ngày 3.5.2019 vì tội vận chuyển sơn dương trái phép.
Theo ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, số động vật rừng bắt giữ ở Thượng Trạch là bất hợp pháp. Truy xuất dữ liệu từ camera cũng như xác nhận của các trạm kiểm lâm liên quan (Trộ Mợng, Km6, Thượng Trạch) cho thấy không có việc vận chuyển số động vật rừng nói trên qua Vườn quốc gia vào bản Nịu như khai báo của Bùi Ta Pong (từ Quảng Trị đến bản Nịu chỉ có con đường duy nhất là đường 20). Tại thời điểm kiểm tra (ngày 10.9.2019), toàn bộ số động vật rừng nói trên đều không có nhãn đánh dấu theo quy định tại điều 34 Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16.11.2018 của Bộ Nông nghiệp – PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Ông Tịnh nêu: “Đây là quy định bắt buộc và là cơ sở để xác định lâm sản có nguồn gốc hợp pháp hay không hợp pháp. Chủng loại, số lượng động vật rừng trong hồ sơ lâm sản mà Bùi Ta Pong xuất trình không phù hợp với thực tế số động vật rừng tại thời điểm kiểm tra. Đặc biệt, số động vật rừng phát hiện ở bản Nịu đều bị thương ở các chi, đây là dấu hiệu bị bẫy bắt. Ngoài ra, hồ sơ mà Bùi Ta Pong xuất trình có dấu hiệu tẩy xóa, lập không đúng mẫu do Bộ Nông nghiệp – PTNT ban hành. Hơn nữa ông Đinh Xi, người đứng tên bên mua trong hồ sơ lâm sản khai nhận với cơ quan chức năng là không hề hay biết gì về việc mua bán số động vật thể hiện trong hồ sơ mà Bùi Ta Pong đưa ra”.
Ông Tịnh nhận định: “Trong văn bản số 1013/KL-TTPC ngày 17.10 của Chi cục Kiểm lâm gửi Hạt Kiểm lâm Bố Trạch đã lấy lý do số động vật trên không có giấy chứng nhận kiểm dịch khi vận chuyển từ Quảng Trị ra nên chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Bố Trạch yêu cầu chủ lâm sản đưa số động vật trên ra khỏi địa bàn để tránh lây lan dịch bệnh đối với vùng đệm Vườn quốc gia. Sau khi có văn bản của Chi cục Kiểm lâm, rất mau chóng Hạt Kiểm lâm Bố Trạch trả lại số động vật trên đang nuôi bảo quản tại Trung tâm Cứu hộ của Vườn quốc gia cho Bùi Ta Bong (ngày 18.10). Đây là chiêu biến động vật rừng bất hợp pháp thành hợp pháp (thừa nhận số động vật đó hợp pháp, chỉ thiếu giấy kiểm dịch động vật) bất chấp những chứng cứ do Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia đưa ra khiến chúng tôi lo lắng cách thức này sẽ bị lợi dụng. Họ sẽ đưa động vật săn bắn bất hợp pháp về Thượng Trạch rồi lấy cớ không có giấy kiểm dịch, lại giao cho đối tượng đang bị tù treo đưa ra khỏi khu vực thì nạn săn trộm có đất nảy sinh. Đáng ra số động vật ấy phải bị tịch thu, cứu hộ và theo dõi để trả về tự nhiên”.