Một cuộc kiểm toán toàn cầu vừa chứng minh rằng Coca-Cola gây ô nhiễm rác thải nhựa nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác.
Coca Cola được biết đến như nhãn hiệu nước ngọt có ga nổi tiếng toàn cầu. Nhưng đồng thời đây cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nhựa nặng nề. Một cuộc kiểm tra đã khám phá ra công ty có trụ sở tại Georgia, Mỹ này có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới.
Cuộc kiểm tra thực hiện bởi phong trào toàn cầu “Break Free From Plastics” thu hút hơn 72.000 tình nguyện viên tham gia. Họ sẽ dọn dẹp, thu gom các chai, cốc nhựa và túi ni lông từ các khu vực như bãi biển, sông, suối trong chỉ một ngày vào tháng 9.
Có tổng cộng 475.000 mảnh chất thải được thu thập và 11.732 trong số đó thuộc về Coca-Cola. Số lượng rác thải nhựa của Coca-Cola được cho là nhiều hơn của cả ba công ty Nestle, Pepsi Co, Mondelez International cộng lại.
Điều phối viên của phong trào “Break Free From Plastics”, Von Hernandez cho rằng chiến dịch này sẽ góp phần khiến các tập đoàn phải tích cực giải quyết những hoạt động gây ô nhiễm của họ.
The Intercept đã liên lạc với Coca Cola để trao đổi về kết quả cuộc kiểm toán. Doanh nghiệp nước ngọt không phủ nhận lỗi lầm và trấn an rằng vẫn đang cố gắng cải thiện tình hình ô nhiễm.
Coca Cola cũng chia sẻ rằng họ đang đầu tư vào các thị trường địa phương nhằm tăng cường phục hồi và tái chế rác thải nhựa. Tuy nhiên, theo The Intercept, họ đã nắm giữ những tài liệu chứa thông tin mật của Coca Cola. Các tài liệu cho rằng từ 2017, Coca Cola đã có những hành động đi ngược với tuyên bố “giảm thiểu rác thải nhựa”.
Cụ thể, Coca Cola từng cố gắng ngăn chặn chương trình trao đổi chai nhựa để nhận tiền tại Anh. Dù vẫn tuân thủ các kế hoạch thúc đẩy tái chế nhựa ở nhiều khu vực khác, Coca Cola vẫn thường hành động vì lợi nhuận của riêng mình thay vì suy nghĩ cho môi trường.
Louise Edge, người đứng đầu chiến dịch giải quyết nhựa ngoài đại dương của Greenpeace UK tiết lộ Coca-Cola cũng từng có kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa. Nhưng theo ông, thực chất Coca Cola vẫn tiếp tục sản xuất các chai nhựa dùng một lần và chối bỏ trách nhiệm về các thiệt hại mà chúng gây ra với môi trường.