Ngày 23/10, tại Hà Nội, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) báo cáo về kế hoạch xây dựng “Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” và “Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông, nguồn nước liên tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết: Năm 2018, Cục đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì xây dựng hai quy hoạch về tài nguyên nước, Cục đã hoàn thiện bổ sung hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước, xin ý kiến 8 bộ, ngành, 19 tỉnh, thành phố…
Cụ thể, kế hoạch cho từng giai đoạn 2019-2021 với hai quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srekok và Sesan sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2020, để phù hợp với kết quả nghiên cứu của dự án quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực Mê Kông do Ngân hàng Thế giới tài trợ; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai đang được triển khai lập nhiệm vụ và dự kiến tháng 1/2020 sẽ được gửi lấy ý kiến các đơn vị trong Bộ, tháng 12/2021 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ…
Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh cho biết, Trung tâm được giao 9 quy hoạch về tài nguyên nước quốc gia và tổng hợp lưu vực sông, sẽ đảm bảo tiến độ thời gian thực hiện cũng như tính pháp lý. Trung tâm đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt điều chỉnh Nhiệm vụ lập quy hoạch. Riêng Quy hoạch về tài nguyên nước quốc gia dự kiến sẽ được triển khai thực hiện bắt đầu từ tháng 3/2020, gồm các quy hoạch đang được triển khai đồng thời như quy hoạch lưu vực sông Cửu Long, sông Đồng Nai.
Việc triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch cũng cần sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo thứ bậc theo Luật Quy hoạch. Đây cũng là một trong nhiệm vụ cấp thiết của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên đòi hỏi Trung tâm phải triển khai thực hiện hiệu quả công tác điều tra cơ bản cả về nước ngầm và nước mặt, kế hoạch điều tra cơ bản mang tính lâu dài. Đặc biệt, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước với công tác quy hoạch tài nguyên nước. Do đó, cần củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực; rà soát kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành yêu cầu: Phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 và Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông, nguồn nước liên tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tài nguyên nước, lưu vực sông phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tính liên kết tổng thể trên phạm vi từng vùng, từng lưu vực sông; phải liên kết với các ngành sử dụng nước khác nhau để phát triển bền vững, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Cần phải lưu ý đến các vấn đề trong xây dựng quy hoạch tài nguyên nước như quan hệ giữa quy hoạch tài nguyên nước với các quy hoạch khác để thống nhất, hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các đối tượng; phân vùng quy hoạch bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt; bảo đảm tính toàn diện, gắn kết giữa nước mặt và nước dưới đất; thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.