Việc xây dựng trái phép đang dần phá vỡ cấu trúc tự nhiên, xâm hại trực tiếp đến những giá trị mang tính vĩnh cửu ở vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình). Nghiêm trọng hơn, sai phạm của các cá nhân, tổ chức còn có dấu hiệu tiếp tay của chính quyền địa phương.
Mới nhậm chức không nhẽ lại từ chức
Theo phản ánh của người dân về tình trạng xây dựng trái phép đang trực tiếp xâm hại vùng lõi Di sản, chúng tôi đến Tràng An một ngày đầu đông. Đảo một vòng qua các xã Ninh Xuân, Ninh Hải, huyện Hoa Lư, không khó để nhận ra những công trình xây dựng trái phép ngay trong vùng lõi Di sản Tràng An. Xen giữa các căn nhà kiên cố của người dân là các Homestay, nằm kín đáo thu mình sau các tàng cây của rừng Di sản. Có thể thấy, việc xây dựng trái phép ở đây đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” và khó kiểm soát.
Tại khu vực danh thắng Thung Nham, xã Ninh Hải, hàng chục công trình xây dựng trái phép tồn tại trong suốt nhiều năm qua trên cả đất 313 (đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng) và đất rừng đặc dụng. Thậm chí ở đây còn có cả một dự án Resort khổng lồ trải dài trên diện tích 12.000 m2, được chủ đầu tư là Cty Thế Long bỏ dở, với dãy chòi nghỉ dưỡng hàng chục phòng bê tông kiên cố.
Dọc con sông nhỏ chạy qua thôn Hải Nham, một số hộ dân đang hối hả tiến hành tập kết vật liệu để xây dựng… Có thể thấy, tình trạng xây dựng trái phép ở đây đang dần phình ra do không được các cơ quan chức năng kiểm soát và xử lý triệt để.
Dừng xe mua nước uống tại thôn Hải Nham, chúng tôi được bà chủ hàng nước có tên Đinh Thị Phương tưởng nhầm là người đi thuê đất, đon đả chào mời, tiếp thị khu đất mà gia đình bà đang sở hữu.
Chỉ khu đất rộng gần 3 sào nằm sát chân núi, bên kia con sông nhỏ, bà Phương cho biết: Đây là đất của gia đình bà đã sở hữu hàng chục năm nay nhưng không được làm thủ tục cấp bìa cũng như thuê đất vì nằm trong vùng lõi di sản, nếu chúng tôi thuê trong vòng 10 năm, bà chỉ lấy rẻ mỗi năm 100 triệu đồng, không bớt. Thủ tục thuê đất cũng như để được xây dựng, người mua phải tự “chạy chọt” với phía chính quyền.
“Nếu thuê đất của bà, làm sao chúng cháu có thể làm được thủ tục xây dựng khi đây là vùng cấm?”. “Lo gì, cứ tiền là xong hết! Đấy, ở đây người ta làm được cả đấy thôi! Khi nào huyện về làm căng quá thì tạm dừng xây dựng, vào xã thêm ít kinh phí là lại làm. Các cháu không phải lo!”- bà Phương bày cách.
Rời Ninh Hải qua Ninh Xuân, tình trạng xây dựng các Homestay, nhà ở trái phép ở đây cũng diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt là ở khu vực danh thắng Hang Múa. Tại đây, dọc con đường đá lởm chởm ổ gà dẫn vào khu du lịch, hàng chục Homestay thi nhau mọc lên làm nơi cho du khách thuê để lưu trú…
Ông Hà Đức Kim – Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết: Hiện toàn xã có khoảng gần 100 trường hợp vi phạm xây dựng trái phép trong vùng lõi và vùng đệm của di sản, trong đó có tới 20 trường hợp nằm trong vùng lõi chưa thể xử lý dứt điểm.
Rõ ràng, người dân và chính quyền địa phương đang cố tình lờ đi, bất chấp các quy định trong QĐ 230 trước đó của Chính phủ, để các dịch vụ kinh doanh mọc lên và tồn tại ngay trong lòng Di sản.
