Hiện, Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã vào cuộc, phối hợp với các cơ quan liên quan tại Quảng Nam để kiểm tra, giám sát nước đầu nguồn khi có nhiều thông tin lo ngại ô nhiễm do khai thác vàng.
Ngày 29/10, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức họp báo quý III/2019, cung cấp các thông tin về tình hình Kinh tế – Xã hội trên địa bàn.
Tại buổi họp báo, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, để quản lý khu vực lấy nước phục vụ cho các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt, Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 4121 ngày 16/9/2019 liên quan đến việc phê duyệt vùng bảo hộ, vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình được cấp phép khai thác, phục vụ việc cung cấp nước của thành phố. Sau khi có quyết định, Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) sẽ tiến hành cắm mốc xác định rõ các khu vực được đưa vào vùng mẫu lấy nước phục vụ sinh hoạt.
Liên quan đến thông tin đầu nguồn nước của Đà Nẵng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm khi mà hàng ngày nước thải từ các bãi khai thác vàng ở Quảng Nam đang âm ỉ đổ thẳng ra nguồn nước này, ông Tô Văn Hùng khẳng định phía Sở TN&MT đã Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng làm việc với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam đề nghị cung cấp DTM của các mỏ vàng trên địa bàn đã cấp phép.
“Sở TN&MT cũng đã báo cáo, tham mưu lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Ban điều phối Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có những giải pháp xung quanh lo ngại nguồn nước ô nhiễm.”- ông Hùng cho hay
Trước đó, DAWACO đã có chuyến đi kiểm tra thực tế các nguồn xả thải và lấy mẫu nước ở đầu nguồn sông Đăk Mi, Vu Gia. Cán bộ kỹ thuật của DAWACO đã lấy các mẫu nước ở khe 39, nước sông Đăk Mi ở phía trên hội lưu sông này với khe 39 và mẫu nước sông Vu Gia đoạn chảy qua thôn Tân Đợi, xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc).
Các mẫu nước này đã được gửi đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (QUATEST 2) để kiểm nghiệm các tiêu chuẩn hóa, lý, đặc biệt là thành phần kim loại nặng, độc hại và độ cứng của các mẫu nước. Sau khi có kết quả chính thức sẽ thông báo để người dân nắm rõ.
Hiện nay, nguồn nước thô chính để sản xuất nước sạch cho thành phố Đà Nẵng được lấy chủ yếu trên sông Cẩm Lệ đoạn qua Cầu Đỏ, một nhánh của hệ thống Vu Gia – Thu Bồn có thượng nguồn nằm trọn ở tỉnh Quảng Nam. Cũng vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước sông Cẩm Lệ, đây được xem là một “điểm trừ” lớn của ngành cấp nước Đà Nẵng.
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt quyết định đầu tư xây dựng công trình Nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120 nghìn m3/ngày với tổng kinh phí là 1.170 tỷ đồng lấy nước thô từ sông Cu Đê. Đồng thời, TP đã chọn được nhà thầu là Công ty CP xây dựng số 5 theo hình thức thiết kế, cung cấp thiết bị và xây lắp (EPC) thi công công trình.
Khi đi vào hoạt động, Nhà máy nước Hòa Liên lấy từ sông Cu Đê, đây là nguồn nước từ đầu nguồn do Đà Nẵng hoàn toàn chủ động. Việc này thích hợp hơn nguồn nước từ sông Vu Gia vốn phụ thuộc nhiều từ các thủy điện đầu nguồn Quảng Nam, cũng như dòng chảy bị ô nhiễm khá nhiều do quá trình khai thác khoáng sản ở thượng nguồn.