Kiểm soát khí thải xe máy: Có mà như không!

Khí thải xe máy là tác nhân hàng đầu gây ô nhiễm và càng nguy hiểm hơn khi những chiếc xe cũ nát dù bị cấm lưu thông nhưng vẫn đầy đường.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, sở này đang nghiên cứu để đề xuất UBND TP xem xét, báo cáo các cấp có thẩm quyền về sự cần thiết phải kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy trên địa bàn TP nhằm tiến đến quản lý, giảm ô nhiễm do loại phương tiện này gây ra.

Thận trọng triển khai

Trong động thái mới nhất, Sở GTVT TP vừa có buổi làm việc với Công ty Honda Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam để phối hợp lên kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải môtô, xe máy trên địa bàn. Các nội dung dự kiến thực hiện là xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra khí thải đối với loại phương tiện này tại một số điểm như đại lý bảo dưỡng xe. Bên cạnh đó thống nhất các nội dung chi tiết, thời gian, biểu mẫu, hình thức khảo sát khi tiến hành kiểm tra nhằm phục vụ cho việc đề xuất các giải pháp, chính sách để kiểm soát khí thải đối với xe máy.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, thông tin trong tháng 11, sở sẽ trình kế hoạch khảo sát, đánh giá và thực hiện thí điểm những nội dung trên. Trong đó, có đánh giá về sự tự nguyện của người dân tham gia vào việc hạn chế khí thải của xe máy, đồng thời thực hiện việc khuyến khích như sửa chữa, thay thế phụ tùng miễn phí hoặc chuyển đổi, mua, thay thế bằng các phương tiện có chuẩn khí thải cao hơn. Song song việc thí điểm, ông Lâm cũng cho biết dự kiến sau 6 tháng, Sở GTVT sẽ xây dựng thành cơ chế để tiến tới ban hành lộ trình cụ thể về kiểm soát khí thải của các loại phương tiện cơ giới nói chung ở TP HCM.

Những chiếc xe máy quá cũ vẫn còn lưu thông nhiều ở TP HCM.

“Với tốc độ lượng phương tiện tăng chóng mặt và tình hình ô nhiễm như hiện nay thì kế hoạch và lộ trình kiểm soát khí thải xe máy phải làm sớm. Song song đó, việc phát triển giao thông công cộng cũng không thể thiếu và trong các định hướng đều có giải pháp kèm theo. Tất cả đều đang được nghiên cứu thận trọng để lên kế hoạch, lộ trình triển khai phù hợp và khoa học” – ông Trần Quang Lâm khẳng định.

Trước đó, trong các chương trình đột phá mà TP HCM triển khai, Sở GTVT được giao phải có biện pháp giảm thiểu 70% khí thải trong lĩnh vực giao thông. Hiện một số định hướng và đề án đang được nghiên cứu thực hiện như thu phí ôtô lưu thông vào trung tâm, “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP HCM”, cũng đã được xây dựng. Trong những đề án này có đề cập việc phải kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với ôtô, môtô, xe 2-3 bánh hoạt động trên địa bàn TP. Tuy nhiên, theo Sở GTVT, những vấn đề trên ở đề án còn chưa đề cập rõ nên lần này, Sở GTVT làm thật kỹ trước khi đề xuất UBND TP.

Siết chặt việc thực thi

Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị cho rằng việc kiểm soát khí thải từ xe máy là đặc biệt cần thiết. Nhưng để việc kiểm soát phát huy hiệu quả thì nhất thiết phải siết chặt việc thực thi – tức phải xử nghiêm cán bộ “bỏ qua” cho các xe máy vi phạm khi lưu thông trên đường, bởi có rất nhiều quy định ban hành nhưng do việc thực thi không nghiêm khắc đã khiến nhiều người lờn luật.

Lo lắng của các chuyên gia là có cơ sở khi hiện trên địa bàn TP HCM có cả triệu xe máy cũ nhưng vẫn bon bon trên đường “qua mặt” lực lượng thực thi pháp luật. Đây bị xem là những chiếc “xe mù” thuộc diện cấm lưu thông, bởi không ít phương tiện chỉ còn trơ khung sắt, không đèn, không gương chiếu hậu, thậm chí… không phanh!

Ám ảnh nhất là hình ảnh những chiếc cũ nát này thường dùng để chở hàng cồng kềnh. Chẳng hạn, chiều 22-10, trên đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn trước Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), nhiều người không khỏi thót tim khi chứng kiến một thanh cầm lái chiếc xe máy trơ khung sắt chở 4 bao nước đá to nhưng liên tục luồn lách, tạt đầu các phương tiện khác. Chiếc xe này chạy đến đâu là gầm rú đến đó. Ngán ngẩm hơn là cảnh nhiều người phải nhắm mắt, bịt mũi để tránh làn khói đen sì xả ra từ chiếc xe này lúc dừng đèn đỏ. Đó chỉ là một trong cả triệu môtô, xe máy cũ nát còn hoạt động tại TP HCM. Tình trạng này hiện khá phổ biến, có thể bắt gặp ở bất cứ tuyến đường nào, từ ngoại thành đến nội đô TP.

Thống kê đến giữa tháng 8-2019, toàn TP HCM có trên 7,1 triệu xe máy. Trong khi đó, theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, ô nhiễm không khí do xe máy gây ra nghiêm trọng và nguy hiểm hơn nhiều so với khí thải từ ôtô. “Với lượng môtô, xe máy có tốc độ tăng nhanh tại TP HCM như hiện nay, cộng với những xe đã qua nhiều năm sử dụng, cũ nát, chất lượng khí thải kém dần…, càng khiến ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP gia tăng. Trong khi đó, cả triệu môtô, xe máy cũ nát vẫn đang xả thải mỗi ngày nhưng rất ít trường hợp bị kiểm tra, xử phạt hay tịch thu phương tiện như quy định đã có. Vì vậy, việc kiểm soát khí thải dù có khung tiêu chí, tiêu chuẩn tốt nhưng cán bộ kiểm tra, kiểm soát trên đường không xử lý nghiêm thì tiêu chuẩn ban hành cũng chỉ cho vui mà thôi” – ông Nguyễn Hoàng Linh, cán bộ hưu trí ngành tư pháp, nhấn mạnh và đề nghị chấn chỉnh lại thái độ, cách thức làm việc của cán bộ kiểm tra, kiểm soát phương tiện lưu thông trên đường.

Nêu rõ lộ trình thực hiện

Liên quan đến việc kiểm soát khí thải, trước đó, Bộ GTVT chỉ đạo trong khi chờ sửa Luật Giao thông đường bộ, Sở GTVT TP HCM có thể báo cáo UBND TP đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm trước việc kiểm soát khí thải môtô, xe máy tại TP.

Nội dung đề xuất thí điểm cần nêu rõ lộ trình thực hiện kiểm soát khí thải, chu kỳ kiểm định đối với môtô, xe máy; hồ sơ thủ tục và các biện pháp kiểm soát việc thực hiện kiểm tra khí thải; điều kiện của cơ sở kiểm định khí thải, các chính sách về thuế, giá dịch vụ để phục vụ việc xã hội hóa hoạt động kiểm định, đáp ứng yêu cầu kiểm soát khí thải môtô, xe máy tại TP. Theo ông Trần Quang Lâm, với việc kiểm soát khí thải ôtô, Bộ GTVT cũng đã có chỉ đạo cụ thể và phía Sở GTVT TP HCM sẽ phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện.