Việc phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng tái sử dụng các phế liệu và rác thải, được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Tổ chức môi trường Liên hợp quốc đã phát thông điệp: “Nếu không hành động, các quốc gia sẽ phải bỏ ra khoản chi phí gấp 5-10 lần trong 10 năm tới so với số tiền dành để xử lý rác thải hiện nay.”
Vì vậy, nền kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối ràng buộc lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Xu hướng toàn cầu
Do khan hiếm tài nguyên, tăng dân số và suy thoái môi trường, nền kinh tế tuần hoàn dịch chuyển từ các nguồn tài nguyên sơ cấp và khan hiếm sang các nguồn tài nguyên thứ cấp và tái tạo, giảm tỷ lệ sử dụng tài nguyên; tiếp cận tư duy hệ thống bao gồm tất cả các giai đoạn của chuỗi sản phẩm, từ khai thác đến tiêu hủy và tiếp sau đó.
Theo chuyên gia của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc Jurgen Ooms, xu hướng kinh tế tuần hoàn được áp dụng ngày càng tăng trong các chương trình nghị sự, chiến lược và đề án quốc gia, từ phát triển công nghệ và thử nghiệm đến vận hành và nâng cấp.
Ở Đông Nam Á, Trung Quốc, Chương trình chính sách kinh tế tuần hoàn năm 2017 đã được thông qua với trách nhiệm của các nhà sản xuất được mở rộng, nâng tầm quan trọng của đầu vào.
Các nước, vùng lãnh thổ đang xem xét áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Đông Nam Á gồm Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Còn tại châu Âu, các chiến lược như Kế hoạch hành động tuần hoàn 2015 của Liên minh châu Âu và Chiến lược nhựa 2018 được các nước như Phần Lan, Pháp, Slovenia, Đức, Italy đã công bố và lộ trình từ trên xuống để đạt được điều này.
Góc độ doanh nhân từ dưới lên để đổi mới sáng tạo về nguyên vật liệu và các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn đang phát triển ở Hà Lan. Tất cả vẫn chủ yếu tập trung vào các quy trình đầu ra, đầu vào phức tạp hơn.
Năm 2018, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã ký một Biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế tuần hoàn.
Năm 2019, Hợp tác liên lục địa gồm 200 doanh nghiệp đã cam kết với nền kinh tế tuần hoàn về nhựa. Nhiều nước hiện cấm sử dụng hoặc áp dụng cơ chế giá đối với túi nhựa.
Các can thiệp chính sách này rất hiệu quả, giúp giảm lượng túi nhựa sử dụng tới 90% như trường hợp của Ireland.
Thực hành nền kinh tế tuần hoàn
Chính phủ Hà Lan đã tái chế bêtông với hầu hết các vật liệu đá, vật liệu có phủ đá, vật liệu xây dựng trơ. Các vật liệu này được nghiền và trộn thành hỗn hợp vật liệu xây dụng dùng để lót nền đường.
Tái chế bêtông cũ thành mới giúp giảm gánh nặng môi trường do không cần phải sản xuất ximăng mới. Nhờ có Thỏa ước toàn quốc về bêtông (Thỏa ước Xanh về bêtông), thị trường bêtông thứ cấp đã xuất hiện ở Hà Lan, công nghệ mới cũng được tạo ra.
Chính phủ Malaysia lập kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn, trong đó kế hoạch sản xuất và tiêu thụ bền vững cho giai đoạn 2016-2030 nhằm chuyển hướng sang nền kinh tế tuần hoàn, tất cả các chất thải sẽ được quản lý toàn diện với cách tiếp cận mở rộng về vòng đời chứ không đơn thuần là xử lý (loại bỏ) chất thải.
Pháp luật được cải thiện sẽ kích thích người tiêu dùng và các ngành công nghiệp như những nhân tố tạo ra và giữ chất thải. Mục tiêu cuối cùng là dần loại bỏ chôn lấp chất thải vào năm 2030.
Năm 2013, với chính sách giảm chất thải thực phẩm, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật về loại bỏ chất thải thực phẩm vào các túi phân hủy sinh học, hoặc bỏ rác trực tiếp vào các thùng kim loại chứa chất thải có trang bị thanh đo và đầu đọc chip nhận dạng tần số vô tuyến.
Cư dân sẽ phải trả tiền nếu lượng chất thải quá mức quy định, số tiền này được sử dụng để chi trả 60% chi phí thu gom và xử lý chất thải thực phẩm, khuyến khích người dân ủ phân hữu cơ từ chất thải thực phẩm.
Hiện ở Hàn Quốc có tới 95% chất thải thực phẩm được tái chế thành phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón.
Chất lỏng được ép từ chất thải và được lên men thành khí hoặc dầu sinh học để làm nhiên nhiệu cho các thiết bị công nghiệp.
Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc đã khởi xướng Chương trình phát triển Khu Công nghiệp sinh thái vào năm 2005, gồm ba giai đoạn: Thử nghiệm, Triển khai và Hoàn thành.
Có 1.831 công ty từ 105 khu công nghiệp ở 12 khu vực tham gia vào chương trình này. Chương trình đã kêu gọi được các công ty đầu tư hơn 500 triệu USD vào các lĩnh vực hiệu quả năng lượng, cộng sinh công nghiệp, quản lý chất thải và các đầu tư thân thiện với môi trường khác.
Đến năm 2018, chương trình đã giúp các công ty công nghiệp tiết kiệm hơn 700 triệu USD và tạo ra hơn 1 tỷ USD doanh thu mới.
Những gợi ý bổ sung trong luật
Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, việc phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng tái sử dụng các phế liệu và rác thải, được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Chuyên gia Jurgen Ooms gợi ý, hệ thống phân loại và dán nhãn hài hòa các hóa chất của Liên hợp quốc là một tham khảo khởi đầu tốt.
Tiêu chuẩn tối thiểu cho các loại chất thải khác nhau như giấy nên được tái chế, chất thải hữu cơ nên được ủ, chất thải hỗn hợp nên được đốt.
Luật Bảo vệ môi trường 2014 của Việt Nam sửa đổi nên xem xét đưa vào nội dung về kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường và lồng ghép với quản lý chất thải, phân cấp, phân loại chất thải, người gây ô nhiễm phải trả tiền, xử lý chất thải theo cách có hại cho môi trường phải bị cấm, cấm sử dụng một số vật liệu trong các sản phẩm cụ thể, trách nhiệm của ngành, hộ gia đình và chính phủ cần phải rất rõ ràng.
Các chuyên gia về môi trường cho biết, chi phí cho việc khắc phục biến đổi môi trường còn lớn hơn rất nhiều so với chi phí chuyển dịch kinh tế.
Rõ ràng, thay vì đối phó với biến đổi khí hậu, chúng ta có thể lựa chọn phương án tối ưu là thay đổi để tình trạng ô nhiễm môi trường không diễn ra.
Tuy nhiên, điều này là một thách thức, phần lớn do chính sách của nhiều nước vẫn chưa sẵn sàng cho sự dịch chuyển cần thiết.
Mỗi cá nhân cần hạn chế sử dụng các đồ, vật liệu không thể tái sử dụng. Bảo vệ môi trường từ trong chính mỗi gia đình chính là cách hiệu quả nhất.