Bùn thải, vẫn chưa biết thải đi đâu

Bùn thải từ các công trình xây dựng, chất thải hầm cầu tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay, Hà Nội chưa có quy hoạch cụ thể nào để xử lý loại chất thải này và số lượng nhà máy xử lý cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay .

Xử lý bùn thải còn bỏ ngỏ

Hiện nay, rất nhiều tòa nhà cao tầng trên địa bàn Thủ đô đã và đang được xây dựng. Hầu hết phải tiến hành khoan, đào móng, làm hầm, thậm chí nhiều khu chung cư có đến 3, 4 tầng hầm. Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông lớn cũng đang được xây dựng có liên quan đến việc khoan hố cọc nhồi. Do đó, lượng bùn từ những công trình này thải ra cần có nơi để xử lý là tương đối lớn.

Công nhân URENCO 7 đang vận hành thiết bị chuyên dùng bơm hút phân bùn bể phốt (chất thải hầm cầu). Ảnh: Vũ Cúc

Tuy vậy, Trung tá Nguyễn Xuân Quyến – Đội Trưởng Đội 2 Phòng Cảnh sát Môi trường (PC05), CA TP Hà Nội thông tin, hiện nay, các bãi chôn lấp phế thải xây dựng không tiếp nhận rác bùn thải, bùn khoan do các bãi chôn lấp theo quy hoạch của TP đã đầy. Không có cơ sở nào đủ điều kiện xử lý bùn thải từ hoạt động xây dựng. Do vậy, các chủ đầu tư thuê các đơn vị tư nhân “tự xử lý”.

Các đối tượng này thường chở bùn thải, đất thải ra hồ ao, khu vực ngoại thành để đổ trộm. “Tình trạng đổ trộm bùn thải xây dựng hiện diễn biến phức tạp trên các tuyến Đại lộ Thăng Long, đường trục phía Nam, huyện Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh…” – ông Quyến nêu.

Về bùn thải từ chất thải hầm cầu, hiện duy nhất trên địa bàn TP chỉ có một cơ sở là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh Cầu Diễn (Urenco 7) xử lý loại chất thải này. Các DN tư nhân gồm khoảng 80 – 100 xe hút tập trung trên địa bàn các huyện Đan Phượng, Hoài Đức… cũng đang hoạt động trong lĩnh vực này nhưng không có nơi xử lý, dẫn đến đổ thải xuống ao hồ, cống thoát nước gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh rất cao.

Phó Giám đốc URENCO 7 Trần Văn Khải cho biết, hiện nay, công suất của Trạm xử lý phân bùn bể phốt của đơn vị là 300 tấn/ngày, đêm. Nhưng việc thu gom phân bùn bề phốt của các nhà vệ sinh công cộng, một số cơ quan đơn vị, bệnh viện mới chỉ đạt khối lượng bình quân 50 – 60 tấn/ngày đêm. Còn lại các chung cư, nhà cao tầng, nhà dân trên địa bàn TP thường do các công ty tư nhân hút và thường xuyên đổ bậy.

Cần sớm có quy hoạch xử lý bùn thải

Theo thống kê 6 loại bùn thải thường phát sinh trong khu vực đô thị gồm: Bùn thải trong hệ thống thoát nước thải sinh hoạt đô thị; bùn thải từ hệ thống thoát nước thải công nghiệp; bùn thải từ các hoạt động nạo vét kênh mương định kỳ; bùn thải từ bể tự hoại (bùn hầm cầu); bùn thải từ các trạm/nhà máy xử lý nước cấp; bùn thải từ các công trình xây dựng.

GS.TS Nguyễn Thị Kim Thái – Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam nhìn nhận, hiện nay xử lý bùn thải tại các đô thị đang vấn đề cấp thiết. Do đây là chất thải có hàm lượng độc tính khá cao. Tính đến nay chưa có quy hoạch cụ thể nào để xử lý loại chất thải này. Việc đổ trực tiếp ra môi trường không chỉ gây ô nhiễm mà còn lãng phí tài nguyên.

Bởi thực tế, sau khi được xử lý hết các thành phần độc hại, bùn thải hoàn toàn có thể được tận dụng làm VLXD (bê tông, gạch…) và san nền, giúp hạn chế đáng kể tình trạng khai thác đất mặt tại các quận, huyện ngoại thành để phục vụ việc san lấp.

Vì vậy, việc quy hoạch và xây dựng ngay hệ thống quản lý lượng bùn nói trên bao gồm cả các nhà máy xử lý, tái chế và tái sử dụng bùn là vấn đề cấp thiết và cấp bách trước mắt, trước khi vấn đề ô nhiễm bùn tại ngày càng nghiêm trọng hơn.

Để giải quyết ô nhiễm môi trường từ chất thải, bùn thải đổ trộm, ông Nguyễn Xuân Quyến đề xuất, TP Hà Nội cần khẩn trương có quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn xây dựng và chất thải vệ sinh hầm cầu.

Tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích các DN tham gia vào việc xử lý chất thải; đồng thời, Chính phủ bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quản lý chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động xây dựng và có chế tài tương tự như chế tài đối với hành vi vi phạm quy định quản lý chất thải rắn công nghiệp vào Nghị định số 155/2016/ND-CP.

“Đặc thù công nghệ xử lý phân bùn bể phốt tại Trạm xử lý phân bùn bể phốt của URENCO 7 là sinh học kết hợp hóa lý nên không có khả năng xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, dầu mỡ, thành phần chất thải đầu vào được kiếm soát chặt chẽ để tránh gây hư hại hệ thống xử lý. Do vậy, URENCO 7 không ký hợp đồng tiếp nhận xử lý với đơn vị ngoài khi URENCO 7 không kiểm soát được thành phần chất thải đầu vào (chủ nguồn thải).” – Phó Giám đốc URENCO 7 Trần Văn Khải