Đập thủy điện đầu tiên ở hạ lưu sông Mekong đã đi vào hoạt động ở Lào hôm 29-10 bất chấp sự phản đối của nhiều người dân cho rằng con đập này cùng nhiều công trình khác sẽ triệt sinh kế của họ.
Hoạt động của đập Xayaburi có công suất 1.285 MW bị cho là làm giảm lưu lượng dòng chảy nhưng các nhà xây dựng và vận hành phủ nhận điều này.
Lào có kế hoạch bán 95% sản lượng điện sản xuất từ đập này cho Thái Lan với mức giá khoảng 2 baht (0,066USD)/đơn vị điện. Đây là 1 trong số ít nhất 9 dự án đập thuỷ điện đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch ở khu vực hạ lưu sông Mekong ở Lào.
Một loạt các con đập mới đang gây tranh cãi về vấn đề an ninh lương thực và nguồn nước; bên cạnh đó là nỗi lo ngại nhiều năm về 11 con đập được xây trên thượng lưu sông Mekong ở phía Trung Quốc, khiến mực nước sông xuống thấp ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người sống phụ thuộc vào dòng sông này ở Lào, Thái Lan, Campuchia.
Đập Xayaburi đã được xây dựng trong 9 năm và có kinh phí lên đến 135 tỉ baht (tương đương 4,47 tỉ USD) do các công ty và ngân hàng Thái Lan tài trợ và thi công.
Nhà hoạt động môi trường Montri Chanthawong cảnh báo: “Khi đập Xayaburi chính thức đưa vào vận hành, chúng tôi không biết dòng sông sẽ thay đổi như thế nào và môi trường sẽ bị tác động tiêu cực ra sao”.
Làng chài Ban Namprai cách đập Xayaburi 150 km về phía Nam 150 km đang chứng kiến một trong những năm khô hạn nhất trong lịch sử.
Trong khi đó, tờ Bangkok Post cùng ngày đưa tin mực nước sông Mekong đang xuống thấp đến mức kỷ lục và được ghi nhận ở mức 1,5 m tại tỉnh Nakhon Phanom – Thái Lan, để lộ nhiều cồn cát đáy sông.
Lượng mưa bất thường cũng khiến nhiều hồ chứa ở khu vực chỉ còn khoảng 20-30% trữ lượng trong khi nhiều nhánh sông cạn nghiêm trọng.
Ông Arthit Phanasoon, 65 tuổi, chủ tịch Câu lạc bộ Bảo vệ môi trường Nakhon Phanom, cho biết mực nước sông Mekong đang ở mức thấp nhất trong vòng 100 năm qua khi trích dẫn những nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ các đập ở Trung Quốc và Lào. Nghiên cứu chỉ ra những dấu hiệu đáng báo động rằng tình trạng thiếu nước trên sông Mekong sẽ còn diễn tiến nghiêm trọng.