Danh sách di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch, xây dựng đô thị tại 12 quận nội thành Hà Nội đã được Sở TN&MT Hà Nội rà soát và xây dựng Nghị quyết trình HĐND TP vào tháng 11 tới.
Đây là thông tin được đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết tại hội thảo “Thực trạng công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô và đề xuất sửa đổi, bổ sung điều 14 của Luật Thủ đô” do Sở TN&MT phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức sáng 30/10.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, với các cơ chế đặc thù đã góp phần tích cực xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung, công tác bảo vệ môi trường Thủ đô nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ.
Do đó, Sở TN&MT cùng với Sở Tư pháp tổ chức buổi hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị sở ngành, các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà khoa học để tham mưu cho TP xây dựng, sửa đổi Điều 14 Luật Thủ đô. Mục đích nhằm tạo bước phát triển hoàn chỉnh hơn về những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.
Ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, trong 6 năm qua, Luật Thủ đô đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 14 Luật Thủ đô, từ 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2019, Sở TN&MT và các cơ quan quản lý Nhà nước, Công an TP đã tiến hành thanh tra, kiểm tra khoảng hơn 11.000 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường đối với hơn 4.000 cơ sở với tổng mức xử lý trên 65 tỷ đồng, góp phần nần cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Về việc triển khai và vận hành các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, TP đã đưa vào vận hành 3 khu xử lý chất thải gồm khu Nam Sơn, Sóc Sơn khoảng (4.500 – 5.000 tấn/ngày); khu Xuân Sơn, Sơn Tây (1.200 – 1.400 tấn/ngày), khu xử lý rác Phương Đình, Đan Phượng.
TP cũng đã chấp thuận tập trung đầu tư 4 nhà máy đốt rác phát điện, phấn đấu đến năm 2021 đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày đêm; Khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ, công suất 1.500 tấn/ngày đêm; Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn, công suất 1.000 tấn/ngày đêm; Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn/ngày đêm.
Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn Thủ đô theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Thủ đô, Sở TN&MT Hà Nội đã triển khai thực hiện một số dự án, đề án thử nghiệm xử lý nước sông, hồ. Nhiều dự án đầu tư các cụm công trình đầu mối, trạm bơm đã được đầu tư hiệu quả. UBND TP đã phê duyệt chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi sông Nhuệ, tỷ lệ 1/500.
Đáng chú ý, danh sách di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch, xây dựng đô thị tại 12 quận nội thành Hà Nội đã được Sở TN&MT Hà Nội rà soát và xây dựng Nghị quyết trình HĐND TP vào tháng 11 tới.
Theo đại diện Sở TN&MT, bên cạnh những kết quả đạt được, sau nhiều năm thực hiện theo Luật Thủ đô vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật. Điển hình như nhiều cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa có ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản. Không đầu tư xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm, các làng nghề hầu như chưa được đầu tư các hệ thống xử lý chất thải.
Ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, tình trạng đổ rác, phế thải không đúng nơi quy định vẫn cồn xảy ra, nhất là phế liệu xây dựng. Việc xây dựng hạ tầng thiếu đồng bộ, không theo kịp tốc độ đô thị hóa, mật độ xây dựng chung cư cao tầng dày, tỷ lệ dân nhập cư vào TP tăng nhanh, rất khó kiểm soát.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Thủ đô chưa có quy định về chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường, nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ để di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành…
Trước thực trạng trên, Sở TN&MT Hà Nội kiến nghị UBND TP xem xét quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, đối với các dự án về nước thải, chất thải rắn đô thị trong khi nguồn vốn đầu tư của TP còn hạn chế và không thể đáp ứng ngay trong thời gian ngắn, do đó có thể nghiên cứu áp dụng cơ chế chỉ định thầu. Áp dụng hệ thống kiểm soát ô nhiễm tại khu, cụm công nghiệp, các làng nghề.
Hạn chế cấp phép đầu tư cho một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh trong khu vực trung tâm đô thị, từng bước điều tiết các ngành nghề sản xuất cho phù hợp với khả năng chịu tải của đô thị, hạn chế ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực trong TP như hiện nay.
Quy định mức xử phạt riêng đủ mạnh đối với một số hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường như đổ trộm rác thải xây dựng, phân bùn bể phốt, chất thải nguy hại, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải…
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 14 Luật Thủ đô có liên quan để phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho rằng tại khoản 2 Điều 14 nên quy định “nghiêm cấm xả chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường” thay vì “nghiêm cấm xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường”.
Ngoài ra, bổ thêm nội dung quy định đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp, nhất là các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong nội đô như “Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp có hành vi xả nước thải, khí thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra ngoài môi trường. Các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong nội đô phải xây dựng kế hoạch di dời sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp”.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, sau khi Luật Thủ đô ra đời, công tác môi trường của TP Hà Nội có nhiều tiến bộ như trồng 1 triệu cây xanh, lắp 10 trạm quan trắc không khí… Luật có quy định ngắn gọn về công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên để thực hiện tốt những quy định trong Luật cần có văn bản hướng dẫn thi hành tuy nhiên hiện Luật Thủ đô chưa có văn bản hướng dẫn thực thi.
UBND TP Hà Nội sau khi sửa đổi ban hành nên nêu đầy đủ hơn về mọi khía cạnh của môi trường Hà Nội, có hướng dẫn thi hành càng cụ thể càng tốt. Có thể lấy ví dụ như thực tế ô nhiễm không khí tại Hà Nội không đến mức gây hoang mang cho người dân như thời gian qua nếu có quy định thật cụ thể về thông tin kịp thời những chỉ số quan trắc, quy định về nguồn cung cấp chỉ số quan trắc…