Tại Hội nghị các Vườn Di sản ASEAN lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) mới đây, 9 danh hiệu Vườn Di sản ASEAN được trao cho các nước ASEAN. Trong đó, Việt Nam được trao 4 danh hiệu.
Vườn Di sản ASEAN là danh hiệụ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN.
Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực, đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.
4 địa điểm của Việt Nam được trao danh hiệu Vườn Di sản ASEAN là: Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh) và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum), nâng tổng số Vườn Di sản ASEAN tại Việt Nam lên 10 và Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều khu Vườn Di sản ASEAN nhất trong ASEAN.
Việc trở thành quốc gia có nhiều Vườn Di sản ASEAN nhất khu vực đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian qua, góp phần nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục lựa chọn các hồ sơ của các Vườn quốc gia có tiềm năng khác của Việt Nam để trình các Bộ trưởng môi trường ASEAN xem xét, công nhận.
Vườn quốc gia Vũ Quang – “mỏ” loài mới của Việt Nam
Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang nằm trong địa bàn của huyện Hương Sơn và Hương Khê với tổng diện tích 56.915,6 ha, trong đó, rừng đặc dụng là 52.881 ha. Năm 1992, các nhà khoa học của Bộ Lâm nghiệp và Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã phát hiện một loài mới – Sao la. Điều này có ý nghĩa toàn cầu trong lịch sử sinh học vì trong suốt 100 năm trước đó chỉ có 5 loài thú lớn mới được phát hiện. Nhưng đây không phải là loài thú mới duy nhất được tìm ra ở Vũ Quang.
Khảo sát do Viện điều tra Quy hoạch rừng (Bộ Lâm nghiệp trước đây) và WWF tiến hành năm 1994 đã phát hiện ra loài hươu cỡ trung bình. Ngoài ra, trong khoảng 6 năm sau năm 1992, các nhà khoa học đã tìm ra 5 loài cá mới. Chính vì thế, VQG Vũ Quang thường được nhắc đến với cái tên “mỏ loài mới của Việt Nam”. Bên cạnh đó, VQG Vũ Quang còn là khu vực có tính đa dạng sinh học cao.
Về thực vật, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 1.612 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 191 họ và 676 chi ở VQG Vũ Quang. Trong đó, có 94 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, danh lục đỏ IUCN và Nghị định 32/2006/NĐ/CP của Chính phủ về việc cấm hoặc hạn chế khai thác, săn bắn hay buôn bán các loài động vật hoang dã.
Đáng chú ý, Vũ Quang có tới 686 loài cây được dùng làm thuốc và 339 loài cây gỗ. Nhóm cây cho gỗ là nhóm thực vật quan trọng với các loại gỗ có giá trị kinh tế cao như pơ mu, vàng tâm, giổi bà… Chính vì thế, Vũ Quang trở thành một trong những điểm nóng về phá rừng trong những năm qua.
Hệ động vật của Vũ Quang cũng rất đa dạng, phong phú. Các nghiên cứu đã ghi nhận, Vườn có 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá và 316 loài bướm, trong đó, có 26 loài thú, 10 loài chim, 16 loài bò sát quý hiếm cần được bảo vệ. Mặt khác, Vườn còn có 36 loài thú đặc hữu như: Voọc vá chân nâu, vượn má vàng… Một số loài thuộc nhóm động vật nguy cấp thường xuyên xuất hiện tại đây như voi, mang lớn, cheo cheo và một số loài khỉ, dơi.
Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà
Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà tọa lạc tại huyện Lạc Dương và thuộc một phần huyện Đam Rông, Lâm Đồng, có diện tích 63.938ha. Bidoup chính là tên của ngọn núi cao nhất của vườn quốc gia, nó được xem như là “nóc nhà” của vùng đất Tây Nguyên do có độ cao 2287m.
Đi theo tỉnh lộ 723, cách thành phố Đà Lạt tầm 50km, vườn quốc gia Bidoup núi bà hiện lên như một không gian xanh bạt ngàn giữa không gian núi đồi trùng điệp. Ở đây tập hợp phong phú, đa dạng các tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên cùng nhiều thác nước đẹp, thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Trong vườn quốc gia hiện đã có Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.
