Cứ mùa Đông về, thủ đô New Delhi với 20 triệu dân sinh sống lại chìm trong một màn khói mù độc hại do khói ôtô, khí thải công nghiệp và khói từ hoạt động đốt nương rẫy ở các bang lân cận.
Ngày 3/11, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã bị bao phủ trong lớp khói mù độc hại dày đặc ở mức tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, khiến nhiều chuyến bay phải đổi hướng hoặc bị hủy và ảnh hưởng đến hoạt động thường nhật của người dân.
Cứ mùa Đông về, thành phố 20 triệu dân này lại chìm trong một màn khói mù độc hại do khói ôtô, khí thải công nghiệp và khói từ hoạt động đốt nương rẫy ở các bang lân cận.
Theo Hệ thống Dự báo và nghiên cứu chất lượng không khí (SAFAR), mật độ các loại hạt nhỏ hơn 2,5 microns trong sáng 3/11 đã lên đến mức cao nhất trong mùa này, với kết quả đo được là 810 microgram/m3, tức là mức “nguy hiểm cho sức khỏe,” trong khi mưa nhỏ tối 2/11 khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con số an toàn đối với sức khỏe là tối đa 25 microgram/m3.
Trên mạng Twitter, Thống đốc New Delhi, ông Arvind Kejriwal viết: “Ô nhiễm đã đến mức không thể chịu nổi.”
Trong khi đó, nhiều người dân địa phương đã than phiền về đau mắt và viêm họng, nhiều người đã phải dùng khẩu trang để tự bảo vệ mình.
Tầm nhìn rất kém khiến các hãng hàng không Air India và Vistara thông báo hủy hoặc chuyển hướng các chuyến bay đến và đi từ sân bay New Delhi trong ngày 3/11.
Nhiều trường học tại thủ đô đã phải quyết định đóng cửa đến ngày 5/11 và hoạt động xây dựng phải dừng từ ngày 4/11.
Một số vận động viên cricket và các huấn luyện viên đã phải đeo khẩu trang tập luyện trước thềm trận đấu với Bangladesh trong giải Quốc tế Twenty20 tối 3/11.
Năm ngoái, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết 14 trong số 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều ở Ấn Độ, trong khi một nghiên cứu của Mỹ cho biết tình trạng ô nhiễm này khiến một triệu người chết sớm mỗi năm.