Nhiều sự cố gây nguy hại đến môi trường sống trên diện rộng xảy ra gần đây, như vụ cháy nhà máy của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, ô nhiễm nguồn nước của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Đáng nói, những biện pháp xử lý dường như chậm trễ, bị động khiến cho cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn, cho thấy ở các đô thị hiện nay đang thiếu những kịch bản ứng phó với các sự cố môi trường ở quy mô lớn.
Lỗ hổng trong quản lý
Ðánh giá về những sự cố vừa xảy ra, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), nhìn nhận: Hai vụ việc xảy ra gần đây thì vụ cháy Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông là một sự cố, còn vụ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cho Hà Nội là cố ý xả thải trái phép. Ðiểm giống nhau ở đây là có chất thải nguy hại vào môi trường (nước/không khí) và có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng lên phạm vi dân cư lớn.
Theo ông Trịnh Lê Nguyên, hiện nay cũng đã có các quy định về ứng phó với các sự cố, thảm họa đối với một số trường hợp cụ thể. Thí dụ như Quy chế Hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc, hoặc Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng Dự thảo Quy chế ứng phó sự cố môi trường từ năm 2018 và đang lấy ý kiến để hoàn thiện, ban hành. Thực tế, kinh nghiệm ứng phó thiên tai, thảm họa ở nước ta đã được tích lũy từ lâu và đúc kết thành nguyên tắc “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Tuy nhiên, đối với các vấn đề môi trường thì khi có sự cố xảy ra, chúng ta vẫn gặp nhiều lúng túng trong việc ứng phó và xử lý.
Có chung quan điểm, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho rằng, khi xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, Viwasupco lúng túng trong xử lý. Ðiều 208 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định, tất cả doanh nghiệp có nguy cơ gây sự cố môi trường phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó môi trường, nhưng các văn bản hướng dẫn sau đó lại chia tách ra chỉ còn hai loại: kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất tràn dầu và ứng phó hóa chất độc hại. Nhà máy nước không có dầu, không có hóa chất thì họ không phải làm gì cả. Ðây là một lỗ hổng lớn. Bên cạnh đó, theo ông Sơn, hiện chưa có quy định quan trắc online đối với các doanh nghiệp sản xuất nước dù nước dùng cho ăn uống ảnh hưởng trực tiếp ngay đến sức khỏe con người. Chỉ doanh nghiệp không thể bảo vệ được toàn bộ nguồn nước trên sông, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cấp cao hơn theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Bộ và các cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường hằng năm
Xây dựng các kịch bản phòng chống
Ðể ứng phó với các sự cố môi trường, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: TP Hà Nội đã tính đến và quy định về tất cả các loại thảm họa, nhưng vẫn chưa thực hiện được hết các giải pháp đề ra. Tới đây Hà Nội sẽ phải làm khẩn trương, quyết liệt hơn để cụ thể hóa, quy phạm hóa, giao trách nhiệm đến từng cơ quan.
Tại TP Hồ Chí Minh, các kịch bản của thành phố về dự phòng sự cố ô nhiễm nguồn nước cũng đã được đưa ra. Theo ông Trần Văn Khuyên – Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) – cho hay, sự cố dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước ở Hà Nội là một bài học để Sawaco có những điều chỉnh trong kế hoạch cấp nước an toàn, bảo đảm an ninh nguồn nước. Hiện nay, Sawaco thuê ca-nô kiểm tra hằng tháng, giám sát các nguồn thải dọc lưu vực sông, các kênh rạch lớn chảy vào sông nhằm giám sát chất lượng nước từ xa. Trong trường hợp sự cố gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, phải ngưng xử lý nước. Theo ông Khuyên, thành phố cũng cần tính toán xây dựng nhiều bể chứa nước ngầm trong các khu vực nội thị nhằm bảo đảm kế hoạch cấp nước an toàn. Các đề xuất này cũng được nêu trong nội dung điều chỉnh bổ sung quy hoạch cấp nước TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn 2060 trình cơ quan chức năng và đang chờ được phê duyệt để thực hiện.
Ông Trịnh Lê Nguyên đề xuất, cần sớm phải ban hành các quy định pháp luật để bảo đảm an ninh, an toàn nguồn cung nước sinh hoạt. Theo ông Nguyên, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt do Bộ Y tế ban hành và vừa có hiệu lực từ tháng 6-2019. Bên cạnh giám sát và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước thì cần có các quy định chặt chẽ, hiệu quả nhằm bảo vệ hệ thống nguồn cung đầu vào cho các nhà máy xử lý nước, bao gồm hệ thống nước ngầm, nước mặt, hồ chứa. Các khu vực này cần được ưu tiên bảo vệ ở mức độ cao. Ðối với các nguồn cung cho các khu dân cư quy mô lớn, thí dụ như trường hợp khu vực cung cấp nước cho Viwasupco, phải được xếp vào danh mục các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và có các phương án bảo vệ nghiêm ngặt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nên nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện Quy chế ứng phó sự cố môi trường để sớm ban hành và áp dụng trên cơ sở những bài học từ các vụ việc vừa qua. Quan trọng hơn là phải có các chương trình hướng dẫn, phổ biến đến chính quyền các cấp, cũng như tổ chức công tác diễn tập định kỳ ở những điểm có nguy cơ cao xảy ra sự cố, thảm họa.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần nghiên cứu những quy chuẩn ứng phó với thảm họa, theo đó quá trình tiến hành phục hồi – bao gồm tái phát triển và hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng – được tiến hành ngay trong lúc quá trình ứng phó với sự cố đang diễn ra. Ðiều này không nằm ngoài mục đích hạn chế thấp nhất những hậu quả nặng nề do sự cố môi trường gây ra.