Vườn quốc gia Bidoup núi bà được nằm trong danh sách 28 vườn quốc gia đặc dụng của Việt Nam. Khu vực rừng quốc gia Bidoup chiếm gần toàn bộ cao nguyên Lanbiang (hay cao nguyên Lâm Viên). Các nhà khoa học đánh giá là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học Việt Nam và một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới. Vườn quốc gia chủ yếu là rừng nguyên sinh với đa dạng các loài động-thực vật. Có khoảng 1933 loài thực vật, trong đó có tới 62 loài xếp vào hạng quý hiếm như: Thông đỏ, Pơ mu, Thông hai lá dẹp, Bách xanh,…
Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát
Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát nằm ở độ cao từ 5-10m so với mực nước biển, Vườn quốc gia này có địa hình khá bằng phẳng, với tổng diện tích tự nhiên là 19.156 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 8.179 ha, phân khu phục hồi sinh thái 10.852 ha, còn lại là phân khu hành chính dịch vụ.
Nằm trên địa phận bốn xã: Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp và một phần trên xã Thạnh Tây thuộc huyện Tân Biên của tỉnh Tây Ninh, Vườn quốc gia có hệ động thực vật của vườn quốc gia vô cùng đa dạng, phong phú. Hệ thực vật gồm rừng rụng lá trên đất thấp, rừng bán rụng lá và rừng tràm. Gần phía khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia chủ yếu là đồng cỏ đất lầy với các thảm cói lác. Thực vật có tới 696 loài và cây có thể dùng làm thuốc có tới 158 loài, cây cho gỗ là 58 loài, cây làm cảnh 21 loài, cây thực phẩm là 10 loài và cây dùng làm rau là 7 loài.
Đặc biệt ở đây có hệ chim với số lượng lên tới 203 loài trong đó có nhiều loài chim nước quý hiếm như Giang sen, Già đẫy Java, Cò nhạn, Le khoang cổ…. Đây là còn là nơi dừng chân của Sếu Đầu đỏ trong chuyến di cư từ sông Cửu Long về nơi sinh sản là Campuchia. Chính vì vậy đây đóng vai trò là một nơi quan trọng cho việc bảo tồn hệ chim tại Việt Nam.
Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát ở Tây Ninh còn là khu vực có rừng che phủ lớn nhất tỉnh, với hệ sinh thái chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành nơi bảo tồn nhiều loài động – thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh
Khu bảo tồn thuộc địa phận hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông có diện tích 41.420 ha và được xem là một trong bốn kho tàng đa dạng sinh học lớn của Việt Nam.
Đến với khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh mới thấy hết được sự đang dạng nơi đây, ở đây có 874 loài thực vật bậc cao thuộc 537 chi, họ; 309 loài động vật hoang dã… Khu bảo tồn có kiến tạo địa chất lâu đời, còn tồn tại nhiều loài loài thực vật cổ xưa như các họ ngọc lan, họ na, họ chè, họ cáng lồ và các họ thực vật ôn đới. Có 9 loài thực vật đặc hữu, trong đó nổi tiếng nhất là sâm Ngọc Linh là cực kỳ quý hiếm. Khu bảo tồn còn có nhiều kiểu rừng như rừng cây lá rộng, lá kim…
Động vật ở khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có nhiều loại, trong đó có 5 loài thú được ghi trong Sách Đỏ thế giới: Khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, báo gấm, hổ, nhím đuôi ngắn và 15 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong khu hệ chim phát hiện hai loài mới là khướu đầu hung, khướu đuôi vằn; khu hệ bò sát có 3 loài đặc hữu là thằn lằn đuôi đỏ, rùa hộp trán vàng và ếch da cóc…
Bên cạnh đó trong thời gian gần đây, khi khảo sát tại khu bảo tồn này các nhà khoa học đã tìm ra 39 loài thực vật mà họ chưa từng thấy ở các địa phương khác, và 50 loài thực vật quý hiếm.
Từ lâu, khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là một điểm đến không chỉ của các nhà khoa học nghiên cứu, mà còn là nơi du lịch sinh thái được nhiều du khách tìm về. Gắn với đỉnh Ngọc Linh nổi tiếng, Khu bảo tồn Ngọc Lonh với không gian xanh, mát lành tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên trở thành điểm đến du lịch được yêu thích nhất nhì tỉnh Kon Tum.