Theo đánh giá, Việt Nam chỉ có 2/10 Khu bảo tồn biển (KBTB) hoạt động hiệu quả. Một khuôn khổ pháp lý còn yếu kém cùng với nhiều sức ép từ các hoạt động kinh tế là những rào cản khiến cho hiệu quả quản lý ở các KBTB chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Thiếu kinh phí, không thẩm quyền xử lý vi phạm
Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020 đặt mục tiêu giai đoạn 2010-2015 thiết lập và đưa vào hoạt động 16 KBTB và đến năm 2015, có ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các KBTB và khoảng 30% diện tích của từng KBTB được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ NN&PTNT mới chỉ thành lập và đưa vào hoạt động 10/16 KBTB, đạt 0,13% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam được bảo tồn và diện tích các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chưa đến 10%.
Theo đại diện các Ban Quản lý KBTB, hiện nay các KBTB đều có bộ phận giám sát tuần tra trên biển nhưng lại không có thẩm quyền để thực thi luật pháp. Khi xảy ra các trường hợp vi phạm, Ban quản lý phải thông báo cho các cơ quan chức năng khác như chính quyền địa phương, biên phòng hoặc kiểm lâm đến đến để xử lý vi phạm. Điều này khó tránh khỏi việc gây ra chậm trễ và xử lý không hiệu quả các vụ vi phạm. Còn trong phạm vi bốn vườn quốc gia, việc thực thi luật pháp ở mức độ nào đó hiệu quả hơn bởi họ có cán bộ kiểm lâm có thẩm quyền xử lý vi phạm trực tiếp.
Bên cạnh đó, ngân sách của tất cả các KBTB đều được cấp từ ngân sách của địa phương và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Hầu hết các KBTB đều khó khăn trong việc tạo nguồn kinh phí chủ động và bền vững để triển khai các hoạt động bảo tồn như Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc… Chỉ một số ít KBTB như VGQ Bái Tử Long, KBTB Hòn Mun, Cù Lao Chàm… cơ bản tự chủ kinh phí hoạt động. Tài chính eo hẹp chỉ đủ cho việc trả lương nhân viên nên công tác đầu tư cơ sở vật chất gồm ca nô, tàu, thiết bị lặn, máy móc nghiên cứu, lưu giữ bảo quản mẫu vật… gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc thực thi pháp luật và giám sát kém hiệu quả, thậm chí là không thực hiện tại đa phần các KBTB.
Ông Phùng Đình Toàn, Giám đốc BQL KBTB Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, đầu tư vào KBTB là đầu tư dài hạn, thu hồi vốn chậm, mang lại hiệu quả xã hội nhiều hơn hiệu quả kinh tế, vì vậy rất khó thu hút nhà đầu tư. Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo nên việc đảm bảo tài chính bền vững để KBTB hoạt động có hiệu quả là một khó khăn, thách thức lớn.
“Do chưa có chính sách hỗ trợ, chưa tạo sinh kế thay thế nên ngư dân vẫn tiếp tục đánh bắt, nuôi trồng và các hoạt động mưu sinh khác, đặc biệt là hoạt động lén lút đánh mìn và lặn khai thác thuỷ sản bằng súng xung điện vào ban đêm của các ngư dân vẫn đang diễn ra gây huỷ hoại môi trường thuỷ sinh của KBTB Lý Sơn gây bức xúc trong cộng đồng người dân địa phương” – ông Phùng Đình Toàn cho biết.
Vừa qua, tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Quảng Ngãi, các đại biểu đã thông qua việc thu phí khách tham quan khi đến Lý Sơn với mức phí đảo Lớn, thu 70.000 đồng/người/lượt; đảo Bé thu 30.000 đồng/người/lượt. Việc thu phí tham quan để có kinh phí bảo tồn, tôn tạo di sản Lý Sơn nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất thời gian triển khai.
Năng cao năng lực quản lý
KBTB được xem là công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn toàn tính bền vững của các vùng biển, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế biển xanh dựa vào các nguồn lực tự nhiên như: nghề cá, du lịch và các dịch vụ đi kèm. Do đó đầu tư vào kinh tế biển xanh không thể xa rời với việc đầu tư cho nguồn vốn thiên nhiên, hệ sinh thái biển, đầu tư cho việc thành lập và quản lý hiệu quả mạng lưới các KBTB.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong giai đoạn 2020 -2025, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã có những quy định mới điều chỉnh các hoạt động quản lý đối với KBTB. Trong đó, lưu ý đến các hành vi cấm thực hiện trong KBTB, tên gọi của các phân khu chức năng, quy định liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của Ban quản lý; Kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước, BQL KBTB theo hướng thống nhất, đồng bộ từ TW xuống địa phương; Xây dựng cơ chế, chính sách thu phí từ các hoạt động du lịch, xã hội hóa công tác bảo tồn nhằm tạo nguồn tài chính bền vững cho các KBTB hoạt động; Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các KBTB hoạt động bảo tồn biển; Bố trí lực lượng kiểm tra tại các KBTB để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm…
Tập trung điều tra bổ sung, rà soát các phân khu chức năng, mở rộng diện tích các KBTB hiện có. Đến năm 2020, Việt Nam có tối thiểu 20 KBTB được thành lập và đi vào hoạt động, nâng tổng diện tích vùng biển nằm trong khu bảo tồn lên khoảng 1%. Ngoài mục tiêu mở rộng số lượng và diện tích các KBTB, cần đặc biệt chú trọng đến hiệu quả, chất lượng hoạt động của các KBTB….
Bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) cũng đồng ý với quan điểm Bộ NN&PTNT sớm ban hành một chính sách về việc thu phí tham quan các KBTB, chia sẻ doanh thu từ các hoạt động du lịch trong KBTB cho BQL như việc áp dụng thí điểm về chính sách chi trả dịch vụ môi trường từ các hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, bà Hiền cũng khuyến nghị các KBTB cần “hành động” để tận dụng được nguồn lực hiện có chứ không nên “chờ đợi” đến khi có khung thể chế và tài chính “hoàn hảo”.
“Đợi chờ đồng nghĩa với với việc bỏ lỡ những cơ hội lớn cho các hoạt động bảo tồn. Thách thức nằm ở chỗ nào thế nào để tận dụng được nguồn lực hiện có và tăng cường hợp tác với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các đối tác tiềm năng để bảo tồn biển”- Bà Hiền khuyến nghị.