Rác vỏ xe đang ồ ạt đổ vào Đông Nam Á và một số nước châu Á khác, gây hiểm họa khó lường cho môi trường.
Khi màn đêm buông xuống ngôi làng Ấn Độ Nabipur, những lò nung tại đây bắt đầu nổi lửa, thiêu những vỏ xe bỏ đi được nhập từ các nước phát triển, khiến cho không khí nồng nặc mùi khói khó ngửi, còn dưới đất thì bám đầy bồ hóng.
Cách đây không lâu, Nabipur là một ngôi làng làm nghề nông rất yên bình ở phía Bắc Ấn Độ. Nhưng ngôi làng này giờ là đại bản doanh của ít nhất hơn 10 lò nung nhiệt phân cao su, đang ra sức thiêu vỏ xe để sản xuất loại dầu kém chất lượng (dầu này được dùng để sản xuất xi măng, gạch ngói, giấy…).
Giao dịch vỏ xe phế thải trên toàn cầu gần như gấp đôi trong 5 năm qua, chủ yếu xuất sang các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ và Malaysia, theo số liệu hải quan do Liên hiệp Quốc thu thập được.
Anh hiện là quốc gia xuất khẩu vỏ xe lớn nhất, theo sau là Ý và Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ là người mua lớn nhất, chiếm tới 32% nhập khẩu vỏ xe phế thải toàn cầu trong năm ngoái, từ mức 7% cách đây 5 năm, theo số liệu Liên hiệp Quốc.
Nhiều trong số rác vỏ xe được gửi sang các nhà máy tái chế có tuân thủ quy định về khí thải và xử lý rác thải. Nhưng cũng có một bộ phận rất lớn vỏ xe được vận chuyển đến các cơ sở nhiệt phân không hề tuân thủ các quy định môi trường, theo các quan chức địa phương.
Không chỉ ở Ấn Độ, vào tháng 5.2019, hãng tin Reuters tiết lộ sự nhiễm độc trên diện rộng tại miền Nam Malaysia có liên quan với các công ty tham gia vào hoạt động nhiệt phân.
Lấy thông tin từ các số liệu hải quan chưa công bố và phỏng vấn hàng chục nguồn tin trong ngành, Reuters ghi nhận sự gia tăng nhanh trên toàn cầu về khối lượng giao dịch vỏ xe phế thải gây ô nhiễm môi trường ở những quốc gia nhập khẩu chúng, theo các quan chức địa phương và các chuyên gia y tế.
Đối với nhiều nước phát triển, xuất khẩu vỏ xe ra nước ngoài lại rẻ hơn so với tái chế chúng ở trong nước. Điều đó càng thúc đẩy hoạt động giao dịch rác thải cao su trên toàn cầu, lên tới gần 2 triệu tấn vào năm 2018, tương đương 200 triệu vỏ xe, so với mức 1,1 triệu tấn của năm 2013.
Giao thương vỏ xe phế thải gia tăng cũng có nguyên nhân từ nhu cầu nhiên liệu mạnh đối với các lò nung công nghiệp tại các quốc gia như Ấn Độ, sự trỗi dậy của các thiết bị nhiệt phân giá rẻ do Trung Quốc sản xuất và các quy định còn nhiều lỗ hổng trên toàn cầu. Cũng cần nói thêm, vỏ xe không được định nghĩa là mặt hàng gây nguy hiểm theo Hiệp ước Basel, nghĩa là hầu như có rất ít hạn chế đối với việc giao dịch vỏ xe trên toàn cầu trừ phi nước nhập khẩu ra quy định hạn chế đặc biệt.
Tại hầu hết các quốc gia trong đó có Trung Quốc và Mỹ, đa phần vỏ xe phế liệu được xử lý trong nước và được chôn ở các bãi chôn rác, được tái chế hoặc sử dụng như nhiên liệu tại những nhà máy sản xuất các sản phẩm như xi măng và giấy. Những người ủng hộ các nhà máy nhiệt phân nói rằng quy trình nhiệt phân có thể là giải pháp tương đối sạch trong việc xử lý vỏ xe và biến chúng thành nhiên liệu. Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải và xử lý rác phế liệu từ việc đốt vỏ xe, vốn được tạo thành từ nhiều chất hóa học, cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, lại rất đắt đỏ và khó có thể tạo ra lợi nhuận ở quy mô lớn.
Có thể thấy việc xây dựng các nhà máy công nghệ hiện đại có thể tốn đến hàng chục triệu USD, trong khi một thiết bị nhiệt phân cơ bản do Trung Quốc sản xuất lại được bán lẻ trên mạng với giá rất thấp, chỉ 30.000USD.
Một báo cáo kiểm toán chính phủ Ấn Độ cho thấy tính đến tháng 7.2019, có 637 nhà máy nhiệt phân được cấp phép trên cả nước, trong số đó 270 nhà máy không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và 116 đã bị đóng cửa. Báo cáo kiểm toàn này cũng chỉ ra hầu hết các đơn vị vận hành nhà máy nhiệt phân sử dụng thiết bị thô sơ gây hại cho sức khỏe người lao động và còn khiến cho bụi, dầu và các chất gây ô nhiễm không khí rò rỉ ra khắp nhà máy và môi trường xung quanh. Các nguồn tin trong ngành cũng tiết lộ có thêm hàng trăm cơ sở nhiệt phân không cấp phép đang hoạt động khắp Ấn Độ.
Trong khi đó, tại bang Johor ở Malaysia cũng chứng kiến những nhà máy nhiệt phân mọc lên như nấm trong suốt thập niên vừa qua để cung cấp dầu cho các con tàu. Tại một nhà máy mà Reuters viếng thăm gần thị trấn Kulai ở Johor, những người dân nhập cư từ Bangladesh, trên người phủ đầy bụi bặm, đang xúc vỏ xe nhập từ Úc và Singapore cho vào một lò nung do Trung Quốc sản xuất.
Đốt vỏ xe mà không có các biện pháp kiểm soát khí thải thỏa đáng có thể giải phóng một lượng rất lớn hóa chất độc hại, hạt siêu nhỏ và khí độc vào môi trường, theo Lalit Dandona, đứng đầu India State-Level Disease Burden Initiative. Ông cho biết tác động ngắn hạn đối với những ai hít phải khói từ việc đốt vỏ xe là ngứa da và nhiễm trùng phổi, nếu tiếp xúc lâu có thể dẫn đến đau tim và ung thư phổi. Các tổ chức chính phủ khác như Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cũng đưa ra các kết luận tương tự.
Hiện tại, đối mặt với sự phản đối gia tăng từ các tổ chức môi trường và các cư dân sống gần các nhà máy nhiệt phân, Ấn Độ đang xem xét nghiêm cấm tất cả các cơ sở trừ các nhà máy hiện đại nhất. Tòa án môi trường của Ấn Độ dự kiến sẽ ban bố lệnh cấm vào tháng 1 tới.
Những ảnh hưởng môi trường của quy trình nhiệt phân tại những quốc gia như Ấn Độ và Malaysia cũng gióng hồi chuông báo động lên các nước xuất khẩu. Tháng 8 vừa qua, Úc, một nhà xuất khẩu chính vỏ xe sang Đông Nam Á và Ấn Độ, tuyên bố sẽ cấm xuất khẩu rác thải, trong đó có vỏ xe, dù không ghi rõ thời hạn.