Lời giải nào chống sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long? – Bài 1: Nỗi lo sạt lở bủa vây

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất trù phú được thiên nhiên ưu đãi. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng tăng, gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân sống ven các con sông lớn, ven biển.

Để ứng phó tình trạng này, thời gian qua đã có nhiều công trình và phi công trình được áp dụng nhưng hiệu quả mang lại không cao. Đã đến lúc cần khảo sát, điều tra, đánh giá một cách tổng thể, khoa học về nguyên nhân sạt lở để có những giải pháp mang tính đồng bộ hơn.

Bài 1: Nỗi lo sạt lở bủa vây

Theo thống kê, hiện ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài 830km, trong đó sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch); bờ biển có 52 điểm sạt lở với tổng chiều dài 268km;mỗi năm 13 tỉnh, thành trong vùng mất từ 300-500ha đất; hàng nghìn hộ dân không nơi nương tựa vì mất nhà, đất, tài sản…

Tần suất sạt lở ngày càng cao

Từ đầu năm đến nay, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL như: An Giang, Hậu Giang, Cà Mau, TP Cần Thơ… đã trở thành điểm nóng của sạt lở. Điển hình là tại An Giang, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 51 điểm sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 20.000 hộ dân, trong đó, 8 tháng đầu năm 2019 tỉnh đã ghi nhận 17 điểm sạt lở, sụp lún bờ sông, kênh rạch với chiều dài gần 1.300m.

Ảnh: TTXVN

Là hộ chịu ảnh hưởng trong vụ sạt lở tuyến Quốc lộ 91, đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, ông Nguyễn Văn Bân cho biết: “30 năm sinh sống ở đây, chưa bao giờ tôi thấy bất an như lúc này. Cuộc sống, sinh hoạt đảo lộn, lúc nào cũng lo sợ không biết có sạt hết nhà mình không”. Theo báo cáo của địa phương, mới đây tuyến Quốc lộ 91 dài 142km, nối từ TP Cần Thơ đến cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã bị sạt lở nghiêm trọng tới 85m. Hiện tại, hai đầu đoạn sạt lở là những thảm trải nhựa còn lại, bị đứt gãy, nham nhở, trong khi tầng đất phía dưới bờ sông lõm vào tạo thành hàm ếch sâu khổng lồ.

Là địa phương có sông Hậu chạy qua, TP Cần Thơ cũng đang phải chịu ảnh hưởng của sạt lở. Số liệu thống kê từ Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho thấy, những tháng đầu năm 2019, thành phố có tới 20 điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 400m, khiến hàng chục căn nhà bị sụt lún; thiệt hại tài sản ước tới gần 15 tỷ đồng.

Trong khi tình hình sạt lở bờ sông đang diễn biến xấu, thì tình trạng xói lở bờ biển tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL cũng diễn ra hết sức nghiêm trọng. Tại tỉnh Cà Mau, trước tình trạng sạt lở diễn ra dồn dập, ngày 20-9, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải ký quyết định về việc tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển

ông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 25km cửa biển, bờ biển và hơn 1,2km bờ sông sạt lở cần khẩn cấp xử lý, các vị trí sạt lở tập trung ở các xã: Đất Mũi, Viên An, Viên An Đông, Tam Giang Tây, thị trấn Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển; xã Nguyễn Huân thuộc huyện Đầm Dơi; xã Tam Giang Đông, thị trấn Năm Căn thuộc huyện Năm Căn. Những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư, các khu hành chính, công trình giáo dục, y tế, Quốc lộ 1… và đai rừng phòng hộ, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là vào mùa mưa bão.

Tương tự, tỉnh Bạc Liêu có bờ biển dài 56km cũng chịu nhiều tác động của hiện tượng xói lở bờ biển, sạt lở đê biển và kè cửa sông ven biển. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, tổng diện tích rừng phòng hộ của tỉnh là 3.897ha; trong đó diện tích có rừng là 2.752,52ha và diện tích đất chưa có rừng là 1.144,48ha. Những năm gần đây, rừng ngập mặn ven biển mất dần do tình trạng sạt lở…

Diễn biến bất thường

Nhận định về tình hình sạt lở ở nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thời gian qua, Th.s Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL, cho biết: “Nếu trước đây, mùa mưa lượng nước từ đầu nguồn sông Mê Công đổ về mạnh khiến cho tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nhiều, thì hiện tại, sạt lở xảy ra nhiều vào mùa khô và không theo bất kỳ quy luật nào của tự nhiên”.

Thực tế, với những người nhiều năm gắn bó ở vùng châu thổ này thì chuyện sạt lở đã không còn xa lạ. Thế nhưng điều họ lo lắng là “cơn giận của bà thủy” ngày một dữ dội hơn. Sạt lở không chỉ ở sông lớn đến sông nhỏ, từ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu mà còn ở biển Đông, biển Tây. Nguy hiểm hơn, trước khi xảy ra sạt lở thì những điểm này hoàn toàn không có dấu hiệu rạn nứt. Các đoạn đê hay tuyến đường đất tưởng như khá chắc chắn bỗng dưng bị sạt lở, lấn sâu vào sát nhà khiến nhiều người dân ngỡ ngàng và không có giải pháp phòng ngừa trước.

Theo lời của ông Lê Minh Luân, ngụ tại xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở bờ biển nghiêm trọng bắt đầu từ khoảng năm 2014. Cứ đến mùa mưa, biển động, người dân lại thấp thỏm sống cùng sạt lở. Trước đó, biển cứ lở rồi lại bồi nhưng nhiều năm nay chỉ lở chứ không bồi và không còn mùa như trước. “Gia đình tôi dọn về sống tại cửa biển Bồ Đề (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) từ năm 2001. Khi đó, nhà tôi là một trong những hộ ở gần biển nhất nhưng cũng cách bờ biển Đông khoảng 200m. Vạt rừng phòng hộ phía sau nhà giúp bà con chắn sóng gió cũng cách biển chừng ấy đến xa hơn, tùy đoạn. Vài năm trở lại đây, sóng biển cứ đánh lở hoài. Đến nay cả xóm không ai là chưa phải dời nhà, chạy sạt lở. Trong vòng 3 năm nay, gia đình tôi đã 2 lần dời nhà”, ông Luân chia sẻ.

Còn tại TP Cần Thơ, theo ông Nguyễn Văn Bân, ngụ tại khu vực phường Long Hòa, quận Bình Thủy, mấy chục năm sống tại đây chưa bao giờ ông chứng kiến sạt lở. Thế nhưng gần đây khu vực này liên tiếp ghi nhận các vụ sạt lở làm chia cắt đường giao thông nông thôn, nhiều điểm vào sát mép nhà dân. “Trước đây sạt lở thường xảy ra ở những con sông lớn nhưng nay sông nhỏ trước nhà cũng bị sạt lở nghiêm trọng, khiến cho sinh kế người dân bị đảo lộn”, ông Bân chia sẻ.

Sạt lở bủa vây khiến hàng nghìn hộ dân ở khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng đang ngày đêm thấp thỏm, lo âu về tính mạng, sinh kế… Vậy đâu là nguyên nhân gây nên sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL? Nội dung này chúng tôi sẽ đề cập ở bài viết sau.