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết về thực trạng xây dựng và cho thuê đất trái phép tại khu vực Thung Nham, thôn Hải Nham, ông Đinh Văn Bằng – Bí thư Đảng ủy xã Ninh Hải – cho biết: Việc xây dựng trái phép trong vùng lõi di sản là có nhưng không nhiều và “thông tin người dân cho các doanh nghiệp tỉnh ngoài vào thuê đất, chạy chọt thủ tục xây dựng là người dân nói chứ làm gì có”(?).
Trái ngược với những gì ông Bí thư Đảng ủy Ninh Hải cung cấp, ông Nguyễn Văn Hoạt – Chủ tịch UBND xã này lại cho biết: Tình trạng xây dựng trái phép trong vùng lõi Di sản (Thung Nham) đã diễn ra khá phức tạp trong suốt nhiều năm qua.
Nếu như trong đầu năm 2017 mới chỉ có khoảng 20–30 trường hợp vi phạm thì đến nay đã có đến 117 trường hợp vi phạm. Chỉ tính riêng trong 2 năm trở lại đây, toàn xã đã có hơn 40 trường hợp vi phạm, trong đó có tới hơn 10 trường hợp xây dựng trái phép trong vùng lõi Di sản và hầu hết các trường hợp này đều là người ngoài địa phương.
Đối với các trường hợp xây dựng trái phép, xã đã xử phạt nhưng phạt xong rồi tất cả đâu lại vào đấy. Phạt cứ phạt, xây cứ xây. “Chúng tôi đã thành lập hẳn một ban công tác, do lực lượng công an giám sát nhưng không xuể. Tháng nào cũng cưỡng chế, tháo dỡ. Tôi rất mệt mỏi và áp lực! Cứ tình trạng này sớm muộn gì cá nhân tôi cũng bị kỷ luật. Mới nhậm chức Chủ tịch UBND xã được 9 tháng nhưng không lẽ mình từ chức” – ông Hoạt nói.
Khá nhiều bất cập
Vì sao tình trạng xây dựng trái phép trong vùng cấm của Di sản Tràng An kéo dài trong suốt nhiều năm qua mà không thể xử lý triệt để? Trả lời cho câu hỏi này, ông Hà Đức Kim – Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết: Xã có diện tích tự nhiên là 970 ha, trong đó vùng núi đá, rừng đặc dụng chiếm tới 43% diện tích, dân số có tới 4.567 khẩu/1501 hộ, bình quân đất ở trên đầu người là rất thấp (chưa tới 200m2/ hộ).
Từ năm 2004, tỉnh có chủ trương giả phóng mặt bằng, dành đất cho những dự án quy hoạch quần thể danh thắng Tràng An, người dân càng rơi vào khó khăn khi không thể san tách hộ và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như hoạt động cấp phép xây dựng. Trong khi đó dân số mỗi ngày một tăng thêm, nhu cầu san tách hộ của địa phương là rất bức thiết. Mỗi năm xã cần ít nhất 10% quỹ đất để đáp ứng nhu cầu san tách hộ của người dân.
“Chúng tôi luôn tôn trọng quy hoạch vùng lõi cũng như vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Di sản. Tuy nhiên, Nhà nước phải có cơ chế để di dân ra khỏi vùng lõi vì họ là những người đã sinh sống tại đây trước khi Tràng An được quy hoạch và công nhận là Di sản. Mặt khác phải cho xã cơ chế bố trí xem cư tại vùng đệm, nếu không sẽ rất khó xử lý những trường hợp vi phạm” – ông Kim lý giải.
Cũng nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Tình trạng xây dựng trái phép trong vùng lõi Di sản Tràng An có xảy ra nhưng không nhiều, phần đa đều do nhu cầu bức thiết giãn dân của địa phương.
Huyện cũng thường xuyên thành lập đoàn công tác xuống cơ sở để xử lý các trường hợp vi phạm, trong đó có cả những trường hợp đã nộp tiền đất vẫn phải dừng xây dựng và buộc phải tháo dỡ.
“Hiện tại, chúng tôi đang khảo sát và xây dựng phương án tái định cư cho người dân nằm trong vùng lõi Di sản tại các xã Ninh Xuân và Ninh Hải để phục vụ công tác giãn dân, đồng thời, làm việc với đại diện của UNESCO, đề nghị cho duy trì dân cư trong lòng di sản. Vì đây là một phần văn hóa bản địa không thể thiếu của quần thể danh thắng” – bà Cúc cho biết thêm.