Khí thải thương mại: Ẩn số của net zero

Mục tiêu net zero của các nền kinh tế vẫn chưa tính đến lượng khí thải từ hoạt động thương mại.

Ảnh: theconversation.com

5 giờ sáng, chợ New Covent Garden Market ở Nine Elms, London trở nên nhộn nhịp. Những quả dứa từ Costa Rica được chất đống bên cạnh những quả chanh dây Kenya và măng tây Peru. Hàng dãy cây thông Đan Mạch xếp cạnh những chậu hoa hồng từ Hà Lan… Các loại hoa, rau quả tươi từ khắp nơi trên thế giới đều có thể tìm thấy ở ngôi chợ này.

Khung cảnh trên cho thấy giao thương dường như chưa bao giờ hết sôi động tại khu chợ sỉ rộng gần 23ha này, nhưng lại đang là nỗi đau đầu của những người đứng đầu các quốc gia. Dưới áp lực dư luận, giới chính trị đang vắt óc làm sao hạn chế lượng thải khí carbon của nước mình. Ít nhất 60 quốc gia và hơn 100 thành phố đã cam kết trở thành nền kinh tế khí thải net zero, tức nền kinh tế đạt được sự cân bằng giữa lượng khí thải tạo ra và lượng khí thải được lấy ra khỏi bầu khí quyển.

Thế nhưng, vấn đề là gần như không ai tính đúng tính đủ đối với lượng khí thải tạo ra bởi những sản phẩm được tiêu thụ trong phạm vi nước họ nhưng lại được sản xuất ở bên ngoài lãnh thổ. Lấy ví dụ một bó hoa hồng Hà Lan được bán ở chợ New Covent Garden Market. Mục tiêu đạt tới net zero của Anh chỉ bao hàm lượng khí thải nội địa, như lượng khí thải carbon mà xe tải chuyên chở bó hoa này trên đất Anh… Lượng carbon đó chẳng là bao so với khoảng 30kg khí thải từ hoạt động sưởi ấm nhà kính tại Hà Lan và chuyên chở bó hoa hồng này bằng máy bay sang Anh. Nhìn ở khía cạnh sản xuất, lượng khí thải ra của Anh chẳng bao nhiêu vì bó hoa ấy không được sản xuất ở Anh, nhưng nhìn ở khía cạnh tiêu dùng, đó là điều hoàn toàn ngược lại.

Bó hồng ấy chỉ là một giọt nước trong “biển” hàng hóa tiêu dùng được giao thương giữa các quốc gia. Chỉ tính giữa các nước phát triển, mức chênh lệch là rất lớn, đặc biệt đối với các nền kinh tế dựa vào dịch vụ. Anh Quốc tiêu thụ lượng carbon cao hơn 40% so với lượng carbon tạo ra. Con số này của EU là 19%. Tại Mỹ, mức chênh lệch là 8%, theo Dự án Carbon Toàn cầu (GCP), một mạng lưới các nhà khoa học trên thế giới. Đối với các thành phố lớn, mức chênh lệch lên tới khoảng 3/5, mức trung bình của 79 thành phố được khảo sát bởi một tổ chức các nhà nghiên cứu quốc tế.

Vì cách tính toán dựa trên sản xuất khiến lượng khí thải ra của các quốc gia phát triển ở mức rất thấp nên hầu hết đều chọn phương pháp đo lường này để làm cơ sở cho các mục tiêu thải khí carbon của họ. Không có nước nào trong số 19 quốc gia thuộc Liên minh Cân bằng Carbon đặt ra mục tiêu net zero mà nhắm tới việc giảm tiêu thụ. Mục tiêu net zero của New York cũng dựa trên thước đo sản xuất, tạo một bộ mặt “thân thiện môi trường” cho thành phố này vì New York không có phát triển ngành công nghiệp nặng.

Chênh lệch giữa các thước đo sản xuất và tiêu thụ quốc gia xuất phát từ lượng khí thải tạo ra trong quá trình giao dịch xuyên biên giới. Lượng khí thải liên quan đến hoạt động thương mại chiếm tới 25% tổng lượng khí thải toàn cầu. Các nhà khoa học bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến loại khí thải này khi Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất từ sau khi gia nhập WTO vào năm 2001. Các nhà máy của nước này chạy bằng than – loại nhiên liệu hóa thạch thải ra lượng carbon trên mỗi đơn vị năng lượng nhiều nhất.

Đến năm 2009, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thải khí carbon lớn nhất thế giới. Hiện xuất khẩu của nước này chiếm khoảng 5% lượng thải khí nhiên liệu hóa thạch của thế giới. Hầu hết số này đều liên quan đến hàng hóa được tiêu thụ ở các nước phát triển: 2/3 xuất khẩu khí thải của Trung Quốc đi vào các thành viên của khối OECD. Ấn Độ và Nga cũng là 2 quốc gia lớn xuất khẩu carbon.

Tuy nhiên, cắt giảm lượng khí thải liên quan đến hoạt động thương mại là nhiệm vụ hết sức gian nan. Bởi lẽ, các chuỗi cung ứng xuyên biên giới thường phức tạp và sản xuất hàng hóa gần thị trường nội địa hơn có thể cũng không giúp giải quyết vấn đề. Câu chuyện “khí thải thương mại” có thể nhìn ở 3 khía cạnh: loại hàng hóa được nhập khẩu, nguồn gốc và đường đi của hàng hóa đó.

Hàng nhập khẩu tạo ra lượng khí thải cao nhất chủ yếu là vật liệu công nghiệp (sắt, thép và hóa chất) và hàng tiêu dùng (ô tô, hàng điện tử và dệt). Theo Global Trade Analysis Project thuộc Đại học Prudue, 6 mặt hàng này chiếm khoảng 30% lượng khí thải liên quan đến thương mại. Nhưng lượng khí CO2 tạo ra bởi cùng một mặt hàng được sản xuất ở 2 nước khác nhau có thể có sự khác biệt rất lớn, phụ thuộc vào quá trình sản xuất mặt hàng đó có tiêu tốn nhiều năng lượng hay không và cách mà các quốc gia đó sản xuất ra điện.

Ví dụ, pin ô tô cỡ trung được sản xuất tại Thụy Điển tạo ra khoảng 350kg khí CO2, trong khi con số này ở Ba Lan, một quốc gia dựa vào than đá, lại hơn 8 tấn. Cà chua Anh Quốc được trồng trong nhà kính được sưởi ấm, vì thế cần lượng điện gấp 3 lần so với cà chua từ Tây Ban Nha, nơi có dồi dào ánh sáng mặt trời. Vì thế, để cắt giảm lượng khí thải, cần phải kiểm soát gắt gao nguồn gốc của hàng hóa.

Phương tiện vận chuyển cũng ảnh hưởng đến lượng khí thải. Khoảng 87% hàng hóa của thế giới (tính theo đơn vị tkm) được vận chuyển bằng đường biển. Vận tải đường thủy chiếm khoảng 2% lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch. Nhưng so với đường thủy, vận chuyển bằng hàng không (với cùng trọng lượng hàng hóa) lại thải lượng carbon gấp 70 lần.

Trong khi chính phủ các nước và giới khoa học đang đau đầu giải bài toán khí thải từ hoạt động thương mại thì mạng lưới thương mại xuyên biên giới lại bị xáo trộn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng thương mại toàn cầu tăng chỉ 1% so với cùng kỳ, tốc độ chậm nhất từ năm 2012. Nhưng cho dù thương mại toàn cầu có giảm xuống thì không có nghĩa lượng khí thải toàn cầu cũng giảm theo, theo Glen Peters, thuộc Trung tâm Khí hậu Quốc tế tại Na Uy.

Một vấn đề nữa là thương chiến đang buộc các tập đoàn đa quốc gia chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng điều đó có thể không giúp giảm lượng khí thải nếu hoạt động sản xuất ấy được chuyển sang các nước mà nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của họ cũng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Hiện xuất khẩu khí thải đang tăng nhanh nhất ở Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, theo Giáo sư Dabo Guan, Đại học East Anglia.

Trong dài hạn, câu trả lời duy nhất cho vấn đề khí thải thương mại là tất cả các nền kinh tế đều phải chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Theo Sam Lowe, thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu, có thể tận dụng các hiệp định thương mại để khuyến khích các quốc gia xuất khẩu cắt giảm lượng khí thải. Châu Âu, chẳng hạn, đang xem xét áp thuế quan cao hơn đối với hàng hóa từ các quốc gia không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. Hay các hiệp định thương mại của Mỹ cũng cho phép áp phạt đối với những quốc gia không hoàn thành các cam kết Thỏa thuận chung Paris 2015. Chắc chắn tìm cách hạn chế khí thải là chuyện không dễ làm, nhưng không thể không làm.